Góc Hồng Ngọc: Làm thế nào để “sáng chế” ra Maradona?

03/07/2010 12:06 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Tờ “El Pais” (Tây Ban Nha) đã có một bài viết tuyệt vời “Nếu Maradona không tồn tại, sẽ cần phải “sáng chế” ra ông” (TT&VH, ngày 21/6). Nhưng làm thế nào để “sáng chế” ra Maradona?

1. Thiên tài. Thiên tài là tài năng bẩm sinh, làm được những điều không ai làm nổi, thậm chí không ai tưởng tượng ra trước đó. Trước khi Maradona thực hiện những siêu phẩm vào lưới đội tuyển Bỉ và Anh ở World Cup 1986, chưa ai làm và có thể tưởng tượng lại làm được điều đó ở World Cup. Chỉ sau này Ronaldo của Brazil và nhất là Messi, đệ tử cưng của Maradona hiện tại, mới tái hiện nó, nhưng chỉ ở cấp CLB. Vậy làm sao có thể “sáng chế” ra thiên tài Maradona? Không thể!


Chỉ có một Maradona, Ảnh Getty

Điều có thể: Tạo lập môi trường tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, và khuyến khích cá nhân tự khám phá những khả năng độc đáo của riêng mình, hay nói tóm lại là tôn trọng sự tự do cá nhân. Điều cần trợ giúp họ là điều kiện rèn luyện, tạo động lực, chỉ dẫn cách tư duy hợp lý, và biết vì tập thể.

2. Bùng nổ. Từng pha bóng của Maradona đều hay, nhưng ông có những khoảnh khắc bùng nổ dữ dội trên sân đấu, với những pha solo để ghi bàn hoặc để thực hiện một đường chuyền quyết định theo kiểu một mình tạo ra trận đấu. Những thiên tài có khả năng kỹ thuật và vị trí chơi gần giống Maradona như Zidane hay Platini không có được những khoảnh khắc bùng nổ như vậy. Sự bùng nổ của Maradona cũng thể hiện ở ngoài sân bóng, với cách phản ứng tức thì, quyết liệt dựa trên thái độ yêu ghét rõ ràng. Nó là sự kết hợp của thiên tài và sự thăng hoa dựa trên cảm xúc mạnh mẽ. Làm sao có thể “sáng chế” ra cảm xúc của Maradona? Không thể!

Điều có thể: Xây dựng một nền giáo dục và môi trường văn hóa tôn trọng, khuyến khích việc thể hiện cảm xúc của cá nhân, và tôn trọng những hành vi phản ứng thể hiện quan điểm cá nhân. Dù sao cũng không nên để quá đà với cách phản ứng không biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như của Maradona. Và thể hiện cảm xúc cũng phải bằng những cách thức có văn hóa. Đó là vai trò của giáo dục.

3. Sức hấp dẫn. Maradona là một cục nam châm thu hút mọi sự chú ý ở mọi nơi ông đến. Không chỉ vì ông từng là một thiên tài bóng đá, vì không có thiên tài nào có sức hút như vậy. Cũng không hẳn vì ông là chuyên gia gây scandal, vì những kẻ chỉ biết tạo scandal thường chỉ nhận được ánh mắt dè bỉu và thương hại, chứ không phải với ánh mắt ngưỡng mộ. Ai cũng biết Maradona ít học, nhưng không ai có thể vô cảm trước cách sử dụng ngôn ngữ đầy hấp dẫn của Maradona. Đó là sự kết hợp của tất cả những gì độc đáo thuộc về con người Maradona: thiên tài, cá tính dữ dội, yêu ghét rõ ràng, và cả sự điên khùng nữa. Và ông đang sử dụng chính sức hấp dẫn của mình trong vai trò HLV, để tập hợp và đoàn kết đội tuyển Argentina dưới ngọn cờ của mình. Dù là một cá tính đầy nổi loạn, ông lại trở nên nghiêm túc hơn hẳn khi thực hiện sứ mệnh đối với đất nước. Làm sao có thể “sáng chế” ra một cá nhân hấp dẫn như vậy? Không thể.

Điều có thể: Khuyến khích sự chân thật thay vì khách sáo hay giả dối, khuyến khích sự độc đáo thay vì vo tròn mọi cá nhân, khuyến khích việc bày tỏ thái độ và chủ kiến rõ ràng. Và dù tài năng cỡ nào, hãy thành tâm cống hiến nó cho cộng đồng để được nhận lại sự chân thành từ cộng đồng.

4. Can đảm. Maradona mang theo mình đầy thói hư tật xấu, và có những thời gian chìm đắm trong nghiện ngập và vô số những vấn đề sức khỏe. Nhưng ông không gục ngã, đã đứng dậy, tự nhận mình là hệ quả của một lối sống hư hỏng, như một tấm gương để giáo dục thế hệ trẻ Argentina về lối sống. Và rồi được trao cơ hội dẫn dắt đội tuyển Argentina mà ông luôn muốn cháy hết mình vì nó, vì chính sự hấp dẫn và sự thành tâm muốn cống hiến của ông. Dám làm, dám chịu, và dám vượt lên chính mình để tiếp tục sống và khẳng định bản thân. Cũng như khi dẫn dắt đội tuyển Argentina, ông dám gạt Zanetti, Cambiasso, Requelme, và dám gọi Palermo – vì lời hứa sau khi lão tướng này cứu Maradona ở vòng loại World Cup – cho ngày chinh phục Cúp Vàng. Làm sao có thể “sáng chế” ra một con người can đảm như vậy? Không dễ dàng!

Điều có thể: Xây dựng một nền văn hóa, giáo dục con người dám dấn thân, dám phạm sai lầm, dám nhận sai lầm, và biết vượt qua sai lầm. Vì không ai có thể chắc chắn rằng mình không bao giờ phạm sai lầm. Điều quan trọng là sau sai lầm, người ta trở nên mạnh mẽ hơn, sống tốt hơn, chứ không gục ngã để tự chấm dứt cuộc đời mình.

Vì vậy, xin lỗi đội tuyển Đức và các fan của họ, tôi cầu nguyện cho Maradona và đội tuyển Argentina của ông tiếp tục cuộc hành trình của mình ở World Cup lần này.

Cho World Cup và bóng đá trở nên hấp dẫn hơn, đam mê hơn!

Hồng Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm