Côn Đảo mùa gió chướng
(Du lịch - lienminhbng.org) - Tôi đến Côn Đảo vào những ngày đầu của mùa gió chướng theo lời rủ rê của một người bạn. Những ngày ở đây, là những ngày tuyệt vời đến nỗi tôi không biết mình đã yêu mến hòn đảo này từ bao giờ.
- Câu chuyện du lịch: Đi bộ trên biển ở Điệp Sơn
- Câu chuyện du lịch: Tôi yêu Phú Quý
- Câu chuyện du lịch: Kizhi, hòn đảo thần tiên ở nước Nga
- Câu chuyện du lịch: Đọc 'Hà Giang lang thang ký', nhớ Trần Lập
Câu chuyện huyền thoại về người con gái Võ Thị Sáu, những người tù Cách mạng, những vết tích chiến tranh còn nguyên một cách sống động trong tâm trí, trên từng nẻo đường ở Côn Đảo. Thậm chí người ta còn bảo Côn Đảo là hòn đảo “tâm linh”, khi cứ mỗi một người sống thì có đến hơn hai mươi linh hồn của những chiến sĩ đã ngã xuống.
Hoang sơ, hiền hậu
Nhưng điều đặc biệt để Côn Đảo có thể thu hút du khách tứ phương, yêu thích khám phá chính là những cánh rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn ramsai, những bãi bồi san hô, cùng các loài sinh vật biển quý hiếm như rùa biển, đồi mồi cứ mỗi năm đến mùa lại về đây để làm hang, đẻ trứng.
Côn Đảo, một huyện đảo xa của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng đến nay vẫn còn là hòn đảo hoang sơ và hiền hậu đến tột độ. Ở đây, người ta có thể đi ngủ không cần đóng cửa nhà, xe máy để bên đường chẳng mấy ai đoái hoài, cướp giật là một câu chuyện thật quá đỗi lạ lẫm.
Hay một bó rau muống có khi lên đến mấy chục nghìn, một mớ rau diếp bằng ký thịt heo có lẽ không bình thường tí nào với rất rất nhiều người nhưng lại chẳng có gì lạ với những người dân Côn Đảo. Nhất là vào mùa gió chướng.
Mùa gió chướng kéo dài từ tháng Chín đến tháng Hai âm lịch năm sau. Và là mùa những chiếc tàu được dịp nghỉ ngơi, nằm xếp lớp dập dềnh trên bến. Mùa rộn ràng tiếng í ới, nói cười của ba-đờ-ghe tụ tập về, đây là cách gọi vui của những người có “ba đời làm nghề đi ghe”.
Quán cóc được dịp thi nhau mọc lên chỉ với dăm trái xoài, chục vịt lộn, mẹt cá khô các loại và tất nhiên không thể thiếu đôi ba "xị" đế để hàn huyên cho vơi bớt cái gió nơi đây.
Hơn hết, mùa gió chướng chính là mùa hòn đảo nhỏ trở nên nhộn nhịp bởi các du khách thập phương trong và ngoài nước đến tham quan khám phá, nghỉ dưỡng. Đặc biệt là những vị khách đến từ Châu Âu sang, lưu trú trên đảo có khi cả tháng trời, chỉ để nằm phơi nắng, tắm biển và đọc sách.
Với họ, thật hiếm nơi đâu lại có bầu không khí bình yên, trong lành, đẹp đẽ đến vậy khi trước mặt là một màu xanh ngát của biển, trên là những tán bàng già cổ thụ trăm tuổi phủ tán mát rượi, đôi chân vùi trong cát, rồi cứ thế nhắm mắt thư giãn để cho cái nắng nhiệt đới sưởi ấm lên khắp cơ thể.
Tâm linh
Nhiều khách đến đây, nhất là những cô chú đã từng tham gia cuộc chiến khi xưa, hầu như cứ vài ba tháng sắp xếp được thời gian rảnh rỗi, họ lại ra đây.
Nhiều khi vội vội vàng vàng, chỉ kịp đáp chuyến bay chiều thứ Bảy rồi trưa Chủ nhật đã phải lo công lo chuyện trở về. Mười một giờ đêm, xôn xao bên mâm lễ với ít bánh trái đã được chuẩn bị tỉ mẩn từ chiều, đế mười hai giờ thành kính lên nghĩa trang Hàng Dương, dâng cúng cô Sáu cùng các chiến sĩ đã nằm lại nơi đây.
Bên ngôi mộ nhỏ lúc nào cũng nghi ngút khói, vòng hoa là từng đoàn người đứng chắp tay khấn nguyện, mà phải là nguyện lúc nửa đêm khuya giữa nghĩa trang với cả ngàn ngôi mộ mới linh, mới thể hiện được lòng thành người dâng hương. Họ được nghe những câu chuyện kỳ bí về những người “tù” là những nhà hoạt động Cách mạng khi xưa do chính các cô chú là người đã giành trọn cuộc đời mình để canh giữ, làm đẹp khu nghĩa trang này từ trước đến nay.
Những ngày ở Côn Đảo, tôi có cảm giác như mình đang sống ở một thời kỳ xa lắm. Mọi thứ đều chỉ có một: một nhà nguyện, một ngôi chùa, một chợ huyện, một trường, một bến tàu. Đường xá quanh đảo lúc nào cũng được quét dọn sạch bong, sơn vôi trắng tinh, sạch sẽ và thanh bình.
Tôi nằm đung đưa trên võng dưới vòm nhãn xanh mướt ngót nghét cũng hơn chục năm tuổi, trái nhãn to cắn vào cơm dày, giòn ngập chân răng, vị ngọt lịm. Ở Côn Đảo sao cây nào cũng to, cũng cao, cũng già, cũng sần sùi, sù sì nhỉ?
Bài & ảnh: Lê Viên
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần