10/10/2013 13:00 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Lâu nay hễ nói đến đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam thì người ta không thể không nhắc đến SLNA. Thế nhưng, sau màn trình diễn ấn tượng của ĐT U19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ trưởng thành từ Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG, mọi sự quan tâm đã đổ dồn về phố núi Gia Lai.
SLNA chưa đến nỗi “trắng” tuyển thủ ở ĐT U19 Việt Nam vì vẫn còn trung vệ Hoàng Văn Khánh (5), nhưng từ thành công của Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG thì những người làm bóng đá trẻ SLNA nhận thấy đã đến lúc cắp cặp lên núi để học hỏi theo mô hình đào tạo trẻ tiên tiến mà Học viện HA.GL Arsenal JMG đang thực hiện.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Hồ Văn Chiêm, GĐĐH SLNA, cho biết: “Tôi thấy mô hình đào tạo bóng đá trẻ của Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG là rất đáng để học hỏi. Theo tôi được biết, ngoài tài năng bóng đá các cầu thủ trẻ U19 đó còn có thể giao tiếp với cầu thủ đội bạn bằng tiếng Anh. Điều này có nghĩa là họ có đủ điều kiện và phương pháp để đào tạo một cầu thủ chuyên nghiệp, cả về chuyên môn và văn hóa".
Công Phượng từng bị lò đào tạo trẻ SLNA từ chối nhưng bây giờ đang là trụ cột của ĐT U19 Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng
Thực tế là từ vài năm trở lại đây, các đội trẻ SLNA không còn “làm mưa làm gió” ở các giải bóng đá trẻ trong nước như trước đây, và lò đào tạo SLNA đang bắt đầu bộc lộ dần những hạn chế.
Có thể thấy, mô hình đào tạo trẻ của SLNA hiện nay gần như không có gì khác so với cách đây 10 năm. Vẫn phương pháp tuyển chọn VĐV với những bài kiểm tra cũ kỹ theo sự cảm nhận chủ quan của HLV là chính; vẫn quản lý VĐV theo cách giao phó hoàn toàn cho BHL các đội; vẫn phương pháp dạy đá bóng kiểu cũ …
U11 cũng như U13, U15, U17 hay U19 và U21, tất cả đều học chung một bài mà không có sự đổi khác theo từng lứa tuổi và sẽ được sát hạch liên tục để loại dần. Mỗi lứa có vài ba cầu thủ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đã có thể xem là thành công.
Đây là mô hình đào tạo “cuốn chiếu” mà SLNA đang áp dụng hiện nay. Chính vì thế, có rất nhiều cầu thủ đã bị loại khỏi trung tâm đào tạo của SLNA nhưng khi quay sang tập luyện ở các trung tâm khác lại có thể phát triển được.
Điển hình như trường hợp của tiền đạo Nguyễn Công Phượng, một trong những cầu thủ chơi rất nổi bật của U19 Việt Nam ở giải vô địch U19 ĐNA và vòng loại giải U19 châu Á vừa qua. Công Phượng quê ở Đô Lương, từng được SLNA tuyển chọn nhưng sau đó cho nghỉ. Một năm sau, 2 bố con Phượng khăn gói vào HA.GL thi tuyển và được Học viện HA.GL Arsenal JMG đào tạo và nuôi dưỡng để trưởng thành như bây giờ.
Rõ ràng có rất nhiều điều mà lò đào tạo trẻ của SLNA có thể học hỏi ở Học viện HA.GL Arsenal JMG như khâu quản lý VĐV hết sức chuyên nghiệp, thời gian biểu khoa học, từ việc học văn hóa, học đá bóng đến thời gian sinh hoạt, vui chơi giải trí lành mạnh... để cải thiện phương pháp huấn luyện, nếu không muốn trong tương lai không xa, SLNA sẽ trở thành điểm trắng trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.
* Mời đọc chuyên đề về chiến tích của U19 Việt Nam TẠI ĐÂY.
Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất