12/06/2017 13:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Im hơi lặng tiếng” một thời gian, sự trở lại của đạo diễn Việt Tú trong vở diễn Thủa ấy xứ Đoài trên sân khấu thực cảnh đầu tiên của Việt Nam tại núi Sài, chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội đang khiến người xem chú ý đặc biệt.
Có vẻ như đạo diễn Việt Tú vẫn cứ “hot” trước mỗi lần “diện kiến” công chúng. Bởi, những gì anh làm, luôn thể hiện nhãn quan nghệ thuật mang tính tiên phong.
140 diễn viên là nông dân
Với khái niệm sân khấu thực cảnh, tức lấy bối cảnh thiên nhiên xung quanh làm một phần của sân khấu trình diễn, Thủa ấy xứ Đoài được dàn dựng trong một quần thể rộng 1,75 ha, bao quanh sân khấu mặt nước rộng 3000m2 là những rặng tre.
Từ khán đài với sức chứa 2000 người, nhìn xuống là sân khấu mênh mông, nhìn ngang tầm mắt là ngọn núi Sài.
Sân khấu chính được kết hợp với các thiết kế như ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20m di chuyển bằng đường ray, chạy ra sau rặng tre. Từ 10 mét sâu dưới đáy long trì, thủy đình nguyên bản nặng gần 10 tấn sẽ dần nhô lên mặt nước mênh mông. Phía trên là đỉnh núi Thầy cao trăm mét được tỏa sáng lung linh bằng hàng chục ngọn đèn. Tất cả tạo nên một sân khấu đặc biệt người xem choáng ngợp.
Và trên sân khấu ấy, những màn trình diễn của 140 diễn viên đến từ mảnh đất Sài Sơn còn “hút hồn” người xem hơn thế.
Họ đã đưa khán khán giả bước vào cuộc “rong chơi” đúng nghĩa về thôn quê, để hòa mình vào cuộc sống thanh bình của những người dân nơi đây qua các sinh hoạt đời thường. Trẻ con thi bơi, người lớn thì chăn vịt, cày cấy, đánh cá, kèm theo đó là một đời sống tinh thần vô cùng phong phú với tiếng sáo lãng mạn, tiếng “se chỉ” trong tình yêu đôi lứa, đức hiếu học và đạo nghĩa về Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh. Vở diễn kết thúc bằng sự hân hoan trước lễ vinh quy bái tổ và ngày hội làng.
Câu chuyện dân dã ấy đã được nâng tầm qua 17 tích trò rối nước dân gian – “đặc sản văn hóa” ở vùng quê này và được thể hiện một bằng một kết cấu mạch lạc, nội dung … đơn giản dễ hiểu.
Tất nhiên, để có thể "diễn mà như không", 140 diễn viên của vở chính là những người dân nơi đây.
Vì ít nhất, như bật mí của đạo diễn, để có một diễn viên lùa được cả một đàn vịt đi thẳng lối thẳng hàng trên sân khấu, họ phải là một người dân bản địa đã... có tới 3 đời chăn vịt trong gia đình.
Tôn vinh đặc sản dân tộc
Chia sẻ về 2 năm gắn bó với tác phẩm nghệ thuật mới của mình, đạo diễn Việt Tú cho biết anh bắt đầu dự án này từ một ... bãi đất trống, ở giữa là một cái hố và từng rơi vào tình trạng hoang mang.
Cho đến khi tìm ra ý tưởng, vẫn không thiếu những lần Tú muốn "đầu hàng số phận" vì có những khó khăn tưởng như không thể vượt lên. Nhất là, khâu tuyển chọn nhân sự khiến anh phải nhiều lần “khóc cười” vì rơi vào tình huống khó xử. Chưa kể, là một nghệ sĩ từng có những đóng góp nghệ thuật mang tính tiên phong, anh không thể lặp lại các sáng tạo của mình.
Nhưng có lẽ, từ thành công của Tứ phủ anh đang ngày một “giác ngộ” trên con đường mình đang đi khi tự đặt ra câu hỏi “Làm thế nào để nói chuyện với cả thế giới?”. Và Tú tự trả lời: “Muốn ra toàn cầu vẫn phải có tính địa phương”.
Và “nút thắt” trong ý tưởng của tác phẩm thứ 2 mang màu sắc dân tộc này của đạo diễn Việt Tú chính là múa rối nước.
May mắn, mẹ Tú là nghệ sĩ Ngô Thanh Hiền, thuộc nhà hát múa rối Thăng Long.Trong thâm niên hàng chục năm làm nghề của mẹ, đạo diễn Việt Tú đã có không ít những buổi học “dã ngoại” vô tình từ thủa bé. Để rồi, những trải nghiệm đó đã được anh hiện thực hóa với những ý tưởng như “rối người, người rối” hay cách thổi “hồn rối” vào “mặt người” trong Thủa ấy xứ Đoài.
Vở diễn hiện nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem. Cho dù, cũng có một số ý kiến góp ý, chẳng hạn như việc như ngồi ở trên tầm cao, có thể nhìn bao quát xung quanh tốt nhưng lại hạn chế tầm nhìn trên sân khấu vì rối hơi nhỏ.
Với đạo diễn Việt Tú, có lẽ anh không ngại nhận mình là người tiên phong trước những tác phẩm như Thủa ấy xứ Đoài. Nhưng về mặt thành công của vở diễn, anh chia sẻ bằng một câu chuyện khác.
“Tôi từng có những năm tháng chắt chiu dành dụm để đi được vòng quanh các trung tâm văn hóa thế giới, tích cóp được vốn sống, vốn làm nghề để về đây sáng tạo" – Việt Tú bày tỏ. "Tôi nghĩ, nếu một ngày nào đó, tôi gặp được một vị khách quốc tếđến Việt Nam để xem show diễn của mình, thì lúc đó mới có thể tin mình đã thành công.”
Không uổng công... theo chân mẹ “Phải ghi nhận là Việt Tú có rất nhiều sáng tạo trong vở diễn này. Tú đã không “uổng công” theo chân mẹ thời thơ ấu, đi khắp các vùng miền cùng với đoàn rối Thăng Long. Và, điều đầu tiên Tú học được chính là sự gắn bó gần gũi với người nông dân, để từ đó tạo nên một vở diễn rất chân thực. Tuy nhiên, tôi nghĩ vở diễn cần có sự tiết chế hơn về kỹ xảo. Khi xem cảnh chăn vịt, tôi cảm giác ánh sáng 3D dùng hơi nhiều khiến không gian thanh bình của ao làng bị chi phối. (Nghệ sĩ múa rối Ngô Thanh Hiền chia sẻ) |
Khuê Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất