Vở kịch 'Tình ca phố': Thương xá Tax và mối tình bị đánh mất

22/12/2014 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vở Tình ca phố (KB: Tùng Phi - Tiến Đạt, ĐD: Tùng Phi) của Redstage và nhóm Buffalo vừa công diễn tại Kịch 5B (TP.HCM) là một kết hợp thú vị giữa tình yêu, nhạc acoustic và ký ức Sài Gòn.

Một thành phố đang lao vào cuộc mưu sinh, nhiều dân nhập cư, đa dạng về lối sống, văn hóa… Những điều này có cách ngăn tình yêu đôi lứa, có cản trở tình cảm với mảnh đất mình đang sống? Đó là những câu hỏi mà kịch Tình ca phố nêu ra và nhẹ nhàng trả lời.

Từ ký ức Sài Gòn…

Cho đến giờ phút này, Tình ca phố có lẽ là tác phẩm sáng tạo đầu tiên nói về chuyện phá bỏ thương xá Tax và một số công trình kiến trúc khác tại TP.HCM. Không hoàn toàn gắng gượng, việc đưa tình tiết này vào các lớp diễn đầu tiên khá hợp lý, vì cuối vở có một chuyện tình phải ly biệt vì tai nạn, nó như là một ẩn dụ có tính dẫn dắt.

Hơn nữa, chuyện tình già giữa ông Tư (Quốc Thịnh thủ vai) và người đàn bà ma mị (Nghinh Lộc) lại diễn ra tại quán cà phê Ký Ức, nơi cố gắng lưu giữ và tiếc nhớ một Sài Gòn xưa đang mất đi.


Một cảnh trong “Tình ca phố”

Điểm đặc biệt có lẽ đến từ nhóm Buffalo, họ là những người trẻ, nhiều người lại mới nhập cư. Dựng một vở về ký ức Sài Gòn xưa có lẽ không khó với lớp nghệ sĩ luống tuổi, nhưng khá bỡ ngỡ với các nghệ sĩ 8X, 9X. Vậy mà họ đã làm khá mượt mà, tri ân được hồn cốt xưa và bảo vệ được các giá trị ngày nay.

Lớn hơn nữa, họ đã phác họa được những nét tính cách của đô thị lớn nhất nước. Nơi đây không thiếu những e dè, ngờ vực, chê bai, kiểu như “Sài Gòn hời hợt, vô tâm lắm”, nhưng cũng thừa sự chia sẻ, hòa nhập. Qua vở diễn, tự nhiên ta nhớ lại vì sao Sài Gòn nhiều sức hút, không chỉ vì cơ hội mưu sinh, mà còn vì sự thoáng đạt, trọng riêng tư và sức dung chứa không mệt mỏi.

Đến hãy yêu nhau đi

Chuyện tình của anh (Lân Nhã Idol thủ vai) - một thanh niên Sài Gòn, và em (Khả Như) - một cô gái Đà Lạt xuống Sài Gòn học kiến trúc 4 năm là một ẩn dụ về nhiều khía cạnh. Cô gái ấy sống chưa đủ lâu để có tình cảm với Sài Gòn, nên quyết trở về Dà Lạt, để rồi đánh rơi tình yêu mà mình gìn giữ trong tim.

Chàng trai ấy, vì ít thể hiện quan điểm, vì yêu là yêu, chứ không cần nói, kết quả cũng không kịp tỏ tình, một tai nạn đã cách ngăn họ. Hãy yêu nhau khi không chỉ giữa người với người, mà giữa người với mảnh đất đang sống, với thì hiện tại… có lẽ là thông điệp mà Tình ca phố muốn hướng đến.

Nếu tính luôn nhóm vũ công và nhóm nhạc acoustic thì Tình ca phố có khoảng 10 nhân vật, tất cả đều không tên. Họ vừa là đại diện của Sài Gòn xô bồ, “không biết ai là ai”, vừa đại diện cho cảm xúc, vốn không thể nói thành lời.

Nếu so với bản dựng tại cà phê Bệt hồi 14/2/2011 của Thanh Tùng và bản dựng tốt nghiệp tại Kịch Thế giới trẻ của Thu Tâm hồi tháng 9/2012 thì phiên bản lần này thời sự hơn (đưa vụ đập bỏ thương xá Tax vào…) và mở rộng hơn nhiều mặt. Một điều đáng chú ý là sự cố gắng hát trực tiếp với nhóm nhạc acoustic trên sân khấu. Ngoài ca sĩ Phương Thanh (vai khách mời, diễn không thường xuyên) và Lân Nhã Idol vốn thuận lợi về chuyện ca hát, các diễn viên khác đã rất cố gắng để diễn tả câu chuyện bằng lời hát – đó là điều rất đáng ghi nhận.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm