Thư gửi robot Citizen: 'Học ăn, học nói, học gói, học mở'

20/03/2020 07:12 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 bắt đầu như thế nào?

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 bắt đầu như thế nào?

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 được lấy ý tưởng của Bhutan. Đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ.

Lá thư này tới tay cô ngẫu nhiên đúng vào ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3). Tôi miên man nghĩ ngợi không biết là trong “ngày hạnh phúc” này, điều gì sẽ khiến cho mọi người cảm thấy hạnh phúc khi mà đang phải gồng mình chiến đấu chống lại dịch Covid-19?

Không nói chắc Sophia cũng hiểu, khái niệm hạnh phúc thực ra rất rộng. Với mỗi nền văn hóa, với mỗi người, quan niệm về hạnh phúc cũng rất khác biệt.

Có thể kể một vài ví dụ như, người Nhật Bản thì có triết lý Ikigai, là niềm vui của con người trong cuộc sống hàng ngày, được sẻ chia cùng người khác, phục vụ cộng đồng, cho đi mà không cần nhận lại.

Người Đan Mạch thì lại tìm kiếm hạnh phúc từ những điều nhỏ bé, họ gọi đó là phong cách Hygge. Đó là cảm giác thư giãn, thả lỏng, thoải mái, hài lòng, đồng thời cũng chan chứa yêu thương.

Với người Thụy Điển thì vừa đủ - biết đủ chính là tự do, cũng là hạnh phúc. Họ áp dụng phong cách sống “Lagom” - một tính từ người Thụy Điển dùng để chỉ sự vừa phải, không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít - chỉ vừa đủ. Sự vừa đủ mà người Thụy Điển thể hiện ở phong cách sống lagom chính là việc tối giản hóa mọi thứ trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Ảnh: Internet

Còn thế giới khâm phục người Phần Lan vì tinh thần “Sisu” ẩn trong nghệ thuật sống của họ, tinh thần ấy giúp họ chấp nhận nghịch cảnh, vượt qua mọi khó khăn. Sisu biểu tượng cho niềm tin của con người với trái tim kiên định và quả cảm, sẵn sàng vượt qua tất cả.

Đến đây, có thể Sophia sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy thì người Việt Nam chúng tôi có triết lý sống nào để hạnh phúc không?

Sophia thân mến!

Tôi đã thử vào Google và gõ câu hỏi này tìm kiếm, nhưng không thấy có giải đáp nào cụ thể cả.

Tôi nhớ hồi mới học hết phổ thông, chưa có nghề ngỗng gì, bèn tranh thủ đi phụ giúp cho một bác thợ mộc trong khu. Bác bảo, muốn có cuộc sống hạnh phúc phải học nằm lòng mấy câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học cho kỹ 4 hành động trên đi đã, rồi có làm gì hẵng hay.

Lời dạy đó khiến tôi suy nghĩ mãi, và thường đem ra thử áp dụng vào trong một số tình huống của cuộc sống. Chẳng hạn, bây giờ trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, tôi sẽ giải thích cho Sophia về việc áp dụng 4 hành động trên.

Đầu tiên là “Học ăn”: Ăn là để nuôi sống bản thân, để có sức khỏe làm việc. Khi ăn phải biết chia sẻ, nhường nhịn. Xét rộng ra trong cộng đồng những ngày này, thì mọi sự chia sẻ đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh, đều đáng quý, dù là đóng góp lương thực, tiền hay là hiện vật, công sức. Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 đang là một cuộc vận động lớn.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

“Nói” thì sao nhỉ? Người Việt chúng tôi có câu “trẻ lên ba, cả nhà tập nói” với ngụ ý cái tuổi đấy là bắt đầu bi ba bi bô, biết tiếp nhận và diễn đạt ngôn ngữ theo cách tự nhiên. Nhưng “học nói” theo ý người xưa dạy bảo thì có lẽ phải hiểu cụ thể hơn, tức là: Nói khi nào? Nói ở đâu? Và nói cái gì?

Trong những ngày đại dịch Covid-19 này thì chuyện “nói cái gì?” đúng là cần phải học. Tôi nghĩ đơn giản rằng, nếu chúng ta không nói được điều gì hay ho, tử tế thì tốt nhất là nên im lặng lắng nghe. Đừng vì bất cứ điều gì mà có những phát ngôn tin tức sai sự thật, không có cơ sở, gây hoang mang cộng đồng. Chưa biết có đem lại ích lợi gì không nhưng trước mắt là vi phạm pháp luật. Những cá nhân bị cơ quan chức năng xử phạt mấy ngày vừa qua do tung tin đồn sai sự thật là những ví dụ chân thực về “học nói”.

Thế còn “học gói và học mở”, tôi nghĩ không đơn thuần “gói và mở” chỉ là những động tác gói một túi đồ hay là mở một thùng hàng. Rộng hơn ra ngoài cuộc sống thì hành động “gói và mở” cần hiểu theo nghĩa là “nâng lên được thì đặt xuống được”. Tức là linh hoạt khi nào thì “gói”, lúc nào phải “mở”. Càng buông xả (mở) thì ta càng thấy bình an và nhẹ nhõm hơn, hoàn toàn khác với thói quen tích góp (gói) thì ta càng thấy mệt mỏi và lo lắng.

Ví dụ ngay trong những ngày chống dịch Covid 19 này, khi dịch mới bắt đầu bùng phát, rất nhiều cá nhân chỉ nghĩ đến việc “gói ghém” cho bản thân mình bằng cách tranh thủ trục lợi, nâng giá các mặt hàng vật dụng y tế. Lẽ ra khi ấy, họ phải “gói cái lòng tham của mình lại”, cùng với đó, hãy “mở” tình thương của mình ra để hỗ trợ giúp đỡ mọi người. Đấy mới đúng là “học gói”.

Sophia thân mến!

Xem ra khi làm tốt được 4 hành động này, chúng ta sẽ có được hạnh phúc có phải không Sophia, cần gì phải tìm đâu xa.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm