10 người chết trong vụ nổ thảm khốc: Bạc bẽo nghề khói lửa phim trường

25/02/2013 08:17 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nghề khói lửa phim trường thường được các nền điện ảnh phát triển xếp vào bộ phận hiệu ứng đặc biệt, giữ vai trò quan trọng, được đầu tư bài bản và trả lương hậu hĩnh. Vì nhiều lý do, khoảng 20 năm trở lại đây, trong các đoàn phim Việt Nam, bộ phận khói lửa luôn bị xem nhẹ, nên số người làm nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Chính thực tế như vậy, cái chết của chuyên gia Phương “khói lửa” (Lê Minh Phương, sinh 1955) là một mất mát lớn, khó tìm người bù đắp.

“Nghề khói lửa vốn bị các nhà sản xuất phim xem nhẹ, chừng 10 năm nay, họ đầu tư rất bọt bèo, nên số người làm nghề này ngày càng khan hiếm. Cái chết của Phương “khói lửa”, dù là tai nạn tại gia đình, chưa rõ nguyên do, nhưng cũng sẽ làm giới trẻ hay tin chùn bước, bởi nó cho họ thấy cái nghề tiếng và miếng đều không ổn thì theo làm gì”, một đạo diễn kì cựu, muốn giấu tên, đã chia sẻ thẳng thắn như vậy với TT&VH. Khói lửa là cách gọi chung cho bộ phận lo cảnh súng đạn, cảnh cháy nổ bom mìn, cảnh chiến tranh… của phim trường.

 “Vắng bóng” sau phim chiến tranh

Thời Việt Nam còn làm nhiều phim chiến tranh, được Nhà nước đầu tư kinh phí và cử cố vấn chuyên nghiệp từ quân đội, bộ phận khói lửa rất thịnh hành ở các phim trường. Tại nhiều LHP thuộc hệ thống XHCN thời bấy giờ, bộ phận khói lửa thường được đánh giá cao, nó góp khá nhiều điểm vào việc đánh giá giải thưởng chung. Trong khoảng 10 phim Việt Nam được quốc tế biết đến nhiều nhất như Cánh đồng hoang, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười… thì hiệu ứng khói lửa luôn tạo được dấu ấn quan trọng.

Phương “khói lửa” tại phim trường. Ảnh: Lữ Đắc Long

Càng về sau này, bộ phận khói lửa càng bị xem nhẹ, nên thế hệ già đi qua, thế hệ trẻ có rất ít người kế tục. Những phim đánh đấm và có cảnh khói lửa coi tạm được kể từ Cyclo tới nay, các đoàn phim Việt kiều đều thuê người bên ngoài, chủ yếu là Thái Lan. Phương “khói lửa” thì phụ trách phần lớn các phim điện ảnh và truyền hình nội địa, tùy mức quan tâm và sự đầu tư của từng đoàn phim mà có cách ứng biến hợp lý.

“Ai cũng muốn yêu cầu cho đúng và cho đủ để làm việc được hoàn chỉnh, nhưng thực tế thì phải làm chắp vá, vì nhiều lý do, các phim trường tại Việt Nam chưa đáp ứng được điều này. Chúng tôi phải xác định thái độ làm để nuôi đam mê, để sống qua ngày, với hi vọng đến một ngày nào đó Việt Nam có nền công nghiệp điện ảnh thực thụ, lúc ấy sẽ được làm nghề bài bản”, họa sĩ thiết kế phim trường Mã Phi Hải tâm sự.

“Từ lâu rồi tôi chẳng muốn làm thiết kế phim trường với các đoàn phim Việt Nam, vì nói thật, phía sản xuất họ đang rất xem nhẹ chuyện này. Mà thiếu kinh phí nghiêm trọng, thế nào cũng chắp vá, thật khó để làm nghề cho thật an toàn, đúng đắn. Bộ phận khói lửa còn bị xem nhẹ, nên nói gì thì nói, tất cả đều vì đam mê và nể nang mà làm, chứ sòng phẳng cân đo, tất cả đã bỏ nghề hết rồi”, họa sĩ thiết kế phim trường Lã Quý Tùng thẳng thắn.

Chính bối cảnh làm nghề như vậy mà từ lâu rồi, ngay các hội nghề nghiệp về điện ảnh cũng gần như quên bộ phận khói lửa (?). Tại các trường dạy kỹ thuật điện ảnh, khói lửa chỉ được nhắc qua trong bộ môn thiết kế, chứ ít khi có những tiết dạy hay bộ môn riêng. Nên khi ra phim trường, thường chỉ làm theo kiểu tự học, tự biên tự diễn và tự chế, nên các nguyên lý khoa học thường bị bỏ qua. Chỉ các phim chiến tranh được Nhà nước đầu tư thì mới có cố vấn khói lửa và chuyên gia quân sự từ quân đội. Chính vì vậy, mà những yêu cầu (vốn khắt khe) về an toàn kỹ thuật, cũng thường được “xí xóa” cho qua?   

Phương “khói lửa” yêu nghề

Từ các đạo diễn mà chúng tôi liên lạc, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chung một điểm, họ đều đánh giá Phương “khói lửa” rất máu nghề, thuộc kiểu người không ngại khó, không ngại nguy hiểm ở phim trường.

“Cái nghề của tụi tôi cũng kỳ lắm, khi làm việc cực nhọc thì lại an toàn, khi rảnh rang thì gặp bất cẩn. Tôi rất buồn khi nghe tin xấu của Phương “khói lửa”, anh ấy là một người xả thân với nghề, đã làm rất nhiều phim. Mất anh ấy là giới làm phim Việt Nam mất đi một người làm việc”, Mã Phi Hải nói.

“Điện ảnh Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, nếu nhìn mảng khói lửa, thì chia ra hai “phong cách” rõ ràng, một là của các nhà làm phim Việt kiều, thuê đội ngũ khói lửa chủ yếu từ Thái Lan, một của những nhà làm phim trong nước, nhất là phim truyền hình, thường thuê anh Phương “khói lửa”. Cả TP.HCM hiện nay chỉ có vài người làm, anh Phương “khói lửa” là người xông xáo nhất, mất anh ấy thì điện ảnh Việt mất đi một cánh tay đắc lực” - đạo diễn Quốc Duy cho biết.

Nhìn qua nhìn lại, ngoài Phương “khói lửa”, hiện chỉ còn vài tên tuổi như Sơn “khói lửa”, Trần Văn Hưng. Phương Minh Trí…

Đạo diễn Lê Thanh Sơn (phim Bẫy rồng, nơi Phương “khói lửa” có tham gia làm khói lửa, cụ thể là các cảnh bắn súng) kể rằng anh Phương “khói lửa” rất có quyết tâm và có sáng chế khi làm nghề. Điều kiện khách quan và chủ quan tại Việt Nam còn rất khó khăn với cảnh khói lửa, đạn dược, nếu cứng nhắc thì khó mà làm việc được.    

Phương “khói lửa” mất trước khi lên đường làm một phim tại Vũng Tàu, hình như do Quốc Thịnh làm đạo diễn. Tử vi viết tuổi Ất Mùi (1955) có tuổi thọ dao động từ 55 đến 67 tuổi, năm 2013 cần đề phòng tai nạn và bệnh tật.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Đại tá Lê Anh Tuấn – Chánh Văn phòng Công an TP.HCM cho biết, đã khởi tố vụ án nổ sập nhà làm 10 người chết. Công việc khám nghiệm đang diễn ra nhưng khả năng lớn vụ nổ do tai nạn.

Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân, lực lượng cứu hộ phát hiện tại hiện trường một số đạn mã tử, vỏ đạn (đã tháo thuốc) cùng các đạo cụ như súng, lựu đạn.

Lực lượng cứu hộ đã cứu được 3 người bị thương đang kẹt trong đám cháy, chuyển đến bệnh viện gồm: bà Lưu Thị Rép (sinh năm 1943), ông Phạm Quang Minh (sinh năm 1932) cùng ngụ số 384/7A; ông Hồ Sỹ Cường (sinh năm 1932) ngụ số 384/9.

Những người tử vong đã xác định được danh tính gồm: bà Nguyễn Thị Tân Xuân (sinh năm 1969), em Hồ Kiều Anh (sinh năm 1996), ông Lê Minh Phương (sinh năm 1955), bà Mạc Thị Phước (sinh năm 1965), em Lê Nam Phương (sinh năm 2006), em Lê Khánh Phương (sinh năm 1996) cùng ngụ số 384/9; ông Nguyễn Thanh Minh (sinh năm 1962), chị Phạm Ngọc Thùy (sinh năm 1987) cùng ngụ tại 384/7A. Còn hai xác chết chưa xác định được danh tính, địa chỉ.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm