Từ kho lưu trữ: Ngày Alex Ferguson đến với M.U 26 năm trước

08/11/2012 07:16 GMT+7

(TT&VH Online) - Hôm nay, Sir Alex Ferguson kỷ niệm 26 năm huấn luyện Manchester United. Để chào mừng ngày này, CLB đã cho ra mắt bức tượng đồng của Ngài. Hãy cùng nhìn lại tuần lễ đầu tiên Ferguson ở United.


Sir Alex đã có tròn 26 năm dẫn dắt M.U - Ảnh Getty

26 có lẽ không phải là con số quá tròn trĩnh để ăn mừng với những dịp kỷ niệm khác, nhưng với NHM của Quỷ Đỏ, cụm từ “26 năm” đang cháy bỏng trong tâm trí họ. Kể từ sau mùa giải đăng quang 1966-1967, họ đã phải chờ tới 26 năm để lại thấy chiếc cúp về tay Manchester United.

Matt Busby, Wilf McGuinness, Frank O’Farrell, Tommy Docherty và Ron Atkinson đều đã cố gắng mang vinh quang về Old Trafford, nhưng phải chờ tới khi Alex Ferguson đến, chiếc cúp giải Hạng Nhất (tiền thân của giải Ngoại Hạng) mới trở lại với United. Ngày chủ nhật sau khi Ferguson chuyển tới CLB mới từ Aberdeen, tờ Observer đã đăng hai bài viết về sự bổ nhiệm này.

HLV mà Manchester United thực sự cần và muốn thì lại không thể có, vì một lý do duy nhất: Tuổi già. Busby khi ấy đã 76 tuổi. Nếu họ không có ông, đương nhiên họ phải tìm một ai đó có những phẩm chất tuyệt vời tương tự, và muốn vậy, họ đành liều lĩnh bổ nhiệm hết người này tới người khác.

Khi mời Alex Ferguson dẫn dắt CLB, có lẽ BLĐ chỉ mong ông sẽ mang lại phần nào những gì họ và NHM mong đợi, chứ không dám chắc đó là một HLV hoàn hảo.

Không ai trong số những người tiền nhiệm của Ferguson tiệm cận thành công, bởi theo cách này hay cách khác, họ vẫn thiếu đi một phẩm chất nào đó. Những ai ít quan tâm hay thậm chí những ai có tìm hiểu sơ qua hẳn sẽ bất ngờ khi biết rằng, điều quan trọng nhất mà Busby làm được là lồng “cái tôi kiêu ngạo” trong những sự ấm áp, ôn tồn, trong hiểu biết và tình yêu với trái bóng tròn. Có thể, chính bản thân ông cũng không nhận ra điều ấy.

Ngay trong ngày được bổ nhiệm vào tháng Mười năm 1945, ông tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận công việc ở United “nếu họ để tôi đi con đường của chính mình. Là HLV, tôi muốn được toàn quyền.” Không lâu sau, chủ tịch đương nhiệm James Gibson, một người nổi tiếng là độc tài, nói rằng ông muốn chiêu mộ một cầu thủ từ Newcastle United. Matt phản đối ngay: “Anh ta không đủ tiêu chuẩn”. Trong cơn giận dữ, vị chủ tịch tuyên bố sẽ mua anh này bằng mọi giá. Matt chỉ nhỏ nhẹ: “Xin nhắc ngài hai điều, thưa Chủ tịch. Tôi tới để huấn luyện CLB, và một phần công việc là khuyên can ngài. Điều thứ hai, tôi đã trải nghiệm cuộc đời từ rất lâu trước khi ngài ra đời.”

James Gibson không bao giờ can thiệp vào việc chuyên môn nữa, và cả những giám đốc của CLB, trong đó có một người vươn ra trước từ băng ghế huấn luyện phía sau to tiếng yêu cầu Matt thay đổi chiến thuật. Vẫn khoai thai, Matt quay lại, nói nhỏ vào tai ông giám đốc: “Đừng bao giờ nói những điều như thế với tôi khi ai đó có thể nghe thấy”. Ngay trong buổi họp sau đó với BLĐ, ông đã báo cáo về việc “bị ban giám đốc can thiệp công việc”.

Liệu Alex Ferguson có tự tin như vậy hay không? Ron Atkinson thì không có được điều này. Busby hẳn sẽ không bao giờ chấp nhận bán một cầu thủ ông muốn giữ, như cách Atkinson phải nhìn Mark Hughes dứt áo ra đi.

Wilf Guinness, người hậu nhiệm đầu tiên, chắc chắn không có chút tự tin cần thiết nào. Ông này liên tục gọi Busby là “sếp”, gián tiếp mất đi sự tôn trọng từ phòng thay đồ, rồi phải từ chức trong thất vọng. Hai HLV được bổ nhiệm cùng thời gian Jock Stein (Celtic) và Don Revie (Leeds) đều tại vị dài lâu hơn nhờ không mắc phải sai lầm này.

Trên thực tế, khi Revie được chủ tịch Jack Charlton hỏi sẽ được coi là gì sau sự bổ nhiệm lên băng ghế huấn luyện trực tiếp từ vị trí cầu thủ, ông thẳng thắn nói: “Giờ tôi là ông chủ, được chứ?”. Frank O’Farrell, người tiếp theo đảm nhận chức vụ, được biết tới là một con chiên ngoan lành của Công Giáo, một phẩm chất vô tình không mang lại chút tổn hại nào trong mắt một người sùng đạo khác là Busby. Trong một tình huống tương tự, không bao giờ Matt lại ưu tiên một người theo Công Giáo với người khác nếu người đó chơi tốt hơn. Người duy nhất ông yêu cầu mang theo một cây thánh giá là thủ môn. Ferguson cũng phù hợp với tính cách này.

Có điều, O’Farrell chưa bao giờ đạt tới đẳng cấp huấn luyện của Busby. Sự yếu kém được thể hiện khi ông không thể chiếm tình cảm của Best, người luôn bị kỷ luật đích đáng mỗi khi nổi loạn dưới thời Busby, tất nhiên là trước khi anh kịp lặp lại những thói xấu lần khác.

Matt thông minh, ấm áp nhưng không bao giờ mềm mỏng.

Một phóng viên thể thao trên Bản tin Tối Manchester đi cùng chuyến xe của Matt Busby và các học trò trên hành trình tới Luân-đôn năm 1950 đúng một lần, được nhìn thấy những danh thủ của thế hệ đó như Johnny Carey, Jack Rowley, Charlie Mitten,… luôn thận trọng, kín đáo khi ở gần ông thầy.

Cũng phóng viên ấy, sau này làm việc cho Daily Mirror, không có cơ hội gặp lại Busby trong suốt 4 năm. Một ngày, bên ngoài Hampden Park, với hàng ngàn người lạ xung quanh, Matt lập tức chào: “Frank McGhee. Khỏe không con trai, lâu lắm mới thấy con”. Ông đã nhận ra bằng khả năng ghi tên nhớ mặt tuyệt vời, và khoảnh khắc đó đã ăn sâu trong tâm thức anh phóng viên. Sự kính trọng, ngưỡng mộ và tình bạn nảy nở trong suốt những năm tháng sau đó. Matt đã làm không ít cầu thủ phải buồn lòng vì bị tống lên băng ghế dự bị, hay tệ hơn là đá văng khỏi United, nhưng hầu như không học trò cũ nào để bụng chuyện cũ.

Khó có thể đòi hỏi những người kế nhiệm phải có khả năng giống như thế, hay bất kỳ tình cảm sâu đậm nào cho United như Busby vẫn thể hiện, dù Tommy Docherty hẳn sẽ khẳng định ông không thua kém gì vị HLV huyền thoại. Nhưng, dù đã hết sức cố gắng, nói theo cách của ngành công nghiệp giải trí thì Tommy chẳng khác nào một anh học trò cố sức múa may nhưng không thoát khỏi cái bóng khổng lồ của hình ảnh một ngôi sao chói sáng Matt. Dù sao, Tommy cũng đã rất cố gắng để thể hiện cái tôi riêng của mình khi không dựa dẫm vào những lời khuyên của Matt Busby. Tiếc rằng, chính những phát kiến của ông cũng dẫn đến kết cục thất bại của chính mình. Ông đã làm được khá nhiều điều cho United, nhưng rồi cũng tự tay gạt hết chúng đi.

Đã có những lúc, Tommy tạo ra một lối chơi gần như phong cách Busby, điều đã được mong chờ từ lâu ở Old Trafford. HLV tiếp theo, Dave Sexton, đã không thể làm được điều này, dù ông được chính Busby đánh giá cao nhất. “Dave có thể là người mà chúng ta đã hằng tìm kiếm”, Busby nói bấy giờ.

Một điều đáng chú ý là trong 15 năm tìm kiếm “kẻ kế vị”, luôn tồn tại những hình ảnh trái ngược nhau. Từ “cái đuôi” ngoan ngoãn McGuinness, cho tới sự điềm đạm đến căng thẳng của O’Farrell, từ sự sôi nổi bồng bột của Docherty cho tới sự im lặng âm ỉ của Sexton. Giống như O’Farrell trước đó, Dave đã quen thuộc với học viện trẻ của West Ham, và với học viện trẻ của Old Trafford thì phong cách đó mang tính lý thuyết quá nặng nề, thiếu đi trải nghiệm thực tế.

Atkinson đưa đến một khía cạnh khác. Dù cũng quảng giao như Docherty nhưng ông chưa bao giờ sự đồng tâm với các ông chủ như Tommy đã làm được. NHM chưa bao giờ được Atkinson mang tới thứ họ cần nhất: danh hiệu. Busby đã 5 lần làm được điều này, 7 lần khác đưa họ về nhì, và đó chính là tất cả những gì các cổ động viên khao khát. Đây là điều được đòi hỏi ở Ferguson. Ông phải trở thành một “Busby mới”. Hẳn chính ông cũng nhận ra điều này với những thông tin như trên.

Khi Martin Edwards mời Alex Ferguson làm HLV vào thứ Năm trước đó, sự nhiệt thành từ phía United cứ như thể họ đang trao cho Ferguson chìa khóa mở cánh cửa Thiên Đàng. Thế nên sự từ chối của HLV người Scotland là quá khó hiểu.

Với những khát khao thành công không thể cưỡng lại mà ai cũng nhận ra khi tiếp xúc với ông, lời từ chối Ferguson dành cho một trong những CLB lớn nhất nước Anh không khác gì một võ sĩ đạo Nhật chấp nhận hình phạt mổ bụng tự sát cho sự phản bội tâm tưởng chính mình.

Còn giờ, ông có thể cất kiếm lên giá, bắt đầu tạo ra cho tất thảy cầu thủ, nhà báo, lao công, giám đốc, thư ký và bất kỳ ai quan tâm tới trái bòng tròn một sự hồ nghi bao chùm lên tất cả, bởi họ đã lỡ mang ấn tượng rằng ông là người đàn ông hiểu rõ con đường của số phận.

Những quyết tâm không thể lay chuyển của Ferguson đã được thể hiện ngay từ thời thiếu niên, khi ông “cầm đầu” những cậu bé cùng làm cho các xí nghiệp sản xuất thiết bị công nghiệp ở miền nam Glasgow. Sau này, ông đã có thể trở thành Chủ tịch Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Scotland.

Ông không bao giờ chấp nhận thất bại, dù là trong bóng đá, trong những trò khảo đố học trò hay chính cuộc đời. Những ngày mới khởi nghiệp cùng CLB St. Mirren ở giải hạng Nhất Scotland, ông cùng đội hành quân tới Clydebank gặp kình định trong cuộc đua giành suất thăng hạng. Khán đài chật kín, và khi The Saints thua 0-2, những người tinh mắt có thể phát hiện hình ảnh Fergie nhảy ra từ băng ghế huấn luyện, nhào tới bóp cổ trọng tài biên. Hôm ấy là Giáng Sinh.

HLV Andy Roxburgh của Scotland thề rằng Ferguson chưa bao giờ bỏ qua lỗi lầm của ông trong cuộc thi ‘Quiz Ball’, một trò chơi truyền hình nổi tiếng dành cho các CLB bóng đá, suốt gần 20 năm. Họ cùng ở đội Falkirk và Roxburgh được hỏi kị sĩ nào đã thắng trong giải đua ngựa Grand National năm trước đó.

Hoàn toàn không biết gì về đua ngựa, ông càng run rẩy khi thấy Fergie “nhắc tuồng” và cố gắng ném những mẩu giấy về phía ông. Xanh mặt, ông buột miệng nói “Lester Piggot”, kị sĩ hàng đầu thế giới, từng chiến thắng trong giải đua vượt rào. Từ đầu kia của bàn, ông nghe thấy Ferguson gầm lên “Ôi Chúa ơi!”.

Thứ bảy hôm đó, Falkirk có trận đấu gặp Brocville và Roxburgh ra sân. Trận này, anh nghĩ rằng chính Alex đã kích động NHM đồng thanh hô từng tràng “Les-ter Pig-gott, Les-ter Pig-gott”.

Là HLV trưởng của St. Mirren, Alex Ferguson đã lái một chiếc xe thùng lớn với một chiếc loa phóng thanh đi quanh khu của dân lao động ở Paisley, động viên họ tới sân cổ vũ đội nhà. Khi chuyển sang Love Street, sau một tháng trải nghiệm với East Stirling, đám đông giảm xuống chỉ còn 1000 người, trong khi bình thường, con số khán giả tới sân là khoảng 10000, chưa tính những trận có Celtic hay Rangers xuất hiện.

Không ai với phong cách gấp rút của ông có thể đạt được những mong muốn mà không để lại một vài vết gợn. Những câu chuyện về bộ ấm trà bay ngang phòng thay đồ vào giờ giải lao là có thực, và chúng không chỉ xuất hiện một vài lần. Ông thậm chí từng đập cửa phòng nghỉ trọng tài trong thời gian giải lao giữa hai hiệp, dù đội của ông đang dẫn tới 3-0, trên đường tiến tới ngôi vô địch.

Nhưng với tất cả sự tích cực xen lẫn trong đó, ông là một người thích đùa. Khi ĐTQG Scotland tập luyện tại Santa Fe, New Mexico để chuẩn bị cho World Cup, ông phát hiện ra một quán ăn tuyệt đẹp với chiếc piano trắng muốt. Sau khi hỏi quản lý, ông biết được rằng chiếc đàn có thể tự động chơi. Với một cái giá nho nhỏ, họ có thể dàn dựng để nhìn mọi thứ giống như ông đang chơi đàn.

Kế hoạch đã được lên, tối hôm đó Fergie đưa cả BHL đến quán ăn này. Khi ông nói muốn chơi piano (và còn thừa nhận “đã lâu lắm rồi chưa đụng vào đàn”), nhiều người tin là ông nói giỡn chơi. Nhưng với sự dàn dựng hoàn hảo, mọi thứ diễn ra trôi chảy và làm bất ngờ tất cả BHL Scotland.

Teddy Scott, một đồng nghiệp của Fergie ở Aberleen, đã tin sái cổ. “Tôi cứ tưởng tôi biết hết rồi. Trong thời gian làm việc cùng nhau, anh ấy đã chia sẻ tất cả, từ những bàn thắng tuyệt hảo anh từng ghi cho tới những pha bỏ lỡ ngớ ngẩn. Anh ấy chưa bao giờ tỏ ra lầm lì, nhưng quả thật tôi chưa bao giờ hay rằng anh ấy biết chơi piano”.

Giờ thì ông đang biểu diễn trước một trong những cộng đồng khán giả đòi hỏi cao nhất. Điều đó thậm chí còn làm ông thích thú hơn. Dù dành một tình yêu nhỏ cho Aberdeen FC, nhưng ông không bao giờ để bản thân ngồi trong lòng bàn tay NHM. Sau một trận đấu cúp châu lục với những khán đài câm lặng, ông xỉa xói: “Đám tang bà nội tôi còn ồn ào hơn”.

Còn ở Old Trafford, sự im lặng giờ quí hiếm như bạch kim.


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.


Dũng Lê (theo Guardian)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm