Tiếp tục xét giải thưởng Hồ Chí Minh cho liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng: Chờ đợi 'những khoảnh khắc đặc biệt'

14/03/2017 19:22 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Là đề cử duy nhất trong hạng mục Nhiếp ảnh của Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V, hồ sơ của nhiếp ảnh gia - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam) sẽ được Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xét duyệt trong vài ngày tới.

1. Cùng với liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, hồ sơ của 25 tác giả tạm thời chưa có hồi kết trong kết quả đợt V (gồm cả xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa Nghệ thuật) cũng sẽ được đệ trình.

“Chỉ riêng ở góc độ chuyên môn, nhiều phóng viên phương Tây đã thừa nhận với tôi: những tác phẩm của anh Dũng hoàn toàn không thua kém các bức ảnh quốc tế xuất sắc nhất về chiến tranh” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, chia sẻ cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

Không chỉ là thành viên Hội đồng cấp Nhà nước ở Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V, ông Thành còn là đồng nghiệp có thời gian dài gắn bó với Lương Nghĩa Dũng, khi cả hai đều là những phóng viên chiến trường của TTXVN.

Nhà báo Lương Nghĩa Dũng tại chiến trường Quảng Trị. Ảnh: TTXVN

“Anh Dũng là người trực tiếp truyền thụ kinh nghiệm, là tấm gương của tôi về cách dấn thân vào cuộc chiến một cách vừa thanh thản, vừa đầy dũng cảm” - nhà nhiếp ảnh kể thêm - “Trước khi hy sinh, anh đã có tới gần 20 lần suýt bỏ mình ở những tình huống khác nhau”.

Xuất thân là một giáo viên vật lý, tính từ thời điểm bắt đầu vào nghề cho tới khi nằm xuống, Lương Nghĩa Dũng chỉ có 6 năm hoạt động trong vai trò một phóng viên chiến trường. Vậy nhưng, khoảng thời gian không dài ấy vẫn đủ để ông ghi lại hàng trăm bức ảnh vô giá về những khoảnh khắc đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ, với sự nhạy cảm đặc biệt sau ống kính.

Chẳng hạn, trong hồ sơ xét giải Hồ Chí Minh năm nay, bức ảnh Nữ pháo binh Ngư Thủy của Lương Nghĩa Dũng ghi lại cảnh sử dụng pháo hạng nặng để đánh trả tàu chiến Mỹ của những cô gái miền biển vốn chỉ quen với chài lưới, ruộng đồng. Và, bên cạnh sức mạnh tiềm ẩn của những người cô gái ấy, nét độc đáo của bức ảnh lại nằm ở những mái tóc trần của họ, với chiếc cặp ba lá bằng sắt trắng thấp thoáng quanh đầu.

Năm 1967, ông Thành trực tiếp có mặt cùng nhà báo Lương Nghĩa Dũng khi chụp bức ảnh này. “Về nguyên tắc, pháo thủ khi vận hành đều phải đội mũ sắt. Nhưng, ở khoảnh khắc sinh tử ấy, các nữ pháo thủ vừa nhô ra khỏi hầm kèo, không kịp đội mũ mà đã lao vào nạp đạn, giật khóa súng, đạp cò” - ông kể - “Chỉ trong chớp nhoáng, anh Dũng đã chọn được góc nhìn về sự quyết liệt, đồng thời cũng thấp thoáng vẻ đẹp nữ tính của các cô”.


Tác phẩm “Nữ pháo binh Ngư Thủy”

2. Theo lời ông Thành, bức ảnh chụp ở Ngư Thủy cũng là một trong hai chục lần... chết hụt của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Khi ấy, hai nhà báo của TTXVN cùng lao khỏi hầm trú ẩn để tác nghiệp, trước làn pháo hạm từ ngoài biển rót vào. “Trở lại hầm, anh Dũng cười ha hả: tớ còn nằm đây thì toi rồi Thành ạ” - ông kể. “Hóa ra, đầu võng của anh ấy bị mảnh đạn phạt đứt lìa”.

Hoặc bức ảnh Lửa vây máy bay Mỹ cũng là câu chuyện tương tự. Để chụp được những bức ảnh về trận địa cao xạ ở Hải Dương vào tháng 7/1967, nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã phải chọn cao độ là đài quan trắc radar của trận địa. Đây là điểm cao duy nhất,và cũng nguy hiểm nhất, tại các trận địa cao xạ ở đồng bằng. Để rồi, trong quá trình thực hiện, ông đã nhiều lần bị hất xuống đất tới ngất xỉu vì sức ép của bom và tên lửa.

Rồi, để có được bức ảnh Xốc tới, chụp cảnh các chiến sĩ đội mũ tai bèo đang ôm súng truy kích trên con đường ngổn ngang xác giặc, Lương Nghĩa Dũng đã có nhiều ngày đi cùng để chụp ảnh các trận đánh của đại đội Lê Mã Lương, đơn vị mũi nhọn tại mặt trận đường 9 năm 1971.

Hoặc, để thực hiện bức ảnh Đánh chiếm cứ điểm 365, nhà báo này đã đề nghị với lãnh đạo chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972) được bám sát mũi tấn công. Khi thấy ba chiến sĩ lao lên cửa lô cốt trong làn đạn mịt mù, anh đã bấm máy và ghi lại được thời điểm nguy hiểm nhất, và thể hiện rõ nhất sự dũng cảm của những người lính xung kích...

5 bức ảnh trong hồ sơ xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng có một cái tên khá giản dị: Những khoảnh khắc để lại. Nhưng, muốn những khoảnh khắc đặc biệt của chiến tranh được “để lại”, nhà báo - liệt sĩ của TTXVN đã đánh đổi chúng bằng mồ hôi, máu, và cả cuộc sống ở tuổi 38 của mình.

Nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1934 - 1972) nguyên là phóng viên của TTXVN, từng nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V của ông gắn với bộ ảnh Những khoảnh khắc để lại gồm 5 tác phẩm: Nữ pháo binh Ngư Thủy, Lửa vây máy bay Mỹ, Xốc tới, Xe tăng vào trận địa Đánh chiếm cứ điểm 365.


Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm