Thuốc giả và… bóng đá thật

01/09/2017 06:11 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Vụ việc "thuốc giả" liên quan đến công ty VN Pharma trở thành điểm nóng của toàn xã hội và đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết trên tinh thần nghiêm minh, làm rõ mọi "góc khuất" theo đúng quy định của pháp luật vì liên quan đến sức khỏe của nhân dân.

Ở lĩnh vực bóng đá, người hâm mộ cũng mong các cấp có thẩm quyền chấn chỉnh Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), sau thất bại thảm hại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Để, VFF phải làm thật, tạo ra thứ bóng đá thật, như tình yêu bóng đá… rất thật của người Việt, cùng tiềm năng không tệ của nền bóng đá.

Lâu nay, bóng đá ta cứ thật giả lẫn lộn! Chẳng thế, bao lần thất bại đều bị dư luận cho rằng “có mùi”. V-League thì quá nhiều trận đấu tai tiếng.

Cho nên, sau thất bại của bóng đá nam tại SEA Games 29 thêm lần nữa dư luận lại ấm ức, và lần này "búa rìu" đã chuyển hướng thẳng vào Phó Chủ tịch thường trực phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn và Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh. Lý do là vì ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vì bệnh tình mà vắng mặt đã lâu, ông Tuấn là người điều hành và chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyên môn của cả nền bóng đá. Còn Tổng thư ký Lê Hoài Anh trong vai trò Trưởng đoàn U22 Việt Nam tại SEA Games 29, rõ ràng là không thể vô can.

VFF đang hoạt động theo kiểu “nhất quyền phân lập”. Chủ tịch VFF vắng mặt dài dài, vị Phó Chủ tịch chuyên môn dường như phải “đá” luôn... 2 vị trí. Về nguyên tắc, chưa có Liên đoàn bóng đá nào trên thế giới hoạt động “kỳ cục” như VFF, khi một vị Chủ tịch bị bệnh mấy năm trời, đa số các cuộc họp của Thường trực Liên đoàn đều phải bay vào TP.HCM. Dư luận cũng hóm hỉnh “định nghĩa” VFF là Công ty TNHH… 2 người!

Trong bối cảnh quyền điều hành trực tiếp rơi vào một người, thêm cái vị thế VFF thuộc tổ chức của FIFA, cơ quan quản lý nhà nước khó can thiệp sâu các vấn đề chuyên môn, thành thử hơn 2 năm qua, tổ chức này như một thành trì không ai biết bên trong diễn biến thế nào, rất khó kiểm soát.

Quyền to thì trách nhiệm phải lớn, âu là lẽ thường tình. Cho nên, ông Trần Quốc Tuấn phải chịu trách nhiệm khi nền bóng đá có biến là dễ hiểu, cũng như khi ông tận hưởng niềm vui của bóng đá nữ lần thứ 5 bước lên ngôi vô địch SEA Games với nụ cười rạng rỡ.

Sau lời từ chức của HLV Hữu Thắng và của cả Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, ông Đoàn Nguyên Đức, dư luận đòi hỏi thêm lãnh đạo VFF phải từ chức. Vấn đề, ít ai hiểu vì sao tổ chức này lại bê trễ, trình độ thấp hơn mặt bằng xã hội mãi như thế? Suy cho cùng, VFF cũng nhiều vấn đề tồn tại rất khó tháo gỡ, tựa như một số bộ, ngành khác, gần nhất như giáo dục, y tế…, mà thôi.

VFF không chỉ nói lời xin lỗi là xong

VFF không chỉ nói lời xin lỗi là xong

Thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29 là một nỗi đau. Đau hơn khi lại là một vài cá nhân phải chịu trách nhiệm nhưng bộ sậu ở VFF chẳng thấy mảy may nào. Đã đến lúc, cần sự liên đới của trách nhiệm.

Quay lại với ngành Y. Cư dân mạng xã hội từng nổi sóng kêu gọi Bộ trưởng Bộ Y tế từ chức vì quá nhiều vụ việc lùm xùm trong thời gian qua. Nhưng theo những người thạo việc nếu Bộ này vẫn vận hành với cơ chế cũ, cấu trúc cũ, thì người mới chưa chắc đã hơn được người cũ vốn đã thạo việc.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng vậy thôi. Về tài năng, chắc chắn nền bóng đá chẳng thiếu ngươi giỏi hơn ông Tuấn “tổng”, ông Lê Hoài Anh, nhưng ai thay các ông ấy và đảm bảo sẽ khá hơn lại là chuyện khác.

Tóm lại, "thay người" thì dễ, nhưng thay đổi tư duy, cung cách tổ chức, vận hành của cả bộ máy lại chẳng hề đơn giản. Bi kịch của VFF và của nền bóng đá nằm ở chỗ đó.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm