Đội tuyển Đức: Rèn đá luân lưu bằng... công nghệ cao

02/07/2016 16:15 GMT+7 | Euro 2020

(lienminhbng.org) - Tuyển Đức đang sở hữu thủ môn xuất sắc nhất thế giới và thành tích sút luân lưu cũng là số 1 trong các ĐTQG, nhưng với họ, không bao giờ là đủ.

Nổi tiếng với việc lên kế hoạch tỉ mỉ, làm mọi việc tới mức hoàn hảo và chăm sóc cho từng chi tiết, ban huấn luyện tuyển Đức đã viện tới những công nghệ mới nhất để tạo ra lợi thế tối đa có thể cho đội nhà, bao gồm chuẩn bị cho các loạt sút luân lưu ở EURO 2016.

Phần mềm thửa riêng

Penalty Insights, một ứng dụng do công ty phần mềm Đức SAP thiết kế riêng cho đội tuyển, cung cấp cho thủ môn Manuel Neuer và các HLV thủ môn ở Die Mannschaft gần như mọi thông tin cần thiết về việc các đối thủ của họ đá phạt đền ra sao. Bộ dữ liệu này bao gồm thông tin về mọi đội bóng ở EURO, chứ không chỉ các đối thủ của Đức. Trong đó có việc từng cầu thủ có khả năng cao nhất sẽ thực hiện sút luân lưu theo hướng nào, cùng một mô tả ngắn về thói quen sút như lúc chạy lấy đà, hướng ánh mắt, và các động tác khác.

Trong ứng dụng còn có cả dữ liệu về việc mỗi cầu thủ trong các đội bóng từng đá bao nhiêu quả 11 mét, bao nhiêu thành công, bao nhiêu ra ngoài và bao nhiêu bị thủ môn chặn lại, cùng việc chia cầu môn thành 6 phần và tính toán các tỉ lệ bóng đi vào phần nào. Cuối cùng, có cả những đoạn video clip điển hình của cầu thủ được nhắc tới, cho phép Neuer và các thủ môn tuyển Đức phân tích chính xác từng chi tiết các đối thủ của họ.

“Trong quá khứ chúng tôi đã phải tìm kiếm dữ liệu rất vất vả”, HLV thủ môn của tuyển Đức, cũng là một cựu thủ môn ĐTQG, Andreas Kopke, nói. “Giờ thì chúng tôi có thể phân tích từng cá nhân và chuẩn bị cho các thủ môn của chúng tôi theo cách tối ưu”. Kopke là thủ môn của tuyển Đức giành chức vô địch EURO gần nhất, năm 1996. Ông đã bị Patrik Berger sút tung lưới từ chấm 11 mét trong trận chung kết, giúp Czech dẫn trước 1-0. Nhưng Kopke cứu được quả luân lưu do Gareth Southgate thực hiện ở bán kết để loại Anh. 6 năm trước nữa, Kopke ngồi dự bị trên sân Stadio di Alpi ở Italy, khi Bodo Ilgner cứu được quả phạt đền của Stuart Pearce trong một trận Anh-Đức khác ở bán kết World Cup.

Vô địch về sút luân lưu

Đức có thành tích toàn thắng trong những đợt đấu súng ở các kỳ World Cup, 4/4 lần, và chỉ sút hỏng 1 trong 18 quả 11 mét họ đã thực hiện. Số 1 của họ hiện giờ Neuer cũng có thành tích ấn tượng trước các đối thủ trên chấm 11 mét, cứu được 15 quả và thủng lưới 32 lần trong 13 năm bắt chuyên nghiệp. Gần đây nhất, anh đã từ chối bàn thắng của Fernando Torres ở trận bán kết Champions League giữa Bayern Munich và Atletico Madrid.

Trưởng nhóm theo dõi đối thủ của tuyển Đức, Christofer Clemens, nói ý tưởng về Penalty Insights là cố gắng loại bỏ tối đa mọi sự khó lường, rất điển hình cho cách làm trật tự, ngăn nắp và luôn tìm cách kiểm soát mọi chuyện của người Đức. Cho tới giờ, lần duy nhất Đức thúc thủ trên chấm phạt đền ở một giải lớn là trước Tiệp Khắc tại chung kết EURO 1976. 7 quả sút đầu tiên đều thành công trước khi người sút thứ 4 của Tây Đức, Uli Hoeness, đưa bóng đi đập xà ngang. Sau đó, tiền vệ của Tiệp Khắc Antonin Panenka đã có pha sút huyền thoại sau này được đặt luôn theo tên ông để giành cúp về cho đội nhà.

Panenka chạy đà như bình thường, nhưng rồi đợi khi thủ môn Đức Sepp Maier ngả người sang bên trái thì nhẹ nhàng hất bóng vào ngay giữa khung thành. Nếu Maier cũng sở hữu ứng dụng di động cảnh báo trước về kiểu đá phạt Panenka, rằng ngôi sao người Tiệp Khắc là kẻ lãng tử, rất tự tin và có thể làm mọi chuyện, thì Tiệp Khắc có thể đã phải trả giá đắt với màn trình diễn lãng mạn đó, và lịch sử bóng đá đã không có thuật ngữ “đá phạt đền Panenka”.

Trưởng đoàn bóng đá của tuyển Đức, Oliver Bierhoff, thừa nhận rằng ngay cả sự chuẩn bị đó cũng còn xa mới hoàn hảo. “Những cầu thủ hàng đầu biết các thủ môn đều thu thập những dữ liệu đó”, ông nói. “Vì thế yếu tố con người vẫn rất quan trọng. Vẫn sẽ có sai số và cần sự xử lý linh hoạt cho từng tình huống”. Bierhoff, từng ghi 2 bàn ở chung kết EURO 1996 giúp Đức lội ngược dòng trước Czech, còn muốn áp dụng công nghệ nhiều hơn nữa so với hiện nay. Ông nghĩ rằng đã tới lúc UEFA và FIFA bãi bỏ các hạn chế và cho phép thủ môn mang iPhone vào sân trong các loạt sút luân lưu.

Ngày đó có vẻ còn xa, nhưng quả thật nếu nó đến, thì sẽ không ai được chuẩn bị tốt như những người Đức.

Chi li tới từng giây

Không chỉ cho các thủ môn, Đức áp dụng công nghệ và lượng hóa mọi vấn đề khác của ĐTQG. Một ví dụ, phân tích kỹ thuật vào năm 2014 cho thấy các cầu thủ Đức đã giảm thời gian cầm bóng trung bình xuống còn 1,1 giây, so với 3,4 giây vào World Cup 2010. Việc di chuyển bóng nhanh hơn, liên tục hơn đã luôn là yếu quyết với bóng đá Đức hiện đại, và HLV Joachim Loew khẳng định những con số đó đóng vai trò quyết định trong việc Đức đè bẹp Brazil 7-1 ở bán kết, rồi đánh bại luôn Argentina ở chung kết để trở thành nhà VĐTG.

Công nghệ đó cũng đã được mang tới EURO lần này. “Chúng tôi có thể gửi thông tin cho mọi HLV và cầu thủ qua iPhone của họ, dễ hiểu, và đẹp mắt nữa”, Bierhoff nói. “Dù chúng tôi có gặp đối thủ nào, chúng tôi cũng đã nắm khá chắc thông tin về họ”.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm