Thực thi bảo hộ quyền tác giả trên Internet: Khi thách thức ngày càng nghiêm trọng

10/08/2019 09:33 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Khẳng định vấn đề thực thi bảo hộ bản quyền tác giả nói chung và trên Internet nói riêng đang là thách thức không riêng với một quốc gia nào, các chuyên gia Việt Nam- Nhật Bản tại Hội thảo về thực thi quyền tác giả, quyền liên quan được tổ chức ngày 9/8 tại Hà Nội đã bàn thảo, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp đẩy mạnh việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet.

Giám định tư pháp xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả: Đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền

Giám định tư pháp xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả: Đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền

Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.9.2019, được kỳ vọng sẽ góp phần siết chặt hành lang pháp lý, đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền.

Hội thảo do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (COV) phối hợp với Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài  của Nhật Bản (CODA) tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Những thách thức từ thời đại Internet

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng khẳng định, trong những năm qua, hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan đã từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực thi trong nước và quá trình hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam và các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, có hiệu lực thi hành tại Việt Nam từ 14.1.2019) đã và đang từng bước được thực hiện, bảo vệ được quyền lợi của công dân Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng.

Chú thích ảnh
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng phát biểu tại Hội thảo

“Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được, hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở các lĩnh vực với những hình thức  và mức độ vi phạm khác nhau. Điều này đã và đang là thách thức đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan  nói riêng và hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa nói chung của đất nước”, ông Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh.

Nhận định kỷ nguyên số và Internet đã và đang cho chúng ta nhiều cơ hội dễ dàng tiếp cận với các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng vào bất cứ thời gian nào, tại bất cứ địa điểm nào do chúng ta tự lựa chọn, các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản cũng lưu ý, kỷ nguyên này cũng đang đặt ra những khó khăn, thách thức ở mức độ ngày càng nghiêm trọng trong thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số và Internet.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Nhật Bản Masaharu Ina chia sẻ kinh nghiệm

Nhiều chuyên đề quan trọng đã được các chuyên gia Việt Nam- Nhật Bản thuyết trình tại Hội thảo: Hệ thống pháp luật- quản lý- thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; Các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên Internet tại Nhật Bản; Hoạt động của CODA (Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài  của Nhật Bản) trong việc ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền và xúc tiến phân phối nội dung có bản quyền.

Chuyên gia Nhật Bản Masaharu Ina, Trưởng phòng Bảo vệ bản quyền ở nước ngoài, Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) cho biết, cũng như Việt Nam, tại Nhật Bản, bảo hộ quyền tác giả là một chủ đề rất quan trọng. “Chúng tôi không có tài nguyên thiên nhiên như than, khoáng sản mà tài nguyên lớn nhất của Nhật Bản chính là tính sáng tạo. Cho nên, Nhật Bản phải thực thi tối đa để bảo hộ quyền tác giả nhằm bảo vệ sức sáng tạo, chất xám của con người. Bảo hộ quyền tác giả trong thời đại ngày nay, khi Internet ngày càng phát triển đã không phải là nhiệm vụ của riêng một cơ quan nào đó. Chính phủ Nhật vì thế đã có nhiều hành động, chính sách pháp luật để bảo vệ và thúc đẩy bảo vệ chất xám, sức sáng tạo của con người...”, ông Masaharu Ina nói.

Công khai các vụ bắt giữ vì xâm phạm bản quyền

Chuyên gia Masaharu Ina cũng chia sẻ, với tình trạng xâm phạm bản quyền ngày càng gia tăng, đặc biệt trên môi trường Internet đã khiến cho nền công nghiệp nội dung của Nhật Bản bị ảnh hưởng rất lớn. Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài của Nhật Bản (CODA) được thành lập năm 2002, theo lời kêu gọi của Cục Văn hóa- Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Mục đích của CODA là để xúc tiến triển khai ngành công nghiệp nội dung Nhật Bản như âm nhạc, phim truyện, phim hoạt hình, chương trình phát sóng và trò chơi ở nước ngoài, cũng như giúp cho ngành công nghiệp nội dung hợp tác để phối hợp với nhau trong ứng phó với xâm phạm bản quyền ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Shun Takagi nói về các biện pháp chống xâm phạm bản quyền trên Internet

Chia sẻ cụ thể về các biện pháp chống xâm phạm bản quyền trên Internet, ông Shun Takagi, Trưởng phòng Pháp chế và Kinh doanh, Hiệp hội Phần mềm Video Nhật Bản (JVA) chia sẻ, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh để đẩy lùi vấn nạn này. Trong đó, có biện pháp cảnh sát công khai các vụ bắt giữ vì xâm phạm bản quyền tác giả. Theo số liệu năm 2018, trong số 514 vụ cảnh sát bắt giữ vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì có tới 428 vụ vi phạm thông qua sử dụng Internet.

Điểm danh việc vi phạm phổ biến là lạm dụng phần mềm chia sẻ tệp, theo ông Shun Takagi, loại hình vi phạm này rất khó có giải pháp đẩy lùi. Nhiều người vi phạm đã lý giải lý do họ chia sẻ tệp mà không ý thức chuyện bản quyền lên Internet chỉ để... cho vui. Trong khi đó, ở Nhật hiện nay có tới hơn 90 ngàn người sử dụng những đường link chia sẻ vi phạm này. “Con số đó còn có xu hướng tăng lên nữa. Tuy nhiên, những đối tượng vi phạm lại thường ẩn danh nên việc nắm bắt, phòng chống rất khó khăn”, theo chuyên gia Shun Takagi.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các cơ quan bảo vệ bản quyền Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp mạnh. Tháng 11.2001, Nhật Bản lần đầu tiên bắt giữ hai người chia sẻ các file xâm phạm bản quyền, đây cũng là vụ bắt giữ người vi phạm bản quyền đầu tiên trên thế giới vì lạm dụng phần mềm chia sẻ tệp.

Chú thích ảnh
Các chuyên gia bản quyền Việt Nam- Nhật Bản tại hội thảo

Cùng giải pháp kiểm soát nghiêm ngặt này, Nhật Bản cũng công khai đưa lên truyền thông các vụ bắt giữ vì xâm phạm bản quyền, qua đó để tuyên truyền, tạo ý thức tiêu dùng tôn trọng bản quyền cho người Nhật. Cũng nhờ đó, nhiều người dần dần đã có ý thức hơn về vấn đề bản quyền, không tùy tiện chia sẻ các file xâm phạm bản quyền trên Internet nữa.

Nhiều giải pháp khác cũng đã được phía Nhật chia sẻ tại hội thảo như yêu cầu xóa các trang web vi phạm, tự động tuần tra bằng vân tay đối với các chương trình xâm phạm bản quyền, ngăn chặn trang web xâm phạm và  đặc biệt là giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế.

“Internet là thời đại mà những xâm phạm bản quyền ngày càng phát triển về số lượng, quy mô, xuyên biên giới. Với các  máy móc công nghệ ngày càng hiện đại, sẵn có trong tay, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là đối tượng xâm phạm bản quyền, vi phạm pháp luật. Vì vậy, ngoài các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, đẩy mạnh giải pháp  công nghệ, tuyên truyền thì còn cần đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để cùng chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm, cùng nhau đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền...”, Cục trưởng Bùi Nguyên Hùng chia sẻ.

Phương Mai/Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm