Đảng PAP khẳng định vị thế 'duy nhất' ở Singapore: vì có 'nhà lãnh đạo đáng tin cậy - Lý Hiển Long'

12/09/2015 18:35 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) -  Ngoạn mục, tuyệt vời, vang dội… là những mỹ từ được hầu hết các bài báo xuất hiện ngày 12/9 tại Singapore mô tả về chiến thắng của Đảng Hành động Nhân dân (PAP), ngay sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2015 được công bố rạng sáng nay.

Với tỷ lệ 69,86% phiếu bầu, tăng gần 10% so với mức 60,1% của bốn năm trước (2011) và giành được tổng cộng 83/89 ghế Quốc hội, đảng cầm quyền PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long một lần nữa cho thấy sức mạnh và đường lối đúng đắn của PAP trong suốt thời gian qua cũng như khẳng định vị thế “duy nhất” trên con đường lãnh đạo đưa đất nước Singapore tiếp tục gặt hái những thành công mới.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trước những người ủng hộ tại thủ đô Singapore sau khi kết quả bầu cử được công bố, ngày 12/9. AFP/ TTXVN

Ngoạn mục là bởi, trước khi cuộc bầu cử diễn ra đã có rất nhiều dự đoán và phân tích của giới quan sát, trong đó hầu hết nghiêng về nhận định đây là cuộc tổng tuyển cử đầy thách thức với PAP và đảng này sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh gay gắt của các đảng phái đối lập, đặc biệt là từ Đảng Công nhân (WP) - đảng đối lập mạnh nhất hiện nay trên chính trường Singapore.

* Thủ tướng Lý Hiển Long: người dân đã “nói không” với chia rẽ chính trị

Ngay trước thềm bầu cử, năm đảng phái đối lập gồm Quyền lực Nhân dân (PPP), Liên minh Dân chủ Singapore (SDA), Người Singapore Trước tiên (SingFirst), Cải cách (RP) và Tiến bộ Dân chủ (DPP) đã bắt tay liên kết với nhau cùng dưới một khẩu hiệu chung “Bỏ phiếu cho sự thay đổi” nhằm thể hiện quyết tâm tranh cử quyết liệt với PAP.

Cùng với đó là thách thức đến từ ngay niềm tin, sự mong mỏi của các cử tri vốn ủng hộ nhiệt thành PAP từ những ngày cố Thủ tướng Lý Quang Diệu còn dẫn dắt, khi mà một loạt các vấn đề về kinh tế-xã hội như chi phí sinh hoạt đắt đỏ, bất cập giao thông công cộng, khả năng chi trả chăm sóc sức khỏe, an toàn quỹ hưu trí và nhập cư… nổi lên như là trọng tâm đả kích của các phe đối lập nhằm vào PAP và chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Lý Hiển Long.

Nhiều chuyên gia cho rằng dù vẫn sẽ giành thắng lợi tại cuộc bầu cử năm nay, song uy tín của PAP sẽ bị giảm sút và tỷ lệ phiếu bầu được dự báo sẽ thấp hơn so với cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Thậm chí, PAP có thể sẽ mất thêm ghế tại các khu vực bầu cử quan trọng…

Trong chín ngày vận động tranh cử, các tuyên ngôn và những cuộc biểu dương lực lượng của các đảng đối lập cũng được đánh giá là có phần rầm rộ hơn PAP, với những đám đông lên tới hàng chục nghìn người ở mỗi buổi thuyết trình. Bên cạnh đó, các kênh truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram… và những trang web cá nhân cũng được phe đối lập tận dụng triệt để nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cử tri hay phê phán đảng cầm quyền…

Thế nhưng, trái ngược với mọi dự đoán, không những giành được sự ủng hộ cao của đông đảo cử tri ở khắp các khu vực bầu cử, PAP còn giành được 83 ghế trong Quốc hội. Đặc biệt, PAP chỉ để thua sát nút tại hai khu vực bầu cử là Hougang SMC (42,31%) và Aljunied GRC (49,05%), trong khi giành lại được thế thượng phong ở khu vực East Coast GRC, vốn đang thuộc về đảng đối lập WP.

Trong thư ngỏ gửi người dân Singapore ngay sau khi giành chiến thắng, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh kết quả này "phản ánh nguyện vọng của nhân dân" đồng thời cho thấy người dân đã “nói không” với chia rẽ chính trị và ủng hộ cách tiếp cận hợp lý của PAP trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng khẳng định với thắng lợi này, PAP sẽ tiếp tục tiến lên con đường mới phía trước, tập trung một cách đầy đủ hơn vào nhu cầu của xã hội, đặc biệt là cho người già và những người thiệt thòi, công dân Singapore…

Nhà lãnh đạo PAP cũng đặc biệt nhắc đến cuộc bầu cử như là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo của PAP.

* Cử tri Singapore chưa quên những thành tựu to lớn thời Lý Quang Diệu

Phân tích những yếu tố mang lại chiến thắng cho PAP, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore kiêm Trưởng ban Tổ chức đảng PAP Ng Eng Hen nhấn mạnh ba yếu tố chính, trong đó trước hết là Singapore mong muốn có một đội ngũ các lãnh đạo và hệ thống chính trị ổn định. Yếu tố thứ hai là trong suốt thời gian qua, PAP và chính phủ đã thực sự lắng nghe người dân, quan tâm đến lợi ích của nhân dân.

Và thứ ba, quan trọng là Singapore có một nhà lãnh đạo đáng tin cậy -Thủ tướng Lý Hiển Long và nội các của ông.

Về phía giới chuyên gia, nhiều nguyên nhân cũng đã được đưa ra phân tích, "mổ xẻ" để lý giải chiến thắng đầy “bất ngờ” của PAP. Theo Phó Giáo sư Eugne Tan, Trường Đại học Quản lý Singapore, có sáu nguyên nhân giúp đảng cầm quyền có được kết quả đầy thuyết phục trong cuộc tổng tuyển cử lần này.

Thứ nhất, sự bất ổn về an ninh và kinh tế trong khu vực hiện nay khiến cử tri Singapore cần sự lựa chọn an toàn, và hơn ai hết đó chính là PAP-đảng đã và đang lãnh đạo đất nước gặt hái được nhiều thành công trong quá khứ và cả hiện tại.

Thứ hai, dù vẫn còn những khiếm khuyết, song có một thực tế rõ ràng là những thử nghiệm và nỗ lực cải cách của PAP và đội ngũ các nhà lãnh đạo trong chính quyền đương nhiệm nhằm cải thiện các vấn đề “thường trực” được người dân dặc biệt quan tâm đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri và nhân dân.

Thứ ba, những bê bối liên quan đến việc vận hành các hội đồng thành phố Aljunied-Hougang-Punggol East của đảng đối lập WP đã “đập lại” chính những cáo buộc mà đảng này đưa ra trước đó đối với PAP về sự “độc tôn” và chính trị hóa các hội đồng thành phố… Đây cũng là nguyên nhân khiến WP bị giảm sút sự ủng hộ ngay tại chính “thành trì” của mình là Hougang SMC và Aljunied GRC, mặc dù vẫn giữ được hai khu vực này trước PAP.

Ba nguyên nhân khác được Phó Giáo sư Eugne Tan liệt kê là yếu tố “50 năm độc lập”, sự tác động của các yếu tố bất ổn bên ngoài cũng như chính những chỉ trích của phe đối lập nhằm vào các chính sách lớn của chính phủ và đảng cầm quyền đã khiến cử tri Singapore nhìn nhận lại đâu là lợi ích thực sự…

Trong số đó, yếu tố năm nay đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của Singapore, theo Phó Giáo sư Eugne Tan, khiến người dân “đắm chìm” với những thành công trong quá khứ, với những thành tựu to lớn mà nhà lập quốc và lãnh đạo đầu tiên của PAP Lý Quang Diệu cùng các thế hệ tiếp nối đã mang lại cho đất nước, điều này tác động không nhỏ đến tâm lý của cử tri trong đợt tổng tuyển cử lần thứ 12 này./.

Mỹ Bình (P/v TTXVN tại Singapore)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm