Thư gửi robot Citizen: Trên Hải Vân quan

24/12/2021 06:57 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!

Hải Vân Quan được công nhận Di tích cấp quốc gia

Hải Vân Quan được công nhận Di tích cấp quốc gia

Chiều 17/4, ông Huỳnh Hùng, GĐ Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết, Sở đang chuẩn bị cho cuộc họp cùng với Sở Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên - Huế để bàn về cách thức bảo tồn và quản lý Di tích Hải Vân Quan

Ngày 19/12 vừa qua, trên đỉnh đèo Hải Vân, nơi 700 năm trước vua Lê Thánh Tôn đề tặng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, đã diễn ra một sự kiện hết sức quan trọng: Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế và TP Đà Nẵng long trọng công bố dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan.

Những tiếng trống, chiêng rộn ràng trong mây, gió, sương bảng lảng, tạo nên một không khí thật cảm khái lòng người. Có lẽ, hàng triệu người cũng vui mừng bởi di tích Hải Vân quan rốt cuộc đã được “giải cứu”.

Tôi điện thoại hỏi cảm xúc nhà thơ Lại Phiền Hà, một kỳ nhân sống 31 năm trên đỉnh đèo. Giọng ông như reo: “Vui quá nhà báo ơi. Hải Vân quan mà được tu bổ xong đảm bảo cả Huế và Đà Nẵng đều hưởng lợi. Mấy chục gia đình buôn bán trên đỉnh đèo mấy ngày nay phấn khởi vô cùng”.

Chú thích ảnh
Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

 Lại Phiền Hà là một cái tên gợi nhiều yêu mến. Dân văn nghệ sĩ trên đường thiên lý đến đỉnh đèo đều muốn ghé thăm ông. Nhà thơ người Hà Nam, đã bị coi là “khùng” khi lánh xa thế sự để bám trụ trên đỉnh đèo, chỉ vì yêu đến cuồng si thắng cảnh này. Lúc đó đỉnh Hải Vân luôn đầy rác rưởi. Nhà thơ làm cái nhà vệ sinh để khách không đi bậy, tất nhiên ông ngồi thu tiền. Ngày ngày nhặt rác, hốt phân và… làm thơ, 31 năm qua, ông cũng là một “di sản sống” khi đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho di thắng.

Khu đất Lại Phiền Hà cắm dùi nằm chênh vênh phía Nam, nằm đối diện cụm di tích Hải Vân quan, ông Hà gọi đó là “Vườn Thanh”, có “view” tuyệt đẹp. Ai đến tham quan đều được ông đều hướng dẫn tận tình, kể những câu chuyện thú vị, rồi tặng thơ.

Sở dĩ tôi nhắc đến Lại Phiền Hà để nói tại sao một cá nhân có thểdành hơn nửa đời người để nâng niu Hải Vân quan trong khi số phận của di sản này lại quá truân chuyên. Hải Vân quan nổi tiếng là thế mà sao phải đến năm 2017 mới được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Nghe cứ như đùa! Nguyên nhân chỉ vì cụm kiến trúc này nằm ở vùng giáp ranh địa phận, bị tranh chấp dai dẳng giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Nhiều người chua xót ví von Hải Vân quan không được đánh thức do phải chịu cảnh “một vợ, hai chồng”.

Chú thích ảnh
Đơn vị thi công thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ơn trời, mọi chuyện đã qua, Sophia ạ!

Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan với tổng mức đầu tư rất khiêm tốn: 42 tỷ đồng, mỗi địa phương đóng góp một nửa, tức 21 tỷ. Số tiền đó hy vọng sẽ đủ để “đánh thức” Thiên hạ đệ nhất hùng quan với nhiều hạng mục.

Những ai đi qua đèo Hải Vân mới cảm nhận hết được tuyệt tác mà tạo hóa ban tặng. Mới đây nhất, tháng 5/2021, Tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Travel + Leisure khi công bố 10 tuyến đường đẹp nhất thế giới thì đèo Hải Vân xếp ở vị trí thứ 4.

Gần 150 năm trước, Toàn quyền Pháp Paul Doumer (sau này làm Tổng thống Pháp) trong hồi ký Xứ Đông Dương đã mô tả về Đà Nẵng khi đứng trên đỉnh Hải Vân nhìn xuống: “Dưới kia vịnh Đà Nẵng hiện ra. Không một cảnh quan thần tiên nào của Địa Trung Hải vừa có được cái đẹp và cái to tát này”.

Không chỉ Hải Vân quan, rất nhiều di sản văn hóa dọc quốc lộ 1A cần được bảo tồn, phát huy, đầu tư thật tương xứng. Muốn thế, phải biết đặt di sản lên trên các lợi ích nhất thời.

Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm