14/03/2016 07:15 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - NXB Công an Nhân dân vừa ấn hành Trần Lệ Xuân thăng trầm quyền - tình (tái bản, có sửa chữa bổ sung) của nhà báo "lão làng" Lý Nhân. Cũng viết về Trần Lệ Xuân nhưng sách có những dữ kiện với độ xác tín cao, không như cuốn Trần Lệ Xuân của một tác giả khác được cho là có nhiều lỗi. Điều gì đã giúp Lý Nhân có được điều đó?
Cũng như nhiều cuốn sách khác viết về các nhân vật quyền thế tại miền Nam trước 1975, nhà báo Lý Nhân vừa vận dụng các nguồn tư liệu, vừa phỏng vấn người trong cuộc và ông còn là chứng nhân của một thời.
Cuốn sách đầu tiên Lý Nhân viết về nhân vật Ngô Đình Diệm, in tại Sài Gòn năm 1972 ký tên thật Phan Kim Thịnh. Sau 1975, ông gác bút và mãi đến giữa những năm 1990 mới viết sách trở lại với cuốn - Trần Lệ Xuân Giấc mộng chính trường.
Gần đây, NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book ấn hành cuốn Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà rồng của tác giả Monique Brinson Demery, Mai Sơn chuyển ngữ. Cuốn sách này có nhiều lỗi sai, được nhận định là từ khâu dịch và biên tập mà ra. Phải chăng, sách viết về các nhân vật người Việt từ góc nhìn của người nước ngoài nên mới có những lỗi đáng tiếc trong Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà rồng?
Đọc Trần Lệ Xuân thăng trầm quyền - tình của Lý Nhân sẽ không có những lỗi sai do dịch thuật và do kiến thức lịch sử như Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà rồng. Nhà báo Lý Nhân còn cung cấp thêm nhiều thông tin từ những nhân chứng tận mắt thấy, tai nghe hơn là thông qua tư liệu sách vở.
Chẳng hạn, trong Trần Lệ Xuân thăng trầm quyền – tình, Lý Nhân dẫn lời ông Đoàn Thêm (nguyên Đổng lý phủ tổng thống) khi ông Thêm vào gặp Ngô Đình Nhu; ông Thêm tả ông Nhu: “Tôi chú ý đến nước da sạm, mắt sắc nhưng hơi trợn, hai tai bạt, má lúm đồng tiền và đôi hàm rất khỏe, lúc cười răng trắng soi vẻ mặt đăm chiêu. Tôi còn ghi nhận những ống quần nhàu không ủi, chiếc sơ-mi hở cổ cộc tay và hơi cũ, đôi dép da quai sờn. Y phục quá sơ sài của em một thủ tướng khiến tôi phát ngượng và lúng túng trong bộ đồ lớn của mình”.
Đoạn trên do Đoàn Thêm tả Ngô Đình Nhu vào sáng ngày 12/7/1954 khi Ngô Đình Diệm vừa về làm thủ tướng của miền Nam Việt Nam. Nhưng sau này khi ông Nhu trở thành “ông cố vấn” vào năm 1956, thì đã thay đổi hoàn toàn từ cách ăn mặc, và không còn ngủ trên ghế bố trong căn phòng rộng chừng 12m2 ở Dinh Độc Lập.
Những chi tiết như thế phản ánh sự thăng trầm của gia đình nhà Ngô thông qua nhân vật Ngô Đình Nhu. Tất nhiên, bà Trần Lệ Xuân vợ ông Nhu cũng không thể nào tránh khỏi.
Khác với những hình ảnh quyền thế, hào nhoáng với chiếc áo dài rộng cổ tự thiết kế, bà Trần Lệ Xuân từng có một thời phải bán luôn chiếc vòng cổ bằng vàng - của hồi môn khi cưới ông Nhu, để lấy tiền độ nhật qua ngày.
Đó là những tháng ngày sau năm 1945, gia đình bà Nhu sống tại Đà Lạt, ông Nhu thất nghiệp phải “ăn bám” vào vợ và được bạn bè mua cho từng gói thuốc Bastos xanh để hút qua ngày. Những chi tiết này, nhà báo Lý Nhân dẫn nguồn từ hồi ký của những nhân vật thân thiết với gia đình nhà Ngô hoặc thông qua các cuộc phỏng vấn của tác giả với những người trong cuộc.
Không chỉ viết sách dựa vào tư liệu hay nhân chứng, nhà báo Lý Nhân cũng là nhân chứng sống của một thời nhiều biến động. Lý Nhân cho biết, ông đã đến chứng kiến nhiều sự kiện lớn, chụp hình, ghi âm lại các phiên xử các quan to tham nhũng, chém đầu tướng Ba Cụt, xử bắn Ngô Đình Cẩn.
Để các cuốn sách của mình có độ xác tín trong từng chi tiết, Lý Nhân cho biết: “Cái gì chưa rõ thì tôi chưa viết, khi nào có chứng cứ xác thực bằng văn bản, bằng nhân chứng trực tiếp nói cho tôi nghe hay tận mắt, tận tai ghi nhận thì tôi mới đưa vào sách của mình”.
Nhà báo Lý Nhân sinh năm 1936 tại Nam Định, ông vào nghề báo tại Sài Gòn năm 1959 để trốn quân dịch. Sau này ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Văn học đến tháng 4/1975 thì đóng cửa. Trong thời gian Văn học xuất bản, Lý Nhân đã giới thiệu nhiều gương mặt văn nghệ sĩ đang sống ở miền Bắc như: Văn Cao, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Nguyễn Bính, Phan Khôi, Tản Đà, Huy Cận. Việc làm này của ông khiến báo Văn học bị chính quyền Sài Gòn gây khó dễ, nhiều số báo bị tịch thu và Lý Nhân bị dọa truy tố ra tòa vì tội tuyên truyền văn nghệ của cộng sản. Hiện nay, ở tuổi tròn 80, hàng ngày nhà báo Lý Nhân vẫn chạy xe máy đến các tòa soạn mà ông cộng tác, cà phê với bạn văn và chăm sóc người vợ đang bị bệnh nặng. Trong nhà ông trên đường Bùi Đình Túy chứa rất nhiều sách, báo, tư liệu quý và ông đang tìm cách chuyển giao cho thư viện. |
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất