06/11/2020 07:08 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Tại Việt Nam chúng tôi, khi nói về dân công vận chuyển hàng hóa, rất nhiều người sẽ nghĩ đến hình ảnh những đoàn xe thồ, những đội đân công hỏa tuyến tham gia tải đạn, tải lương thực và nhu yếu phẩm… từ hậu phương ra tiền tuyến để góp sức với những người đang cầm súng trên tuyến đầu trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Chiến tranh cũng đã qua được mấy chục năm rồi, đất nước đã hòa bình, bước vào thời kỳ đổi mới. Vậy mà những hình ảnh này mới đây lại được tái hiện rất sinh động không phải trong các tác phẩm nghệ thuật, sáng tác văn học hay trên phim ảnh… mà là ngay trong đời thường.
Đấy là tôi đang nói đến câu chuyện hàng trăm người dân, chiến sĩ băng rừng, trèo đèo cõng hàng cứu trợ vào giúp cho người dân ở xã Phước Thành (Quảng Nam).
Sophia thân mến!
Từ xa xưa cho đến bây giờ, giao thông đi lại luôn là vấn đề được quan tâm ưu tiên. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam chúng tôi, khi bàn luận về phát triển kinh tế, xã hội tại bất cứ địa phương nào, bao giờ mọi người cũng nhắc đến “Điện, đường, trường, trạm”. “Đường” ở đây có thể hiểu là đường bộ, đường thủy hay là đường hàng không đều được. Đại ý là phải có lối đi lại vào các vùng dân cư thì việc lưu thông hàng hóa mới thuận tiện, và khi có xảy ra thiên tai hay dịch bệnh thì việc cứu tế mới dễ dàng…
Cha ông chúng tôi từ ngàn xưa trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm hay là khi đương đầu với bão lũ cũng đã phải huy động người dân, dùng phương pháp vận chuyển thô sơ, thủ công đó là gùi, gánh, chế ra các loại xe thô sơ vận chuyển hàng hóa… để hỗ trợ những vùng sâu, vùng xa. Với cách làm này có thể đưa được hàng hóa đi đến được nhiều nơi hiểm trở, khó khăn… cho dù thời gian rất chậm, và lượng hàng mỗi xe rất ít. Tuy nhiên, trong chiến tranh, những khi có thiên tai cách làm này lại rất hiệu quả, huy động được rất nhiều người dân tham gia.
Tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn nhiều địa phương, bà con sống ở những vùng cao hiểm trở, không thuận tiện giao thông, đường sá đi lại hàng ngày vẫn chỉ là đường mòn, cầu khỉ… vì thế những khi xảy ra bão lũ, việc cứu trợ quả thật rất gian nan. Cho dù có phương tiện vận chuyển nhưng cũng không thể vào đến nơi vì đường sá đã bị cô lập, chia cắt. Những lúc ấy chỉ còn cách gùi hàng, vác hàng đi bộ vận chuyển vào.
Tôi nhớ thời kỳ còn trong quân ngũ, có lần anh em trong đơn vị cũng đã phải tổ chức đi vác gạo giúp dân trong mùa mưa. Hồi ấy, nơi chúng tôi đóng quân có nhiều hộ dân đi khai hoang, họ sống thưa thớt chỉ có vài ba hộ trên một khu vùng đồi vì vậy khi mưa ngập lụt, đường vào thôn bị tê liệt là cuộc sống của bà con bị đảo lộn hết cả. Đợt ấy mưa kéo dài, bà con thiếu gạo ăn, khi có gạo về thì xe không vào được, phải dừng ở ngoài đầu làng. Chi đoàn của xã đã vào nhờ đơn vị ra giúp sức chuyển gạo lên những quả đồi giúp bà con trên đó. Anh em trong đơn vị đã phải chia gạo vào trong những ruột tượng, những bao túi nhỏ, rồi đi bộ vác ngược đồi vòng ra phía sau làng mới có thể vào được nhà dân. Đúng là một trải nghiệm vất vả.
Trong câu chuyện của người dân xã Phước Thành (Quảng Nam) thì khó khăn còn hơn chúng tôi rất nhiều. Đây là một xã vùng cao huyện Phước Sơn. Trận lũ quét vào chiều 28/10 khiến 44 nhà bị trôi, 50 nhà bị sập hoàn toàn, con đường chính vào xã bị sạt lở, hàng chục km bị chia cắt… cho nên người dân nơi đây bị cô lập, những ngày qua cuộc sống vô cùng khó khăn.
May mắn là giải pháp “dân công gùi hàng, cõng hàng tiếp tế…” lại tỏ ra phù hợp, hiệu quả. Thực lòng mà nói, nếu như không có hàng trăm dân quân, chiến sĩ cùng người dân băng rừng, vượt đèo đi hàng giờ để cõng gạo, thực phẩm vào tiếp tế cho bà con trong khi hàng ngàn người dân khác phải tập trung nối cầu, dọn lũ để cho xe chở hàng vào tiếp tế thì không hiểu cuộc sống người dân nơi đây sẽ ra sao?
Sophia biết không, người dân nơi đây đã rơi nước mắt vì sung sướng khi nhận được hàng cứu trợ. Họ vui mừng bởi ít nhất những ngày tới không bị đói. Ông Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã nhận được hơn 10 tấn lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm vận chuyển vào. Hiện đã phân phát cho người dân để cứu đói. "Người dân sẽ đủ lương thực và cầm cự được khoảng 10 ngày”
Những hình ảnh “dân công thời 4.0” thật là cảm động và đẹp đẽ. Nó khiến tôi nhớ đến câu nói của Helen Keller: ”Một mình, ta làm được rất ít; cùng nhau, ta làm được rất nhiều”.Đó cũng là một câu chuyện đẹp tôi muốn kể với cô tuần này.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất