Thu 57 tỉ đồng tác quyền, VCPMC vẫn không hài lòng

13/01/2014 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Sân khấu biểu diễn nghệ thuật năm 2013 được xem là khởi sắc với sự xuất hiện liên tục các chương trình từ nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, tác quyền âm nhạc lại lâm vào cảnh… chợ chiều vì tới 90% tụ điểm ca nhạc, 80% các chương trình truyền hình, 90% quán bar tiếp tục “xù” tiền tác quyền âm nhạc…

Số tiền thu về năm nay của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) được nhạc sĩ Phó Đức Phương - GĐ Trung tâm - cung cấp là trên 57 tỉ đồng. Có thể nói đây là con số mơ ước với các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả văn học, RIAV (Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm VN) hay Viettro - Hiệp hội quyền sao chép, nhưng với nhạc sĩ Phó Đức Phương  - thì đó vẫn là con số chưa thể chấp nhận được.

Bức xúc vì tốc độ tăng trưởng như… rùa

Năm 2013, cùng với việc thành lập thêm văn phòng Đà Nẵng, số nhân  viên của Trung tâm đã tăng lên 100 người. Số nhạc sĩ, tác giả ký hợp đồng uỷ thác tại Trung tâm đến tháng 12/2013 là 2.787, tăng 417 người.


Theo VCPMC, có tới 80% các chương trình truyền hình "xài chùa" ca khúc (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Theo thống kê năm 2012, có hơn 200 các tụ điểm biểu diễn ca nhạc là các phòng trà ca nhạc, quán bar. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2013, 90% các tụ điểm này vẫn không thực thi việc đóng tiền. Vì thế, với tổng số tiền thu được trong năm qua, tỉ lệ thu được từ truyền thông kỹ thuật số trên các trang mạng vẫn chiếm nhiều nhất khoảng 30%, các chương trình truyền hình khoảng 20% và các phòng trà quán bar là 10 %.

Ông Phó Đức Phương cho biết, trong thời kì suy thoái như hiện nay, nhìn vào con số 57 tỉ đồng, người ta có thể nói là tốt quá rồi nhưng với cá nhân mình thì ông không chấp nhận được một tốc độ “rùa” như vậy.

“Là thành viên của Liên minh quốc tế Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC) từ 2009, hàng năm chúng tôi phải đi họp, báo cáo nên nắm được các số liệu của các quốc gia khác khá rõ. Nhìn đâu xa, như Malaysia mỗi năm họ cũng thu về 25 triệu USD tiền bản quyền âm nhạc. Với số thu 2,5 triệu USD của Việt Nam hiện nay, nếu chỉ tăng mỗi năm 10% thì phải mất đến 30 năm, chúng ta mới “đuổi kịp” con số hiện tại của họ. Vậy thì làm sao dám nhìn sang Hàn Quốc là 100 triệu USD, Nhật là 1 tỉ USD, Mỹ là 3 tỉ USD? Như vậy chẳng phải 10% của chúng ta vẫn còn “mù mịt” lắm ?!”- ông Phương bày tỏ.

Tìm lối thoái mới

Mặc dù đã hoạt động hơn chục năm qua (2 năm chuẩn bị và 10 năm đi vào hoạt động), xây dựng nền móng phát triển khá vững chắc với sự tham gia kết nối với các tổ chức quốc tế về các dữ liệu tác giả tác phẩm, như hệ thống lưu trữ quốc tế CISnet, phần mềm lưu trữ tác giả tác phẩm châu Á Mis@Asia, đăng ký thông tin thành viên IPI (Interested Parties Information) lên SUISA - cơ sở cho các nước trên thế giới tra soát, tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm âm nhạc của của Việt Nam, nhưng dường như sự phát triển của VCPMC vẫn chưa thỏa đáng với sự đầu tư của họ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhấn mạnh những khó khăn của Trung tâm đã diễn ra từ khá lâu mà chưa có lối thoát. Ngay việc triển khai, mở rộng mạng lưới của Trung tâm tại các địa phương cũng gặp rất nhiều trở ngại. Không chỉ các địa phương xa xôi  hay điều kiện phát triển nghệ thuật còn hạn chế như Hà Giang, Điện Biên mà ngay Hải Phòng, một thành phố lớn, sau nhiều năm kết hợp làm việc với các cán bộ địa phương, Trung tâm đưa ra nhiều biện pháp nhưng vẫn không thực hiện được việc thu phí. Đó là điều khiến ông Phương khá bức xúc và cảm thấy trách nhiệm của Trung tâm vẫn còn rất lớn.

Không chấp nhận chỉ số tăng 10%/năm, ông Phó Đức Phương cho biết, hoạch định trong năm 2014, Trung tâm sẽ tìm cách “vượt rào 10 sào” bằng cách nhìn và cách làm mới: Biến những đối tác như Viettel, FPT, các kênh truyền hình, các trang mạng số thành… bạn để có thể cùng nhau chia sẻ nguồn lợi từ việc kinh doanh âm nhạc từ các lĩnh vực đó.

Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm