30/08/2019 07:37 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Sophia đã xem các đoạn phim này chưa? Cảnh trong phim là một tài xế đang dùng cùi chỏ “vần” vô lăng, còn bàn tay thì mải mê nhắn tin trên điện thoại. Chuyển sang cảnh khác là một tài xế dùng hai chân quắp lấy vô lăng, còn hai tay chắp sau gáy dựa vào ghế. Một cảnh khác, một tài xế buông vô lăng, hai tay bưng bát mỳ ăn trong khi xe chở khách 50 chỗ vẫn đang chạy...
Xem những hình ảnh trên, rất có thể Sophia nghĩ rằng đó là những cảnh trong phim hành động nào đó. Nhưng không, đó là cảnh thật trên đường giao thông tại Việt Nam, không chỉ diễn ra một lần mà rất nhiều lần. Và không chỉ các nam tài xế làm điều này, ngay cả các chị em cũng “học đòi”, cũng a dua theo trào lưu này. Đến cả một hoa khôi cũng buông tay khi lái xe để… uốn éo, múa hát theo nhạc.
Vâng, đây là cảnh lái xe trên nhiều cung đường của các tài xế và được ghi hình bởi những camera nghiệp dư. Và chỉ ở thời 4.0 như bây giờ, khi những hình ảnh “sống động” này được “trình chiếu”, chúng ta mới rùng mình nhận ra rằng, tính mạng chúng ta đã bị các tài xế này coi thường như thế nào.
***
Anh tôi đã có nhiều năm tuyển dụng lái xe đường dài kể rằng, để nhận biết một tài xế có đủ phẩm chất lái xe khách 45 chỗ trở lên hay không, chỉ cần để ý xem, khi lái xe, anh ta có hay đạp chân phanh dúi dụi, hoặc khi dừng xe có giữ được khoảng cách an toàn không, hay là lại “kê đầu xe” sát vào đuôi xe phía trước.
Ngoài ra, tài xế mà trong suốt hành trình luôn bấm còi inh ỏi, gặp tình huống ngoài ý muốn là văng tục, chửi bới thì chắc chắn sẽ gây ức chế cho hành khách. Phải hiểu là trên xe có rất nhiều người, nên cách lái xe của bác tài (có điềm đạm hay không, có nhường đường hay không, hay thích tỏ ra “đầu gấu” hung hăng với các xe khác) sẽ ảnh hưởng mạnh đến tâm lý mọi người.
Những năm tôi hay xuống làm việc tại một số khu công nghiệp ở Hải Phòng, rất nhiều lần phải đi xe buýt đường dài. Quan sát các lái xe, tôi nhận thấy, các tài xế xe buýt có kinh nghiệm đa phần là những người có tính cách điềm đạm.
Dễ nhận thấy nhất là khi họ vào các điểm đỗ dừng trả/đón khách, xe bao giờ cũng nhẹ nhàng xin đường, chuyển làn. Gặp các đoạn đường cua, bác tài bao giờ cũng mở góc cua rộng hơn so với các loại xe khác, rất an toàn. Suốt dọc hành trình, khi đến bất cứ địa điểm nào họ cũng nhẹ nhàng nhắc hoặc thông báo cho hành khách chuẩn bị hành lý xuống xe.
Nhiều khi gặp những tình huống nguy hiểm trên đường, như xe máy tạt đầu hay là xe con vượt phải, các bác lại tế nhị bình luận một vài câu hài ước, rất hóm như: đi như thế thì chả mấy mà về tới đích (tức là ra nghĩa trang), hoặc: mặt xinh thế kia mà mắt lại để sau gáy… Khi gặp cảnh tắc đường, ai cũng sốt ruột, nhưng bác tài vẫn vận dụng thành ngữ để động viên mọi người, mà cũng là động viên chính mình: “Hà Nội không vội được đâu”; “Ngựa long cương ngựa cũng đến bến/ Voi đủng đỉnh voi cũng đến đò”…
Nghe xong, ai cũng thấy đỡ căng thẳng, quãng đường như ngắn lại, thấy yêu cuộc hành trình hơn dù chỉ là một chuyến xe với những người không quen biết.
***
Tham gia giao thông làm sao được an toàn, đó là mục tiêu tối thượng. Bên cạnh đó, dù chỉ đi một quãng đường hoặc ngắn hoặc dài nhưng không gian trên chiếc xe cũng là một “ngôi nhà chung” di động, một cộng đồng thu nhỏ của hành khách và tài xế, trong đó bác tài chính là người “chỉ huy”, “cầm trịch”. Và “chức vụ” này của các bác tài chắc chắn còn lâu mới có thể thay thế được, đúng không Sophia, không phải ngày một ngày hai mà phổ biến được “xe tự lái” của Google.
Vì thế các bác tài đừng bao giờ biến công việc này thành một trò tiêu khiển với những hành vi đã nêu ở trên, cái giá của nó thường là không tính được.
Tạm biệt Sophia và hẹn gặp lại thư sau!
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất