50 năm Tên lửa Phòng không Việt Nam: đã ra quân là chiến thắng

20/07/2015 18:56 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org)- Quân chủng Phòng không – Không quân đã có đầy đủ 4 binh chủng hiện đại: Cao xạ, Rađa, Tên lửa và Không quân, làm nòng cốt trong thế trận phòng không nhân dân. Nhân 50 năm ngày truyền thống Binh chủng Tên lửa (24-7-1965/2015), hãy cùng giở lại những trang sử vẻ vang này.

Trong đội hình Quân chủng phòng không-không quân, Binh chủng Tên lửa là lực lượng trẻ nhất.

Để đánh trả cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ miền Bắc, ngày 07-1-1965, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn 236 - trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đây, Quân chủng PK-KQ đã có đầy đủ 4 binh chủng hiện đại: Cao xạ, Rađa, Tên lửa và Không quân, làm nòng cốt trong thế trận phòng không nhân dân.



Lúc bấy giờ, lợi dụng lúc tên lửa phòng không của ta khả năng triển khai chiến đấu còn hạn chế, không quân Mỹ thường cho máy bay trinh sát các trận địa, cơ sở huấn luyện tên lửa của ta để “chỉ điểm” mục tiêu cho máy bay tới đánh phá.

Trước yêu cầu chiến đấu, đòi hỏi bộ đội TLPK phải nhanh chóng triển khai để gây cho địch bất ngờ. Với sự giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia nước bạn, bằng sự nỗ lực nghiên cứu, học tập, sáng tạo, bộ đội TLPK đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật, thao tác, sử dụng thành thạo khí tài để chiến đấu, rút ngắn thời gian học tập dự kiến ban đầu từ 1 năm xuống 6 tháng, rồi còn 3 tháng đã có thể sử dụng tên lửa để chiến đấu.

Cùng với việc gấp rút chuẩn bị mọi mặt, từ xây dựng lực lượng, thế trận, xác định ý chí quyết tâm, đến huấn luyện và chuẩn bị khí tài…, Quân chủng PK-KQ đã tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết, nhất là âm mưu, thủ đoạn hoạt động của không quân Mỹ để xây dựng phương án tác chiến cho bộ đội TLPK, bảo đảm cho bộ đội tên lửa đánh thắng ngay từ trận đầu.

Theo kế hoạch tác chiến, ngày 20-7-1965, Trung đoàn Tên lửa 236 được lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa tại Chùa Ghề và Vô Khuy (khu vực Suối Hai - Trung Hà - Sơn Tây), hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, kiên trì chờ đợi, sẵn sàng đánh địch.

Đúng như dự đoán của ta, khoảng 15 giờ, ngày 24-7-1965, từ hướng Tây Hà Nội xuất hiện nhiều tốp máy bay địch trong đội hình bay đường dài (do chưa có sự đề phòng hỏa lực tên lửa) bay vào khu vực ta bố trí trận địa. Sở Chỉ huy tiền phương Quân chủng kịp thời ra lệnh cho các đơn vị bắt, bám và nắm chắc thời cơ. Khi địch bay vào phạm vi hỏa lực, Trung đoàn 236 đã chỉ huy hai tiểu đoàn Tên lửa 63 và 64 bất ngờ khai hỏa. Mỗi tiểu đoàn phóng hai tên lửa, nhằm mục tiêu tốp máy bay F-4C ở độ cao trên 7.000 mét.

Kết quả ta đã tiêu diệt cả tốp, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 1 phi công Mỹ. Quá bất ngờ vì máy bay bị tiêu diệt ở độ cao lớn, ngày 26-7-1965, địch liên tiếp cho máy bay không người lái tầng cao BQM-34A và RF-101 vào do thám. Song cả hai máy bay này đều bị tên lửa của Tiểu đoàn 64 (sau khi đã di chuyển vị trí sang trận địa mới) bắn rơi ở vùng núi, rừng Thanh Sơn.

Như vậy, ngay trong trận đầu ra quân, Bộ đội Tên lửa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng thời giữ gìn, bảo toàn lực lượng. Trong những năm tháng chiến tranh, Bộ đội TLPK càng đánh càng mạnh, càng đánh càng sáng tạo ra nhiều cách đánh hay, độc đáo; bắn rơi gần 1.000 máy bay của địch, trong đó có 61 máy bay B52.

Đặc biệt, vào tháng 12-1972, bộ đội TLPK trở thành lực lượng nòng cốt đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, bắn rơi 29/34 chiếc B52, góp phần làm nên chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", đập tan thần tượng “Siêu pháo đài bày” và cái gọi là “Uy thế không lực Hoa Kỳ”, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pari, tạo thế và lực cho cách mạng Việt Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng này đã vác vai tên lửa A-72, hành quân thần tốc cùng các binh đoàn, bộ binh chủ lực tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, để tạo thế phòng thủ vững chắc, Bộ đội Tên lửa tiếp tục được củng cố, tăng cường thêm lực lượng và cùng các lực lượng PK-KQ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nằm trong đội hình chiến đấu của Quân chủng, Bộ đội Tên lửa đã tiếp tục có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.

Ngô Trọng Bình (tổng hợp)

[Nguồn: Binh chủng Tên lửa; Tạp chí Quốc phòng toàn dân]


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm