Trưa mai, cơn bão 'Thần Sấm' sẽ đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng tới 28 tỉnh

18/08/2016 15:27 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Sáng 19/8, bão số 3 (tên gọi quốc tế là Thần Sấm) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển; dự kiến trưa ngày 19/8 bão sẽ vào bờ. Cùng với đó, khu vực Bắc bộ sẽ có mưa lớn ở nhiều nơi, với lượng mưa khoảng 200 - 300 m. Bão vào kết hợp với thủy triều dâng sẽ tạo ra sóng cao từ 3-5m, ảnh hưởng tới hệ thống đê biển; nguy cơ sạt lở đất, lũ quét rất cao.

Sáng 18/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai tổ chức họp trực tuyến với 28 tỉnh, từ Hà Tĩnh trở ra về công tác ứng phó với cơn bão số 3. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp.

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường, dự báo, khi bão đổ bộ vào Việt Nam ít nhất mức gió của bão sẽ đạt cấp 9, có thể lên tới cấp 10 -11, gió giật cấp 12-13; khu vực ven biển Bắc bộ có mưa lớn từ đêm 18/8. Sáng 19/8 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển; dự kiến trưa ngày 19/8 bão sẽ vào bờ.

Cùng với đó, khu vực Bắc bộ sẽ có mưa lớn ở nhiều nơi, với lượng mưa khoảng 200 – 300 mm; bão vào kết hợp với thủy triều dâng sẽ tạo ra sóng cao từ 3-5m, ảnh hưởng tới hệ thống đê biển; nguy cơ sạt lở đất, lũ quét rất cao.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi họp. H.V

Theo Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã có công văn gửi các quân khu, quân đoàn sẵn sàng ứng phó với bão số 3. Công tác hiện nay, các địa phương cần kiểm tra cụ thể, rà soát, làm tốt công tác chuẩn bị để khi bão tới có phương án giải quyết. Quyết liệt di dời người dân ra khỏi các nơi nguy hiểm, không để thiệt hại lớn xảy ra.

Về tình hình chuẩn bị ứng phó với bão, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh có 1.300 tàu, thuyền nhưng hiện nay chỉ còn 5 phương tiện (15 người lao động) đang vào gần bờ. Bên cạnh đó, với khoảng 3.000 lao động nuôi trồng thủy sản đã được thông báo về thông tin cơn bão. Tỉnh cũng kiên quyết không để còn lao động nào hoạt động trên biển và dứt khoát không để người dân trở ra biển.

Với tỉnh Nam Định, theo ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch tỉnh, vẫn còn 300 tàu còn ở ngoài khơi và sẽ được kêu gọi vào bờ trước 16 giờ ngày 18/8. Đồng thời, tỉnh sẽ rà soát lại các công trình, chuẩn bị phương án tiêu thoát nước. Tỉnh có 91 km đê biển, với những nơi xung yếu đã chuẩn bị vật liệu dự trữ để gia cố.

Còn tại đầu cầu Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch tỉnh cho biết đã thông báo cho 533 tàu du lịch trên vịnh vào bờ trước 13 giờ ngày 18/8. Đồng thời kêu gọi 7.600 tàu cá vào bờ trú bão. Tại hơn 1.140 lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ, người dân sẽ được đưa lên bờ.

Còn đại điện tỉnh Lào Cai cho biết sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước để tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân chủ động ứng phó với bão số 3; di dời các hộ dân ra khỏi các điểm nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao. Các lực lượng, phương tiện đã được chuẩn bị để ứng phó với bão số 3.


Dự kiến đường đi của cơn bão số 3. H.V

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là cơn bão có diễn biến khó lường, sẽ tác động từ Bắc Trung bộ trở ra – là vùng đã chịu tổn thất khá lớn do bão số 1 và 2 gây ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nền đất ở 14 tỉnh phía Bắc đã bị ngậm nước nhiều trong các đợt mưa vừa qua nên nguy cơ sạt lở rất lớn. Bão vào đúng lúc triều cường dâng cao, đe dọa các tuyến đê xung yếu.

Do vậy, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần bám sát tình hình, đưa ra những cảnh báo kịp thời để các địa phương có căn cứ chuẩn bị ứng phó. Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu, vì vậy, cần nghiêm túc thực hiện cấm biển và có phương án với 2.000 điểm có nguy cơ sạt lở cao ở khu vực miền núi phía Bắc; chuẩn bị kỹ kịch bản khắc phục sau mưa bão.

Để chuẩn bị tốt cho công tác ứng phó với bão số 3, tại buổi họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường đôn đốc các đơn vị dự báo, theo dõi sát cơn bão, đưa ra các cảnh báo kịp thời. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, kiểm đếm lại các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là những khu vực nguy hiểm, đưa tàu vào trú an toàn, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống đê, hồ đập và tiêu nước.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần có biện pháp bảo vệ các công trình xây dựng của đất nước, các tháp cao, hồ đập; Bộ Giao thông Vận Tải đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu đúng kỹ thuật, bảo vệ đường giao thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cho học sinh nghỉ học nếu mưa bão lớn xảy ra. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sẵn sàng lực lượng để ứng cứu cùng với các địa phương khi bão đổ bộ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương cần chủ động ứng phó khi bão vào bờ theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đơn vị thông tin cần tăng thời lượng phát sóng, thông tin về cơn bão số 3 để người dân được biết và tích cực chủ động ứng phó.

Theo H.V - báo Tin tức/Bộ NN&PTNT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm