07/12/2018 07:04 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Xem chuyên mục "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Trước hết phải khẳng định đây là câu hỏi và cũng là lời tự vấn của tôi với cô chứ không phải truy vấn “lấy lời khai” về việc hành hạ người khác của cô hay chính tôi.
Còn tôi có tát con không? Có, một hai lần gì đó. Đó là những lần liên quan đến chuyện tôi không thể kiểm soát được trò nghịch ngợm của cháu.
Và cô biết không, sau cái tát chỉ để giải tỏa cơn tức giận của mình là nỗi ân hận, dằn vặt trùm lấy tôi.
Và hơn hết là nỗi lo sợ tột cùng. Tôi mở Google trên điện thoại để tìm thông tin về sự nguy hiểm khi tát trẻ con. Và đập vào mắt tôi là những thứ khủng khiếp hơn điều tôi kịp nghĩ trong cơ nóng giận: Bé chết não sau cái tát của mẹ; Trẻ có thể mất mạng nếu bị đánh vào 5 bộ phận trên cơ thể; Tát trẻ nhỏ có thể làm mù mắt các em…
Những thông tin từ chính bác sĩ khiến tôi phải tỉnh ngộ. Đánh vào đầu là “tử huyệt” có thể bị tổn thương như chấn động não rồi nặng hơn là nứt sọ, dập não, tụ máu não.
Có những trường hợp trẻ có bệnh lý tiềm ẩn như mạch máu não bị dị dạng… thì một cái vỗ, đánh vào đầu, gáy có thể khiến trẻ tử vong. Tát vào mặt, vùng trẻ thường bị ăn đòn nhiều nhất, đều có thể gây liệt mặt, méo miệng.
May thay, cơn nóng giận của tôi chưa gây hậu họa, nhưng khi bị ánh mắt của con nhìn thẳng vào mình tôi đã không dám nhìn thẳng vào mắt con. Chỉ có nước mắt giàn giụa nhưng tôi cảm thấy sự hờn trách và cả thất vọng về người vốn là chỗ dựa dẫm của cháu. Đấy là vết hằn vĩnh viễn trong tâm lý đứa trẻ.
Sophia thân mến, tôi còn nhớ từng có nhiều tờ báo đã đưa tin về một việc xôn xao tại Mỹ, đó là cuốn sách của mục sư Michael Pearl, sau khi nhiều đứa trẻ bị chết do cha mẹ chúng đọc và làm theo các biện pháp “yêu cho roi cho vọt” trong sách. Cuốn sách được phát hành cả triệu bản và biện pháp giáo dục mà vị mục sư tâm đắc được ông rút ra từ “Những nguyên tắc mà người Amish đã sử dụng để dạy những con là cứng đầu cứng cổ nhất”.
Vị mục sư hướng dẫn phụ huynh cách đánh một đứa trẻ ngay từ khi nó mới 6 tháng tuổi để sửa chữa những hành vi xấu, nhất là cách sử dụng một ống nước dài 35cm, mà như tác giả nói là có lợi thế “có thể cuộn tròn lại và bỏ trong túi quần của bạn”.
Phương pháp mà ông Pearl đưa ra là “nếu trừng phạt không có kết quả thì chỉ còn một cách là trừng phạt mạnh tay hơn”. Hậu quả, nhiều đứa trẻ đã chết khi cha mẹ chúng áp dụng nguyên tắc giáo dục kia.
Tôi cũng nhớ đến đoạn kết truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi”. Chúng may mắn không “ra đi” như những đứa trẻ xấu số thiệt phận dưới “bàn tay sắt” thô bạo nhưng đã trở thành sản phẩm lỗi của sự giáo dục đầy thù hận.
Dù Nguyễn Ngọc Tư nhắn nhủ: “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Nhưng những tổn thương mà chúng phải gánh chịu trong thể xác và tâm lý thì còn đeo đẳng mãi.
Vì thế, trước khi sử dụng hình phạt là tát một đứa trẻ trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy kịp nghĩ xem ai đó có tát con mình như thế không?
Hẹn gặp cô thư sau!
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất