Không quân Mỹ lỡ hẹn, Iraq gặp trở ngại khi 'tái chiếm' Mosul

24/10/2016 07:12 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Ngày 23/10, lực lượng Peshmerga - tức lực lượng vũ trang người Kurd tại Iraq, khẳng định trong chiến dịch quân sự nhằm tái chiếm thành phố Mosul từ các tay súng thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm không nhận được sự hỗ trợ từ trên không như đã hứa từ liên quân do Mỹ đứng đầu.

Chỉ huy lực lượng đặc biệt Peshmerga, Mansour Barzani cho biết, thay vì tiến hành ngay khi được kêu gọi, liên quân chỉ thực hiện không kích khi trời đã tối. Chính vì thế, chiến dịch tấn công Mosul đã gặp hạn chế ít nhiều. Bên cạnh đó, lực lượng người Kurd cũng không được trang bị đầy đủ, dẫn đến những thiệt hại về quân số khi giao tranh với các tay súng IS đang tử thủ tại thành trì chiến lược cuối cùng của nhóm thánh chiến này.

Mặc dù vậy, lực lượng người Kurd cũng tuyên bố, bất chấp những khó khăn đó, họ đã chiếm được thị trấn Bashiqa gần Mosul trong ngày 23/10. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã hỗ trợ chiến dịch trên với việc lực lượng nước này đang đồn trú tại căn cứ ở Bashiqa đã giúp pháo kích vào các vị trí của IS theo yêu cầu của lực lượng người Kurd. Trước đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã kiên quyết từ chối đề nghị từ Ankara về việc để Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Mosul.


Trên chiến trường Mosul, vào ngày 21-10, tức ngày thứ năm của chiến dịch, hàng ngàn người dân ở các làng mạc xung quanh Mosul đã tản cư. Ảnh: AFP

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, tính đến ngày 23/10, quân đội Iraq và các lực lượng người Kurd đã tiêu diệt hàng trăm tay súng IS và giành quyền kiểm soát 17 ngôi làng gần Mosul, khi chiến dịch giải phóng thành phố này từ IS đã bước sang ngày thứ 7. Hiện các lực lượng người Kurd chỉ còn cách Mosul khoảng 9km.

Với sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ đứng đầu, quân đội Iraq và lực lượng người Kurd đã phát động chiến dịch tấn công quân sự có quy mô được coi là lớn nhất kể từ năm 2003 nhằm giải phóng Mosul. Khoảng 30.000 binh sĩ thuộc quân đội Iraq, lực lượng người Kurd và chiến binh thuộc các bộ tộc Sunni đã tham gia chiến dịch quân sự này.

LHQ và các tổ chức nhân đạo cảnh báo chiến dịch tái chiếm Mosul không chỉ tạo thách thức về mặt quân sự, mà còn có thể gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khi có tới 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Ước tính IS hiện có khoảng 4.000-8.000 tay súng đang cổ thủ ở Mosul. Nếu để mất thành trì cuối cùng này tại Iraq, giấc mơ về một "Vương quốc Hồi giáo" của IS sẽ chấm dứt. Hiện có quan ngại rằng IS có thể dùng đến những phương thức phản kháng tiêu cực và tàn bạo hơn, trong đó có việc sử dụng dân thường làm lá chắn sống.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm