Mâm lễ người Hà Nội tiễn Ông Táo lên trời

01/02/2016 17:55 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Đối với người Hà Nội nói riêng và nhiều gia đình truyền thống nói chung, 23 tháng Chạp được coi là ngày đầu tiên của Tết. Dậy từ sớm đi chợ, cùng người thân nấu nướng, thắp hương và tiễn Ông Táo lên trời.

Phóng viên lienminhbng.org đã có dịp tiễn Ông Công - Ông Táo cùng một gia đình truyền thống ở phố cổ Hà Nội:


Dậy đi chợ từ sớm, chỉ đến khoảng 9 giờ sáng, mọi công việc chuẩn bị cho bữa cơm tiễn Ông Công - Ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng của gia đình bà Nguyễn Thị Bích Thủy cơ bản đã xong. Đây là bữa cơm truyền thống và là công việc bà phải làm từ khi về nhà chồng làm dâu


Tạm gác lại công việc chăm sóc cho nhà hàng Quảng An tại 22 Hàng Cân, cô con gái Nguyễn Thu Hằng cũng cùng mẹ vào bếp


Theo truyền thống của gia đình, vào ngày này bao giờ cũng có những món cơ bản như nem rán, canh khoai tây, canh mọc, xôi, thịt gà rán


Mặc dù không còn làm cầu kỳ như ngày trước bởi không còn nhiều người ăn nhưng mâm cúng luôn phải đủ bộ như mọi năm vẫn làm


Công việc này gần như được coi là trách nhiệm và nghĩa vụ của những người phụ nữ trong một gia đình truyền thống ở phố cổ


Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tuấn, chủ hộ đang thích thú ngồi bật video tiếng chim trên laptop để luyện tiếng cho con họa mi mới sắm được. Tết đối với ông cơ bản đã đủ với đào, quất, chim và bia, rượu


Sau hơn 2 tiếng chuẩn bị, bà Thủy bắt đầu sắp mâm cỗ cúng ngoài trời


Và soạn mâm cúng tiễn Ông Công - Ông Táo lên thiên đình


Không như nhiều gia đình khác, chỉ cúng Ông Công - Ông Táo, gia đình bà Thủy còn cúng cả gia tiên


Đây là công việc của bà Nguyễn Thị Ngôn, người lớn tuổi nhất trong gia đình. Bà cho biết, truyền thống của gia đình là không cúng cá chép bởi nếu mua cá chép về đợi thắp hương rồi mới thả thì cá có thể chết. Vậy thì không tốt cho lắm. Tuy nhiên, cũng có năm bà tiện đi chợ, thấy ai bán cá chép thì mua luôn rồi đem thẳng ra Hồ Gươm thả coi như phóng sinh


Thủ tục cuối cùng của buổi tiễn Ông Công - Ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng là hóa vàng, gửi những bộ quần áo mới cho Ông Công - Ông Táo. Theo cách lý giải của bà Thủy thì có thể không cúng cá chép, đốt cá chép giấy nhưng bắt buộc phải có quần áo mới cho Ông Công - Ông Táo vì đó là tục lệ từ xưa tới nay.


Và như mọi năm, cuối buổi là bữa cơm gia đình với sự có mặt của ông bà nội ngoại, con dâu, con rể cùng các cháu


Và tất nhiên cả nhà cũng không quên chụp lại bức ảnh lưu niệm vào mỗi dịp như thế này để sau đó đóng khung treo trong nhà như những gia đình Hà Nội truyền thống vẫn làm

Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm