08/09/2014 12:45 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - LTS: Đọc thông tin trên một tờ báo điện tử “Phim Đập cánh giữa không trung phải cắt một số cảnh “nóng” mới được đi Liên hoan phim (LHP) Vernice”, mà trước đó, Bi, đừng sợ! cũng phải làm điều tương tự rồi mới được phép phát hành tại Việt Nam, một vài khán giả đặt câu hỏi: Tại sao cứ phải có cảnh nóng, chẳng lẽ những nhà làm phim Việt Nam không còn gì khác để giới thiệu đến thế giới?
Vấn đề này không chỉ đặt ra với điện ảnh Việt, mà với cả một số nền điện ảnh châu Á khác trên con đường “chinh phục” thị trường điện ảnh phương Tây vốn được xem là có truyền thống và đẳng cấp vượt trội.
Có một thực tế là lâu nay, nếu một bộ phim nào đó có cảnh “nóng”, y như rằng truyền thông (đặc biệt là báo mạng) sẽ xoáy sâu vào yếu tố này hòng “câu view”. Các nhà sản xuất, đạo diễn cũng tận dụng luôn cảnh nóng để PR cho sản phẩm của mình. Cách làm này phần nào khiến khán giả xao nhãng nội dung thực sự của bộ phim, thậm chí còn gây hiệu ứng ngược, cứ nhắc đến “cảnh nóng” là gây “dị ứng”.
Tuy nhiên, thắc mắc của một số khán giả trên đây không phải không có lý do.
“Phụ gia” cho phim châu Á đi LHP
Nhiều phim Việt Nam được đưa đi LHP không ít thì nhiều đều phải sử dụng tới “chất phụ gia”: tình dục, bạo lực, đồng giới. “Chiêu” này đã được các nhà làm phim châu Á thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trung Quốc từng có rất nhiều đạo diễn làm nên chuyện tại Oscar, các LHP danh giá như Cannes, Berlin, Venice nhờ phim đồng tính. Phải kể tới Lý An với Tiệc cưới (1993); Trần Khải Ca với Bá Vương biệt cơ (1993), Thái Minh Lượng với Tình yêu muôn năm (1994), Vương Gia Vệ với Hạnh phúc bên nhau (1997). Ở Đông Nam Á, gần đây nổi lên hai đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul, đạo diễn người Philippines Brillante Mendoza.
Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có ai có thể chạm đến những giải thưởng chính thức của các LHP này. Nếu có, chỉ có thể kể “ké” trường hợp đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Bộ phim Xích lô của anh, có đủ các yếu tố bạo lực, tình dục, hậu chiến, đã đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice 1995 nhưng không được phép phát hành tại Việt Nam thời điểm đó.
Ở Việt Nam, các nhà làm phim trong nước khởi động chậm hơn. Ban đầu là những đạo diễn thuộc biên chế thuộc các hãng phim nhà nước muốn thoát ra khỏi những phim “cúng cụ”. Các phim Cô gái trên sông, Đời cát, Thung lũng hoang vắng… bắt đầu xuất hiện những cảnh nhạy cảm, vào thời kỳ đó được coi là rất bạo đối với một nền điện ảnh vốn kín đáo. Những năm về sau, những bộ phim được sản xuất ra với ý định đưa đi các LHP quốc tế như Rừng đen, Sống trong sợ hãi… thì cảnh nóng được quay bạo liệt hơn hẳn.
Đến năm 2009, nổi lên trường hợp Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di. Phim thu về 8 giải thưởng từ các LHP Pusan, LHP Vancouver, LHP châu Á - Hong Kong, LHP Stockholm (Thụy Điển), trong đó đáng chú ý có hai giải nhì trong Tuần lễ phê bình tại LHP Cannes lần thứ 63 (Pháp). Dẫu chỉ là những giải nhỏ tại các LHP, nhưng đây là niềm khích lệ vô cùng to lớn đối với điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, khi về Việt Nam Bi, đừng sợ! khiến những người làm phim theo cách truyền thống, những nhà phê bình, giới truyền thông thực sự “hoang mang”. Để ra rạp, Bi, đừng sợ! phải cắt bớt cảnh nóng.
Cùng thời điểm với Bi, đừng sợ! là Chơi vơi. Kịch bản Chơi vơi do đạo diễn Phan Đăng Di viết, từng được đề cử kịch bản hay nhất của Giải thưởng điện ảnh châu Á năm 2009. Nhà sản xuất là Hãng phim truyện 1 không giấu ý định làm phim này xong để đi dự LHP. Phim được giao cho Bùi Thạc Chuyên đạo diễn. Trong phim có tình yêu nam nữ, tình yêu nữ với nữ. Một tờ báo hàng đầu tại Mỹ nhận định Chơi vơi là “sự thăm dò tinh tế và u sầu những cảm giác bất an về tình ái và sự thức nhận đầy hoang mang”. Còn khán giả Việt Nam thì hoang mang thật sự, vì họ vốn đã quen xem những bộ phim có đủ ba hồi, nhân vật có số phận rõ ràng, họ rất khó chấp nhận xem một bộ phim tình yêu với cái kết lửng lơ, chơi vơi.
Nối tiếp là Cánh đồng bất tận, Hot boy nổi loạn…
Kịch bản Cánh đồng bất tận chuyển thể từ truyện vừa cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư. Bản thân tác phẩm văn học từ khi ra đời đã rất “hot”, bị cho là “phản ánh không đúng hiện thực địa phương”, gây tranh cãi bất tận trên báo chí. Truyện ngay lập tức rơi vào tầm ngắm của những người làm điện ảnh. Câu chuyện 3 cha con gã chăn vịt và một cô gái điếm trong Cánh đồng bất tận dữ dội và bạo liệt hơn những gì người xem được biết về nông dân Việt Nam. Sau đó bộ phim này được đưa đi LHP Pusan.
Còn trường hợp Hotboy nổi loạn - đã ghi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam là bộ phim điện ảnh đầu tiên phản ánh trọn vẹn số phận những người đồng tính. Phim này đã được đưa đến các LHP như Berlin, Toronto, Vancouver… nhưng không gây được tiếng vang.
Năm ngoái có thêm Mùa Hè lạnh, một bộ phim mà đạo diễn của nó cố gắng biến thành một sản phẩm nghệ thuật nhưng bất thành. Đến tháng 8 này mới có Đập cánh giữa không trung, một dự án vốn đầu tư nước ngoài làm ra để hướng đến các LHP.
Cơm áo không đùa với nhà làm phim
Những bộ phim được gửi đi các LHP quốc tế trong vòng 5 năm trở lại đây mang màu sắc rất khác so với những sản phẩm điện ảnh truyền thống tại Việt Nam. Không còn đề cập đến những vấn đề như dân tộc, chiến tranh, hậu chiến…, các nhà làm phim đi vào phản ánh hiện thực cuộc sống Việt Nam đương đại nhưng đi vào phân khúc hẹp hơn. Họ dám đề cập đến những yếu tố từng bị coi là cấm kỵ của điện ảnh một thời như tình dục, bạo lực, tình yêu đồng giới…
Cách làm này gần như xung đột với quan điểm thẩm mỹ của những nhà làm phim được coi là “truyền thống”. Một thành viên trong Hội đồng Trung ương duyệt phim nhận định về Đập cánh giữa không trung nói riêng và các phim độc lập nói chung: “Đập cánh giữa không trung là một bộ phim về thời hiện đại ở Việt Nam nhưng ta cũng có thể nhìn thấy ở đâu đó như Thái Lan chẳng hạn. Không hiểu các nhà đầu tư muốn gì ở những phim này? Nhưng bản thân tôi thấy những phim độc lập gần đây của các bạn trẻ rất ít dấu ấn văn hóa Việt Nam. Các bộ phim có xu hướng đi vào các góc tối xã hội, góc tối tâm hồn con người, mãnh lực của con người vượt lên khỏi số phận trong các bộ phim ấy yếu lắm. Thử xem lại phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh đi, con người Việt Nam ở đó ẩn nhẫn, chịu đựng, chịu bi kịch rất nhiều, nhưng vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt”.
Chị Lê Tuyết Nhung, hiện đang làm cho các tổ chức phi chính phủ, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghe nhìn cho rằng các nhà làm phim độc lập ở Việt Nam có khó khăn riêng. “Các nhà sản xuất nước ngoài thường rất tò mò về đời sống xã hội ở Việt Nam sau chiến tranh. Họ không còn quan tâm đến phim chiến tranh nữa vì phim mới của mình không hay, còn những phim thương mại thì hời hợt quá.
Tuy nhiên một số phim độc lập lại cho thấy một khía cạnh khác trong xã hội Việt Nam, có thể không đại diện cho tất cả nhưng cho thấy một góc nhìn khác, có thể là một góc khuất nào đó… mà các LHP quốc tế rất thích”.
Chị cũng cho biết thêm: “Các LHP cũng rất tò mò muốn biết những đề tài vốn được coi là cấm kỵ (như tình dục, loạn luân, đồng tính, bạo lực…) được các nhà làm phim châu Á thể hiện như thế nào. Muốn được các nguồn quỹ nước ngoài hỗ trợ các nhà làm phim Việt Nam phải có thêm các yếu tố nói trên trong kịch bản cũng là điều dễ hiểu”.
Hầu hết các phim độc lập hiện nay đều phải trông vào nguồn vốn từ các quỹ nước ngoài, đôi khi nhà làm phim phải xin rất nhiều quỹ mới đủ tiền làm phim nên mỗi dự án có thể kéo dài 4 - 5 năm. Đạo diễn Nhuệ Giang, thuộc biên chế hãng phim nhà nước, cũng cần sự “chi viện” của hai quỹ nước ngoài để làm Tâm hồn mẹ và Lạc lối.
“Các nhà làm phim độc lập hiện nay rất vất vả vì phải tự huy động vốn. Đi LHP thì danh giá đấy nhưng về nước lại không nhận nhiều sự ủng hộ, cũng không có điều kiện để chiếu rộng rãi… thực sự rất nản lòng. Theo tôi Nhà nước cần có chính sách bảo trợ cho những nhà làm phim độc lập, nhà làm phim trẻ, người làm phim đầu tay. Như ở Pháp họ đánh thuế phim nhập khẩu rất mạnh. Ở Việt Nam mình giờ chủ yếu là phim nhập khẩu, đơn cử giá vé 100.000 ngàn đồng thì sẽ phải nộp 12% tiền thuế thì số tiền không nhỏ đâu. Tiền đó sẽ đổ về quỹ hỗ trợ điện ảnh. Hàn Quốc cũng học tập Pháp nên giờ điện ảnh phát triển rực rỡ” - chị Lê Tuyết Nhung nêu ý kiến.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất