'Tiếp sức' tranh Đông Hồ trên con đường ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể

02/11/2020 07:22 GMT+7

(lienminhbng.org) - Như chúng ta đã biết về một cột mốc của tranh Đông Hồ trong lộ trình hướng tới việc được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo tồn khẩn cấp. Cụ thể, sau khi được Hội đồng di sản Quốc gia hoàn thiện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản đồng ý gửi hồ sơ này lên UNESCO.

Tranh Đông Hồ:Trời còn để có hôm nay…

Tranh Đông Hồ:Trời còn để có hôm nay…

Những thăng trầm nối nhau trong suốt một thế kỷ qua của làng tranh dân gian Đông Hồ có lẽ là minh chứng rõ nhất cho câu chuyện về cách tồn tại của một làng nghề dân gian trước những biến đổi về thời cuộc.

Thực tế, vấn đề này đã được nhắc đến từ nhiều năm trước, kèm theo đó là những câu chuyện được chia sẻ về lịch sử hàng trăm năm của dòng tranh dân gian này, cũng như cảnh “ngược dòng” để bảo tồn nghề làm tranh của vài ba nghệ nhân cuối cùng tại làng Hồ (nay là xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh).

Người viết không định nhắc lại những câu chuyện ấy, mà chỉ quan tâm tới một khía cạnh riêng: Thật ra, cuộc khủng hoảng của tranh Đông Hồ mới chỉ diễn ra cách đây vài chục năm.

Đã có nhiều người lầm tưởng, tranh Đông Hồ bắt đầu mai một từ giai đoạn 1945, khi chiến tranh bùng nổ và ảnh hưởng lớn tới việc vẽ tranh, cũng như tổ chức các phiên chợ bán tranh ngày Tết. Sự thật, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, tranh Đông Hồ vẫn có một thời gian... sống rất khỏe.

Như chia sẻ của các nghệ nhân cũ, ở thời điểm ấy, hợp tác xã sản xuất tranh ở Đông Hồ vẫn bán tranh rất đều đặn vào dịp Tết - khi thay vì những chiếc thuyền buôn cũ, nhiều chuyến ô tô từ các địa phương khác lại ùn ùn kéo về đây lấy tranh. Rồi, không chỉ bán khắp miền Bắc, tranh Đông Hồ còn được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, thậm chí từng nhận một Huy chương vàng tại Hội chợ sách quốc tế tại Leipzig (Đông Đức) năm 1971.

Chú thích ảnh
Công việc sáng tác mẫu tranh tốn rất nhiều thời gian, trước tiên phải lựa chọn đề tài, ý nghĩa, nội dung sâu sắc, màu sắc hài hoà, bố cục chặt chẽ và có giá trị nghệ thuật cao

Và nếu quan sát những bức tranh Đông Hồ ở thời điểm ấy, người ta sẽ rất thú vị khi chứng kiến các sáng tạo của nghệ nhân để phù hợp với nhu cầu của cộng đồng trong một giai đoạn khó khăn chung. Chẳng hạn, nhiều bộ tranh về Truyện Kiều, Thạch Sanh, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa… còn được tách ra in riêng từng tiểu cảnh giống như truyện tranh. Rồi, bên cạnh đề tài truyền thống, nhiều “biến thể” vẽ mâm ngũ quả, án thư, câu đối được tạo ra để phục vụ thị trường.

Và giai đoạn khủng hoảng lớn nhất của tranh Đông Hồ chỉ diễn ra bắt đầu vào cuối thập niên 1980 - khi người dùng bước sang thời mở cửa và có nhiều lựa chọn để trang trí trong nhà (đặc biệt là dịp Tết).

Có nghĩa, không phải chiến tranh hay bối cảnh kinh tế khó khăn, mà chính sự thay đổi trong tư duy và nhu cầu của cộng đồng mới là điều khiến dòng tranh này mai một.

***

Kể chuyện cũ, để nói về một thực tế: Một sự ghi danh dù là ở tầm thế giới, cũng không thể là “liều thuốc” khiến tranh Đông Hồ trở lại thời hoàng kim như trước - khi mà bối cảnh xã hội đã thay đổi quá nhiều.

Giấc mơ ấy chỉ có thể thực hiện được phần nào, nếu cùng giải được 2 bài toán: Vừa nâng cao nhận thức về di sản truyền thống, vừa hấp dẫn được khán giả hôm nay - với nhu cầu thẩm mỹ đã rất khác ngày xưa.

Thực tế, trong những năm vừa qua, nhiều dự án cũng đã được triển khai với mục đích bước đầu đưa tranh Đông Hồ tiếp cận với đời sống hiện đại. Điển hình, đó là việc đưa các bức tranh gà, lợn, cá chép, cậu bé ôm gà... bằng chỉ thêu lên các tà áo dài, áo yếm của một số thương hiệu thời trang cao cấp, là việc xây dựng các sản phẩm hiện đại như như lịch để bàn, túi vải, tranh treo tường, sổ ghi chép có sử dụng tranh Đông Hồ. Xa hơn, đã có những dự án táo bạo với việc “cách tân” tranh Đông Hồ bằng việc kết hợp với những yếu tố hiện đại, hay thay đổi cách phối màu để tạo cảm giác bắt mắt, hấp dẫn hơn với khách hàng của cuộc sống hôm nay.

Những thử nghiệm ấy có thất bại và có cả thành công bước đầu. Nhưng chắc chắn, chúng cần được khuyến khích để trở thành một “phần mở rộng” của giấc mơ giúp tranh Đông Hồ bén rễ trong xã hội hiện đại, bên cạnh phần trầm tích văn hóa vốn đang được tôn vinh.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm