Thương tiếc ca sĩ Lệ Thu - 'Xin còn gọi tên nhau…'

18/01/2021 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Cuối cùng phép màu đã không xảy ra, sau 3 tuần ngóng đợi và nguyện cầu - nữ danh ca Lệ Thu đã xuôi tay vĩnh biệt chúng ta… Bà đã qua đời tại California, Mỹ lúc 19h ngày 15/1 (theo giờ Mỹ).

Danh ca Lệ Thu qua đời sau 5 tuần chống chọi bạo bệnh

Danh ca Lệ Thu qua đời sau 5 tuần chống chọi bạo bệnh

Theo thông tin chính thức từ phía gia đình danh ca Lệ Thu và ca sĩ Quang Thành, Lệ Thu đã qua đời lúc 19 giờ ngày 15/1 giờ địa phương (tức 11h trưa nay theo giờ Việt Nam) tại bệnh viện sau 5 tuần chống chọi bạo bệnh.

Có lẽ, ca sĩ Lệ Thu là nghệ sĩ người Việt đầu tiên qua đời vì dịch cúm Covid-19. Còn nhớ, cách đây 3 tuần, từ một nguồn tin trên mạng xã hội xuất phát từ Mỹ, các báo điện tử ở Việt Nam đã nhanh nhạy đưa tin nữ danh ca Lệ Thu qua đời, nhưng rồi cũng vội vàng gỡ bài vì tin chính xác là cô vẫn đang được điều trị trong bệnh viện. Rồi bao nhiêu người hồi hộp theo dõi khi tình trạng sức khỏe của cô được cập nhật hằng giờ… Và giờ đây chỉ còn “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng…”, khiến bao con tim thắt lại, thương tiếc một “Giọng ca vàng”…

Từ trốn mẹ đi hát phòng trà…

Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16/7/1943 tại Hải Phòng. Mẹ của bà là vợ lẽ của một quan chức nhỏ, cách nhau đến 30 tuổi, sinh tất cả 8 người con, nhưng chỉ nuôi được Bùi Thị Oanh, còn lại đều đã chết khi chưa hết 3 tuổi. Năm 1953, 2 mẹ con dắt díu nhau vào Sài Gòn vì muốn trốn sự khắc nghiệt của bà vợ cả.

Mẹ con bà trú ngụ trong một căn nhà nhỏ ở chợ Vườn Chuối (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM hiện nay). Gần nhà có một ông thầy dạy nhạc, và cô nữ sinh trường Les Lauriers đã theo học ông thầy này. Sau này bà nhớ lại, mỗi khi cô bé mới 12-13 tuổi cất tiếng hát là hàng xóm xúm lại nghe và trầm trồ: “Con nhỏ hát hay đến lạ!”. Họ đâu biết, dòng họ của bà - nhất là bên ngoại, các dì các cậu đều hát rất hay, cô có cái “gen” của họ.

Năm 1959, trong một dịp dự sinh nhật bạn bè ở nhà hàng Bồng Lai, nghe lời xúi của bạn, cô nữ sinh trường Tây 16 tuổi đã lên sân khấu hát bài Tà áo xanh (tức Dang dở của Đoàn Chuẩn). Bà hát hay đến nỗi ông chủ phòng trà đã đề nghị bà đến đó hát mỗi tối. Bà từ chối vì mẹ mình rất nghiêm khắc và rất thành kiến với giới “xướng ca vô loài”.

Ông chủ phòng trà hiến kế: “Mỗi tối, cô chỉ tới đây hát trong vòng 1 tiếng đồng hồ, từ 9h đến 10h đêm. Cứ nói dối mẹ là đến nhà bạn ôn bài…”. Rồi ông đề nghị một khoản thù lao mà cô nữ sinh xóm chợ không bao giờ dám nghĩ tới. Vậy là bà trốn mẹ đi hát từ dạo đó. Và để giấu giếm tung tích, cô bé Bùi Thị Oanh đã lấy nghệ danh là Lệ Thu - một cái tên bất chợt đến trong đầu. Lúc ấy, bà không hề nghĩ là cái tên Lệ Thu lại gắn chặt và đi theo mình suốt cuộc hành trình dương thế…

Chú thích ảnh
Nữ danh ca Lệ Thu. (Ảnh: Tiếng hát Lệ Thu)

… đến “Giọng hát vàng ròng”

Trong suốt 15 năm (1960-1975), được coi là thời hoàng kim của tiếng hát Lệ Thu, bà được giới phê bình âm nhạc miền Nam xưng tụng là “Giọng hát vàng ròng”. Giọng hát ấy, tuy không song hành cùng dòng nhạc của một nhạc sĩ nào (như Thái Thanh với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn, Thanh Thúy với nhạc Trúc Phương…) nhưng lại “đóng đinh” với nhiều ca khúc của khá nhiều nhạc sĩ, bởi khi nghe tên của những bài hát ấy, người ta phải nghĩ ngay đến Lệ Thu, vì không có ai thể hiện hay hơn Lệ Thu qua những bài: Nước mắt mùa Thu, Ngậm ngùi, Bên cầu biên giới, Thuyền viễn xứ… (Phạm Duy), Hương xưa, Hoài cảm… (Cung Tiến), Mùa thu cho em, Xin còn gọi tên nhau… (Trường Sa), Hạ trắng, Dấu chân địa đàng, Nhìn những mua Thu đi… (Trịnh Công Sơn), Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển), Mười năm tình cũ (Trần Quảng Nam)...

Quả vậy, giọng alto ấy tuy khàn khàn nhưng lại tạo ra những hiệu ứng đặc biệt, nhất là khi bà hát ở những nốt cao, giọng của bà có độ vang và ngân rung hiếm có làm người nghe có cảm giác như nỗi đau được đẩy lên đến tột cùng: “Lòng cuồng điên vì nhớ ôi đâu người đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa…” (Hoài cảm - Cung Tiến); “Tình trong cơn ngủ mê, rồi phai trên hàng mi, chợt khi mình nhớ về, mộng thành mây bay đi…” (Xin còn gọi tên nhau - Trường Sa)… Người nghe cảm nhận được, nỗi đau tình ái đã được cái ngân rung của Lệ Thu đun đẩy tới chót vót của sự quặn thắt, đớn đau…

Vì đâu, giọng hát của Lệ Thu lại thành công với những ca khúc bi thương tuyệt tình? Chính bà cũng cho rằng, có lẽ bài hát đầu tiên bà xuất hiện trước công chúng ở nhà hàng Bồng Lai - bài Dang dở (Tà áo xanh - Đoàn Chuẩn) đã vận vào cuộc đời của bà khiến tình duyên long đong, lận đận (3 lần làm đám cưới và 1 lần sống chung, nhưng cuối cùng vẫn đơn độc một mình).

Lệ Thu luôn nhận thua thiệt về phần mình, tại mình khờ khạo nên hạnh phúc trôi tuột. Cuộc sống lứa đôi luôn gập ghềnh, gãy đổ, nhưng Lệ Thu chưa bao giờ tạo ra một scandal tình ái, tất cả nỗi đau cô đem trút trải vào từng nốt nhạc… Thế cho nên, không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác ca khúc Nước mắt mùa Thu cho riêng cô: “… Nước mắt mùa Thu khóc than một mình. Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh. Giọng ca buồn bã vào trong đời úa. Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài. Trời ơi nước mắt mùa Thu khóc thân phận mình...”.

Mà không chỉ có Phạm Duy, ca khúc Lệ đá (Trần Trịnh - Hà Huyền Chi) cũng được viết riêng cho Lệ Thu, còn nhà văn Mai Thảo sau khi nghe Lệ Thu hát Hoài cảm (Cung Tiến) đã tuyên bố: “Từ hôm nay, Hoài cảm đã trở nên bất tử qua giọng ca Lệ Thu”.

Chúng tôi cũng muốn mượn lời của nhà văn Mai Thảo để vinh danh một giọng ca đã trở nên bất tử, cho dù hôm nay cô đã đi vào cõi miên viễn, để mỗi khi nghe “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng…” thì… “cho mình vẫn kêu thầm tên nhau…” (Xin còn gọi tên nhau - Trường Sa).

HÀ ĐÌNH NGUYÊN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm