Thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Giới trẻ vẫn đau đáu với vận mệnh dân tộc

12/10/2013 08:19 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Tiếp tục câu chuyện “Giới trẻ không thờ ơ, hời hợt, vô cảm với lịch sử, với văn hóa; hoặc hoàn toàn chỉ biết vọng ngoại, chỉ biết chào đón, rơi nước mắt với sao Hàn…”. Thông qua sự kiện lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hãy nghe các nhà giáo dục học, xã hội học, nghiên cứu văn hóa nhìn nhận về giới trẻ.

Thạc sĩ Đông Phú (Viện Nghiên cứu giáo dục): Nhiều bạn trẻ thầm lặng cống hiến


Những năm gần đây, truyền thông và các trang mạng xã hội đưa không ít thông tin có ảnh hưởng tiêu cực về giới trẻ như: tụ tập hàng nghìn người, chen lấn, xô đẩy, văng tục chỉ để nhìn thấy thần tượng ca sĩ Hàn, Âu Mỹ; ngồi lên đầu rùa, cử chỉ khiếm nhã ở Văn Miếu… Mỗi năm, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học các điểm 1, điểm 0 môn sử và các môn xã hội khác lại xuất hiện, học sinh vui mừng xé tài liệu khi không phải thi môn sử…

Qua lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho chúng ta nhìn thấy một bức tranh khác của thanh thiếu niên: Tình nguyện hỗ trợ đám tang, giúp đỡ gia đình, khách viếng, đăng những lời tiếc thương, ngưỡng mộ trên trang cá nhân, bày tỏ quyết tâm học tập gương sáng của người. Thực tế cho thấy, không phải chỉ tại đám tang Đại tướng thanh thiếu niên mới có những cử chỉ, hành động như trên. Hàng năm, mùa Hè xanh thu hút hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên tình nguyện xuống đường vệ sinh đường phố, hỗ trợ giao thông, đến vùng sâu vùng xa giúp đỡ nhân dân, làm đường, xây cầu, dạy chữ, chữa bệnh…

Sở dĩ hiện tượng bạn trẻ chào đón nghệ sĩ, người nước ngoài ở các lĩnh vực văn hóa thể thao cuồng nhiệt có công “lăng xê” của truyền thông. Tin tức, hình ảnh cập nhật thường xuyên trong khi số bạn trẻ xuất hiện ở đây chỉ có thể bằng một con số nhỏ so với bao nhiêu bạn trẻ đang thầm lặng làm những việc có ích cho nhân dân, cho đất nước!

Tôi cho rằng bạn trẻ chán học sử, không có nghĩa các bạn vô cảm, hời hợt mà cần phải xem lại cách giáo dục của chúng ta. Sử là sự kiện, cũng là con người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hiện tượng lịch sử, là một bài học lịch sử không giáo điều, mà sống động, chân thực. Dạy học lịch sử, văn hóa hãy dạy từ những bài học thực tế, từ những nhân vật, con người cụ thể, dạy họ cách tiếp nhận có chọn lọc và cách thể hiện có văn hóa.

TS Hà Thanh Vân (ĐH KHXH&NV TP.HCM): Các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn ta tưởng…


Là người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn hóa, văn học, trước một sự kiện lớn lao của đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi đã rất chú ý theo dõi phản ứng của mọi người, đặc biệt giới trẻ, vì họ là những người tôi trực tiếp tiếp xúc, giảng dạy.

Tôi là người đưa tin Đại tướng mất trên facebook cá nhân khá sớm, khi chưa có thông tin chính thức từ báo đài. Trong danh sách bạn bè trên facebook của tôi, có rất nhiều sinh viên. Và thật không ngờ, ngay sau khi đăng tin, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, nhiều tin nhắn, cuộc chat… của các bạn sinh viên hỏi thăm về thông tin này. Bản thân tôi có nhắc đến điều này trên facebook cá nhân, tôi xin nhắc lại ở đây lần nữa: Điều làm tôi cảm động là nhiều bạn sinh viên đã viết trên facebook, đã chat với mình, hỏi thăm chuyện Đại tướng qua đời với lời lẽ tiếc thương, trân trọng. Có bạn nói rằng đã điện thoại về cho ông ngoại, vốn là cựu chiến binh, ông đã khóc quá trời. Các bạn trẻ bây giờ quan tâm đến chính trị, quan tâm đến những sự kiện của đất nước nhiều hơn ta tưởng, có điều việc nhận diện và cắt nghĩa của chúng ta thì còn hời hợt. Không phải là hiệu ứng đám đông, cũng không theo trào lưu, trong sự tôn vinh Đại tướng, tôi thấy lấp lánh trong giới trẻ niềm tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh vì là người Việt Nam. Đó là dấu hiệu của sự trưởng thành trong nhận thức, suy nghĩ. Mừng vì điều đó.

Từ các bạn trẻ, tôi hiểu ra rằng không phải nhờ hiệu ứng truyền thông, không phải theo phong trào, mà chính từ trong thâm tâm số đông bạn trẻ bây giờ, vẫn đau đáu với vận mệnh dân tộc, vẫn quan tâm đến những sự kiện của dân tộc.

TS Vũ Đức Vượng (ĐH Hoa Sen TP.HCM): “Bác Giáp là Nguyễn Trãi của thời đại này”


Trong giới sinh viên, học sinh ở Việt Nam thế hệ này vẫn có nhiều em hiểu biết khá rõ về hiện tình và lịch sử đất nước. Và lòng yêu nước của đa số các em hẳn là rất cao, thông qua vô số việc trong đời sống. Những biểu lộ đột phát và tự nguyện từ những cá nhân các bạn trẻ, như các báo tường thuật, là một dấu hiệu tốt và còn hàm chứa nhiều hy vọng cho đất nước.

Nhưng cũng có thể là các hành vi này còn phản ánh vị thế của người anh hùng dân tộc nữa bởi Bác Giáp là nhân vật lỗi lạc cả trong lẫn ngoài nước, cả bạn lẫn thù đều công nhận.

Nhìn ra thế giới, chắc hiện nay chỉ có mình ông Nelson Mandela có sức thu hút giới trẻ như Bác Giáp. Tôi chắc các bạn trẻ cũng nhận ra Bác Giáp là Nguyễn Trãi của thời đại này, nên các em càng nhiệt huyết gấp bội. Hơn nữa, trong dòng chảy tin tức mạnh mẽ và rung động, báo giới không phải lúc nào cũng kiểm soát được tình thế, nên đôi lúc có vẻ thổi phồng hiện tượng này kia, khiến độc giả nắm sai vấn đề.

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

NHƯ HÀ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm