Asiad 18: 'Không xây các công trình lớn và tiết kiệm triệt để'

12/04/2014 06:00 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Trước  những câu hỏi liên tiếp từ phía báo chí liên quan tới việc tổ chức Asiad 18, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định Chính phủ đã sớm có kế hoạch tổ chức đại hội từ cách đây 12 năm, đồng thời xác nhận việc tổ chức Asiad sẽ tiết kiệm triệt để và không có các công trình xây dựng lớn.

Một lần nữa, việc tổ chức Asiad 18 năm 2019 trở thành chủ đề lớn nhất trong buổi họp báo quý I của Bộ VH, TT&DL. Đây cũng là chủ để duy nhất khiến cả Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng và Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phải cùng tham gia tranh luận với báo giới.

Sự xuống cấp của các công trình thể thao hậu SEA Games, khả năng tác động thấp tới kinh tế và nền thể thao, câu hỏi về năng lực tổ chức và vấn đề kinh phí, tất cả đã tạo áp lực khủng khiếp lên chủ đề Asiad 18 suốt thời gian qua.

Giải đáp về vấn đề kinh phí, ông Thắng khẳng định: “Trong đề án đăng cai Asiad, tổng kinh phí là 150 triệu USD. Cho tới giờ phút này, tổng kinh phí không hề thay đổi.”

“Theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, kỳ Asiad 18 sẽ tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có (từ SEA Games 22 và Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ III) theo 3 hướng: thứ nhất là sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao hiện có; thứ hai là mua sắm các trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế; thứ ba là chi cho công tác tổ chức”.

Song song với việc giảm kinh phí, ông Thắng cũng xác nhận Asiad 19 cũng sẽ không tổ chức ở nhiều địa phương như cũ. Chiến lược của Bộ VH, TT & DL là giảm điểm đăng cai, đồng thời giảm chi phí đầu tư cầu đường, cơ sở vật chất hạ tầng (từ 15 địa điểm xuống 9 địa điểm).

Việc này cũng giúp tạo điều kiện cho sự đầu tư trọng điểm lên các thành phố lớn, qua đó nâng cao hiệu quả tổ chức của Asiad. Chiến lược này cũng xuất phát từ thực tế rằng không có nhiều thành phố hiện tại sở hữu đủ hạ tầng cơ sở để phục vụ Đại hội thể thao lớn nhất châu Á. Điểm trên đầu ngón tay, chúng ta chỉ có Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương...

Cũng liên quan tới việc cắt giảm kinh phí, ông Thắng cho biết Việt Nam sẽ không xây dựng các công trình lớn mà chỉ tận dụng cơ sở vật chất đã có. Kỳ vọng những SVĐ lớn như Mỹ Đình hay các trung tâm liên hợp thể thao lớn là không khả thi: “Bộ đã quyết định sẽ không xây dựng các công trình mới không thật sự cần thiết. Chúng tôi đã tính rất sát các chi phí cải tạo, nâng cấp, chi phí tổ chức. Asiad 18 sẽ không bị bội chi”.

Cuộc họp báo càng diễn ra càng căng thẳng. Đích thân Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã phải tiếp lời cho ông Thắng. Trước những nghi ngờ về kế hoạch tổ chức Asiad, ông Tuấn thanh minh kế hoạch tổ chức Đại hội thể thao châu Á đã có từ cách đây 12 năm.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 17 về phát triển thể dục, thể thao vào ngày 23/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai Đại hội thể dục thể thao châu Á và những giải thể thao khác. Nói một cách đơn giản, Asiad 18 không phải là “một phút bốc đồng”. Đây là chiến lược dài hơi, có tính toán của cả nền thể thao.

Bạch Dương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm