Thư gửi robot Citizen: Bữa cơm người nghèo

28/08/2020 07:07 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!

Thư gửi robot Citizen: Từ bữa cơm gia đình

Thư gửi robot Citizen: Từ bữa cơm gia đình

Một thầy giáo của một trường trung học ở thành phố Lạc Dương (Trung Quốc) đã phát hiện 39/45 học sinh đều bỏ bữa sáng do nhà trường cung cấp. Thầy nghĩ đây là việc lãng phí nên gom lại tất cả số trứng suýt bị bỏ đi với mục đích sẽ dạy cho học sinh hiểu thế nào là tiết kiệm, bắt đầu từ những quả trứng.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong khi nhiều nước vẫn phải tiến hành các biện pháp mạnh để giãn cách cộng đồng thì việc người dân Việt Nam chúng tôi tiếp tục phải chung sống với dịch bệnh là điều hiển nhiên.

Với những người lao động nghèo thì khó khăn hàng ngày là điều khó tránh khỏi. Bữa cơm vì thế mà sẽ ít dần thịt cá. Thời đại này, xã hội không để cho ai phải đói nữa, Sophia ạ, nhưng kham khổ thì vẫn không thể tránh hết được.

Tôi nhớ đến bữa cơm trưa đầu tiên trong đời làm thuê của mình cách đây hơn 30 năm. Khi ấy tôi đi làm phụ vữa, buổi trưa ai cũng phải mang cơm từ nhà đi, một phần vì hàng quán lúc bấy giờ rất ít, mặt khác là do thu nhập rất ít ỏi, phải mang cơm đi ăn cho tiết kiệm.

Buổi trưa, khi đến giờ ăn, ông chủ nhà thấy tôi loay hoay mở cái cạp lồng méo miệng mới gọi lại bảo: Đưa cho tao xem mày ăn trưa thế nào? Khi mở ra thấy có mấy quả cà pháo thâm sì, một ít cơm nguội từ tối hôm trước còn thừa, vài cọng dưa muối bên trên. Ông cười bảo: Ăn thế này làm sao mà xúc cát được hả con trai!

Rồi ông san bớt đồ ăn của mình cho tôi. Bữa cơm ấy ngon và nghèn nghẹn ở trong lòng.

Chú thích ảnh
 Khách thưởng thức bữa trưa 2.000 đồng. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngày nay, ở chỗ tôi làm việc, giờ ăn trưa thường rất nhộn nhịp, vui vẻ. Người lao động đủ các nghề từ bác thợ nhôm kính đến mấy cậu làm trần, vách thạch cao, các chị thu gom rác thải… mọi người hay ngồi thành những nhóm trong khu vực vỉa hè mát mẻ, trải áo mưa cùng nhau bày các thứ đồ ăn ra.

Nhiều hôm, tôi ghé qua hỏi thăm, giả vờ khen món này, hỏi cách chế biến món kia… Mục đích chính vẫn là xem bữa cơm trưa của họ ra sao? Đúng là có tận mắt chứng kiến bữa ăn chỉ có mấy gắp rau luộc, vài miếng đậu phụ, dăm ba miếng thịt ba chỉ, một lọ cà muối tất cả ăn chung… mới cảm nhận được sự khó khăn của họ. Tất nhiên nếu so với bữa cơm của tôi trước đây thì hơn nhiều. Tính theo thời giá hiện tại những bữa trưa như thế này giá dao động trong khoảng 20 đến 25 ngàn đồng/suất.

Bởi thế, cũng thật “ấm bụng” là tại nhiều địa phương ở Việt Nam như TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…, những “quầy thực phẩm 0 đồng”, “gian hàng 0 đồng”, “phiên chợ 0 đồng”, các quán cơm chay từ thiện với giá chỉ 5 ngàn đồng, 2 ngàn đồng tiếp tục được lập ra phục vụ người dântại địa phương hoặc là tại các địa điểm cách ly.

Chẳng hạn, tại Đà Lạt, các bạn trẻ “Ghiền Đà Lạt” và Hội Chữ thập đỏ thành phố còn đặt những tủ bánh mì, khẩu trang, quần áo miễn phí trên các tuyến phố ở trung tâm để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Sophia có biết 5 ngàn đồng bây giờ giá trị thế nàokhông nhỉ? 1, 2 ly trà đá, bơm căng 2 lốp xe máy, 1 gói bim bim... Trong khi giá vàng lên xuống điên đảo, nếu không tính toán chi li thì đúng là tiêu 5 ngàn đồng không đáng để cho mọi người quan tâm.

Chú thích ảnh
“Cửa hàng 0 đồng” - Ấm lòng người dân. Ảnh: TTXVN

Sophia thân mến!

Lan man một chút như thế để cô có thể hiểu rằng, việc lập ra những quầy thực phẩm, gian hàng hay phiên chợ “giá 0 đồng”, điều cần nhất chính là những tấm lòng thiện nguyện cùng chung tay góp công, góp của. Đó là sự nỗ lực hết sức, chuẩn bị chu đáo của các cán bộ chiến sĩ tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, của những người chủ “gian hàng 0 đồng” ở TP.HCM và các bạn trẻ ở Đà Nẵng, Đà Lạt.

Với quán cơm chay ở Cần Thơ thì là tâm huyết của cả trường Đại học Nam Cần Thơ. Để khách hàng có thể thưởng thức bữa ăn vào lúc 10h sáng mỗi ngày, từ giảng viên, các cô bếp cho đến các bạn sinh viên ai cũng góp sức để phụ giúp chuẩn bị từ khâu sơ chế đến chế biến món ăn vừa ngon, vừa có chất lượng.

Những mô hình “gian hàng 0 đồng”, “quán cơm 2 ngàn đồng”…nói trên không phải là mới mẻ trong cộng đồng một vài năm trở lại đây. Nhưng xét trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và đang còn tiếp tục lây lan, kinh doanh sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành dịch vụ, ăn uống, du lịch, tâm lý khách hàng cũng như những người phục vụ đều lo lắng cho sự an toàn của bản thân, thì rõ ràng việc các quán cơm này vẫn duy trì hoạt động và giữ được “giá bán từ thiện” như vậy quả thật là điều đáng hoan nghênh.

“0 đồng, 2 ngàn đồng hay 5 ngàn đồng” chỉ là những con số. Nhưng cái “tình người” được gửi gắm trong những món hàng, những suất cơm… có lẽ sẽ chẳng có con sốnào diễn đạt được chính xác. Thước đo của nó có khi chỉ là những nụ cười thân thiện của những người “nhận”.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm