20/12/2019 07:05 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Hẳn chúng ta đều biết, có một Hà Nội đẹp tựa bồng lai tiên cảnh trong bài ca dao xưa: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
Nhưng những ngày này, nếu đi trên đường phố Hà Nội, nếu gặp cảnh gợi liên tưởng tới... “mịt mù khỏi tỏa ngàn sương”, đa phần người dân và du khách lại phải vội vàng lấy khẩu trang ra đeo. Là vì họ lo rằng,hình như đó không phải là cảnh sương mù ẩm ướt do hơi nước tạo thành một cách tự nhiên mà là hiện tượng“mù khô” do ô nhiễm không khí (bụi mịn) gây ra.
Sophia ạ, trước hết tôi muốn nói với cô rằng, vẻ mờ sương của Hồ Tây đúng là một “đặc sản” hiếm thấy của Hà Nội, đẹp đến độ hóa thành tên hồ. Hồ Tây hay còn gọi là hồ Dâm Đàm (tức hồ sương mù) vì thường vào lúc sáng sớm và chiều tối, sương phủ dày trên mặt nước. Mà không chỉ ở Hồ Tây, Hồ Gươm từ bao đời nay cũng làm nức lòng bao du khách những ngày Đông khi ngắm cảnh Tháp Rùa thấp thoáng trong màn sương huyền ảo, soi bóng xuốngmặt hồ…
Thèm lắm, cảm giác được đắm mình trong màn sương trong trẻo, lành lạnh, len lỏi khắp các góc phố phường Hà Nội. Nhìn cảnh người người thấp thoáng đi trong màn sương mờ…cứ ngỡ như đang lạc vào miền sơn cước Sa Pa hay thung lũng Đà Lạt vậy!
Nhưng vào những ngày này, chắc rằng khi gặp cảnh mù mịt trên phố phường không ít người sẽ giật mình, không biết là thời tiết đang có sương mù hay là tình trạng ô nhiễm không khí đang lên cao. Nếu cảnh “mịt mù” là bụi mịn thì sẽ chẳng còn ai muốn ra ngoài khi không có việc gì cần thiết, cơ quan chức năng đã khuyến cáo như thế.
Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao không khí Hà Nội có những thời điểm trở nên “xấu” và “rất xấu” như gần đây? Có nơi, có thời điểm nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 3 - 4 lần quy chuẩn. Nồng độ bụi mịn cao hơn quy chuẩn cho phép ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, điều này đã tạo ra sự lo lắng chính đáng trong nhân dân, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách.
Sophia thân mến!
Công bằng mà nói, việc thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm không khí không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khícũng là một thực tế khó tránh tại các quốc gia đang phát triển và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 90% số người chết liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn thuộc châu Á và châu Phi.
Dẫu vậy cũng cần phải nhìn ra ngoài thế giới để thấy được một số quốc gia đã và đang quyết liệt tham gia vào cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, giảm mật độ bụi mịn (biểu hiện chủ yếu của ô nhiễm không khí) như thế nào, bằng cả những giải pháp tạm thời và lâu dài.
Theo đó, Quốc hội Hàn Quốc gần đây đã thông qua 8 dự luật liên quan tình trạng bụi mịn nồng độ cao trong không khí. Chính quyền thủ đô Bangkok của Thái Lan triển khai vòi rồng phun nước vào không khí và cung cấp khẩu trang cho người dân để đối phó màn sương khói trong thành phố. Trong khi đó tại Ấn Ðộ, nhằm giảm ô nhiễm các biện pháp được đưa ra như: Cấm đốt rác và rơm rạ, hạn chế các hoạt động xây dựng, cấm xe tải đi vào thành phố, tăng tần suất hoạt động của giao thông công cộng…
Vâng, sự lo lắng của người dân khi phải thở trong cảnh “mịt mù” là một sự lo lắng rất chính đáng. Sophia biết không, qua câu chuyện này tôi mới thấy, hóa ra việc “chữa lành những vết thương” cho môi trường sống chẳng những đem lại sức khỏe, sự an toàn, sự bình yên cho con người, mà còn mang lại cái đẹp. Thật vậy, khi ô nhiễm không khí bị đẩy lùi, chúng ta có thể bình yên ngắm nhìn cảnh “mịt mù khói tỏa ngàn sương” của Hồ Tây,của Hà Nội mà trong lòng không còn phải băn khoăn gì về chuyện sương mù hay bụi mịn.
Xin tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất