19/04/2019 06:59 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Xem chuyền đề "Thư gửi Robot Citizen tại đây"
Xin báo cho cô biết một tin vui, ngày 16/4, tại khóa họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 206 tại Paris (Pháp), hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An (1292-1370) đã được thông qua. UNESCO sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất của ông vào năm 2020.
Đối với người Việt Nam chúng tôi, thầy Chu Văn An được tôn xưng là "Vạn thế sư biểu" - người thầy của muôn đời. Tư tưởng nổi bật của ông là tự học, tự lập, học tập suốt đời và là tấm gương tôn sư trọng đạo. Điều này cũng đã được sử sách ghi lại, được lưu danh tại nhiều vùng miền.
Một điều đặc biệt là tấm gương đạo đức và tài năng của thầy Chu Văn An đã đi từ lịch sử vào trong huyền thoại, cổ tích. Câu chuyện đầu tiên có liên quan đến hình tượng thầy Chu Văn An mà tôi được đọc từ hồi nhỏ, đó là "Sự tích Đầm mực". Thuở đó, tôi đã khóc khi đọc đến chi tiết hai cậu học trò của thầy, vốn là con vua Thủy tề, vì làm mưa giúp dân mà bị trời trừng phạt phải chết. Ở cái tuổi đó, tôi cũng chỉ thấy tiếc thương cho hai cậu học trò chứ chưa nhận thức được những ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện.
Hóa ra, uy tín và sức cảm hóa vô bờ của thầy Chu Văn An đã không chỉ lay động trong cõi ngườimà cả cõi quỷ, thần... Như trong "Sự tích Đầm mực", khi cụ đồ Chu An (tên nhân vật trong truyện) được báo tin rằng, hai người học trò của mình chính là thuồng luồng hóa thân, cụ đã không hề lo sợ, mà khảng khái nói "Quỷ thần mà lại chuộng đạo của thánh hiền càng tốt chứ sao?".
Phải chăng đó chính là nguyên tắc giáo dục "không phân biệt đối tượng" của Chu Văn An từng được sử sách ghi nhận? Ông nhận dạy tất cả những người cầu học: Thái tử con vua (sau này làm vua); các học trò đỗ đạt cao, làm quan trong triều (như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh) và biết bao nhiêu học trò khác tuy không thành đạt được như vậy nhưng chí ít cũng thấm đẫm tư tưởng và tinh thần của ông mà đem ảnh hưởng đó tác động đến sự thay đổi của xã hội đương thời.
Kể lại chuyện cổ tích nêu trên (về hai cậu học trò thủy thần của thầy Chu Văn An), PGS-TS Dương Hải Hưng - TS Mai Quốc Khánh nhận xét rằng, tuy câu chuyện có tính chất huyền hoặc nhưng nó cũng cho chúng ta thấy sự lưu truyền về cách dạy học gắn với thực tế đời sống của tiên triết Chu Văn An... Thêm vào đó, trên cơ sở coi trọng học trò, ông giáo dục cho học trò tinh thần dũng cảm, tiết tháo cao thượng, trừ hại giúp dân cứu nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình.
Sophia thân mến! Từ "Sự tích Đầm mực", hình tượng thầy Chu Văn An lớn dần lên trong tôi theo thời gian. Tôi nhớ khi học lịch sử hồi cấp 2, thầy tôi đã kể chuyện Chu Văn An dâng "Thất trảm sớ", đề nghị chém 7 tên nịnh thần. Khi vua không chịu nghe, ông đã cáo quan về quê dạy học cho con em người dân trong vùng, không phân biệt giàu nghèo…
Những câu chuyện lịch sử đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về sự nghiêm minh, cương trực, sống ngay thẳng, không cầu lợi lộc của thầy Chu Văn An. Đặc biệt, tôi cũng hiểu thêm được phương pháp giáo dục học trò của ông.Chu Văn An luôn đề cao sự nghiêm khắc trong giáo dục thế hệ trẻ. Đúng như nhận xét "Nghiêm không phải là dữ đòn để cho học trò sợ, mà đối với Chu Văn An, “nghiêm” là thái độ nghiêm trang, mẫu mực trong giáo dục, là việc giảng dạy chặt chẽ, có quy củ, kỷ cương...".
Tư tưởng cũng như phương pháp dạy học của ông rất phù hợp cho nền giáo dục nước nhà của thời nay cũng như của mọi thời.
Sophia biết không? Chu Văn An từng là vị hiệu trưởng của ngôi trường được coi là Đại học đầu tiên của Việt Nam, đó là trường Quốc Tử Giám. Sophia có thấy, ngày nay, trước các kỳ thi, nhiều gia đình và học sinh hay đến thăm, thắp hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tôi mong sao tất cả mọi người đến đây đều kính cẩn nghiêng mình trước tượng thầy Chu Văn An để suy ngẫm, chiêm nghiệm về những triết lý giáo dục cũng như tấm gương đạo đức mà thầy đã để lại cho đời; chứ không phải đến đây để cầu đỗ đạt hay cầu may mắn trong thi cử.
Trong khi tổ chức UNESCO đánh giá cao những tư tưởng và quan điểm giáo dục của danh nhân Chu Văn An và sẽ tổ chức vinh danh ông vào năm 2020, vậy chúng tôi, những người con đất Việt, dù trên cương vị người thầy, hay người học trò thì cũng cần khơi dậy tinh thần Chu Văn An trong giáo dục.
Trong tình hình hiện nay, khi mà trong xã hội liên tiếp có những câu chuyện buồn về đạo thầy trò, về những ứng xử lệch chuẩn trong nhà trường, thì những câu chuyện xưa về tấm gương "Vạn thế sư biểu" Chu Văn An sẽ chẳng bao giờ cũ.
Xin chào Sophia và hẹn thư sau.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất