03/01/2020 07:15 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen" tại đây.
Chúng ta đã bước sang những ngày đầu tiên của năm mới 2020, cũng là năm kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội. So với không khí hồi kỷ niệm 990 năm, rồi 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì rõ ràng vẫnchưa thấy cái náo nức, tưng bừng như trước, tuy rằng cũng đã có một số chương trình hướng ứng ý nghĩađược phát động gần đây.
Trong những ngày đầu năm mới này, tôi giở lại Chiếu Dời đô của vua Lý Công Uẩn. 1.010 năm trước, ông cha ta đã viết mảnh đất nơi đây như sau: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Đọc đến đây, tôi chú ý đến mấy từ “tiện nghi núi sông sau trước”. Núi thì vẫn là Ba Vì, Tam Đảo kia thôi. Sông thì vẫn là “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Nhưng cũng lại chạnh buồn, tuy Kim Ngưu, Tô Lịch, tên các dòng sông sau 1.010 năm vẫn như thế, nhưng quang cảnh đã khác xưa quá nhiều.Thật khó tưởng tượng cảnh thời Lý, Trần, các vua thường đi thuyền rồng dạo chơi trên sông Tô đến cầu Mọc thì dừng lại vì ở đây có đình Lý Thôn, quanh đình cây cổ thụ sum suê, phong cảnh đẹp.
Thế nên, hồi sinh sông Tô Lịch đang là câu chuyện thời sự ngày nay sau 1.010 năm Chiếu Dời đô. Có thể sông Tô Lịch không thể trở lại như trước kia “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh”, nhưng chí ít thì một dòng sông đô thị cũng cần phải khắc phục được tình trạng ô nhiễm, đáp ứng nhu cầu cảnh quan và việc tiêu thoát nước cho các khu phốtrong những ngày mưa to, bão lớn tràn về. Chúng ta có thể dùng công nghệ xử lý ô nhiễm của nước ngoài hay là xây nhà máy xử lý nước thải tùy theo tình hình thực tế, vấn đề là làm sao sớm đưa vào vận hành để phục hồi con sông này.
Cùng với hồi sinh sông Tô, hệ thống thoát nước của thành phố phải như thế nào để cảnh ngập úng không còn tái diễn, không còn tình trạng nhiều tuyến phố, khu vực dân cư hễ mưato là ngập, thậm chí ngập sâu và kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Khi nào mới được như trong Chiếu Dời đô “thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm”?
Hẳn Sophia cũng biết, các nhà sử học khi phân tích Chiếu Dời đô đều nhận định rằng, việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là sự lựa chọn, phát huy được cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Quả thật, thời điểm dời đô đó đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, tức “nhân hòa”. Qua 1.010 năm, để Thăng Long - Hà Nội ngày nay xứng đáng là kinh đô bậc nhất nước ta như mong ước của Vua Lý Công Uẩn thì có lẽ Hà Nội cũng cần phải cố gắng tận dụng yếu tố nhân hòa trong cuộc sống.
Thực tế đã chứng minh rằng, con người có thể không tạo ra thiên thời, cũng không làm nên được địa lợi nhưng chúng ta hoàn toàn có thể gây dựng được “nhân hòa”.
Với thủ đô Hà Nội, nếu có được “nhân hòa”, cùng chung tay xây dựng ý thức giao thông, chúng ta sẽ khắc phục được phần nào vấn nạn tắc đường. Góp phần cho giao thông hàng ngày trở nên dễ chịu hơn.
Chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường thì phố xá luôn sạch đẹp nhất là trong những dịp lễ hội, những kỳ nghỉ dài ngày. Bớt đi những bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ ngoài đồng, thực hiện việc vận chuyển vật liệu, thu gom phế thải xây dựng đúng theoquy định…thì chắc chắn rằng nạn “bụi mịn” sẽ bị đẩy lùi.
Đó là những mong ước rất nhỏ bé nhưng lại cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng khi bước sang năm mới. Làm tốt được việc này tức là chúng ta cùng nhau đón và chúc mừng năm mới trong tinh thần của Chiếu Dời đô cách đây 1.010 năm. Phải vậy không Sophia?
Xin tạm biệt và hẹn gặp Sophia thư sau!
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất