Cựu rapper Anh đã sát hại nhà báo Mỹ James Foley?

25/08/2014 07:22 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Tờ New York Post tiết lộ, Abdel-Majed Abdel Bary, một rapper người Anh 23 tuổi đang bị tình nghi là tên đao phủ bịt mặt xuất hiện trong video hành quyết nhà báo người Mỹ James Foley chấn động thế giới từ hôm 19/8.

Những ngày qua, các điều tra viên Anh đang lần theo dấu vết của ba người gốc Anh có liên quan đến phiến quân Hồi giáo ở Syria, để xác định xem ai trong số họ đã hành quyết nhà báo Mỹ.

Lộ diện nghi phạm số 1

Abdel-Majed Abdel Bary, kẻ gần đây đã đăng lên trang cá nhân Twitter một bức ảnh bêu thủ cấp của một binh sĩ Syria, đã trở thành nghi phạm số 1 trong ba thành viên của nhóm chiến binh thánh chiến Anh có tên The Beatles, đang hoạt động cùng hai thành viên khác là "George" và "Ringo".

Bary, 23 tuổi, là con trai của một chiến binh sinh tại Ai Cập đang chờ bị xét xử về tội khủng bố liên quan đến các vụ đánh bom chết người ở Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998.


Abdel-Majed Abdel Bary trong thường phục và trang phục của chiến binh thánh chiến

Bary, đến Syria và bắt đầu tham gia cuộc nội chiến đẫm máu tại nước này vào năm ngoái, được miêu tả có dáng người, màu da và giọng nói tương tự như "John", tên đao phủ xuất hiện với trang phục màu đen và bịt kín mặt trong video hành quyết man rợ được đăng trên trang YouTube hôm 19/8.

Trước khi trở thành một chiến binh thánh chiến, Bary là một rapper ở Tây London có tên là "L Jinny". Các ca khúc của hắn cũng từng được phát trên BBC Radio 1. Bary cũng có nhiều video âm nhạc được đăng trên YouTube như Overdose, Flying High và Dreamer.

Tuy nhiên, nghi phạm 23 tuổi bị đánh giá  đã trở nên cực đoan, đã rời khỏi ngôi nhà trị giá 1 triệu bảng Anh ở khu vực giàu có tại Maida Vale, phía Tây London vào năm ngoái và tự khẳng định đã "bỏ hết mọi thứ vì lợi ích của Thánh Allah".

Đầu tháng này, Bary mặc trang phục rằn ri, đội một chiếc mũ balaclava màu đen, bịt kín mặt và xuất hiện trong bức ảnh trên Twitter khi tay trái đang cầm chiếc đầu bị cắt rời của một binh sĩ quân đội Syria.

Theo Telegraph, Bary đã chính thức nằm trong danh sách các chiến binh thánh chiến người Anh bị tình nghi là "John". Ngoài ra trong danh sách này còn có Razul Islam, 21 tuổi và Aine Davis 30 tuổi, một cựu thành viên của băng đảng buôn bán ma túy và cũng cải sang đạo Hồi rồi bay đến Syria để tham gia vào phong trào thánh chiến hiện cũng lọt vào tầm ngắm của nhà điều tra.


Tên đao phủ "John" xuất hiện trong video hành quyết được cho là Abdel-Majed Abdel Bary

Nỗ lực điều tra từ một video hành quyết khác

Cơ quan an ninh đang truy tìm kẻ giết hại nhà báo James Foley cũng tiến hành điều tra lại đoạn video của hai chiến binh thánh chiến Anh hành quyết một binh sĩ quân đội mà chúng bắt được trong một trận đánh ở Syria. Các nhà phân tích chống khủng bố của Anh và Mỹ tin rằng một trong hai kẻ này có sự tương đồng nhất định với tên đao phủ ra tay chặt đầu Foley.

MI5 (Cơ quan chống tình báo, gián điệp và đảm bảo an ninh của Vương quốc Anh và Bắc Ireland) tin rằng một trong hai kẻ này, có giọng nói mang đặc trưng Anh cũng như chiều cao, dáng dấp và thói quen thuận tay trái tương tự như chiến binh chặt đầu Foley.

Theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Radicalisation (ICSR) có trụ sở tại Đại học King (London, Anh), những người đàn ông trên đều đến từ Anh và là thành viên của nhóm chiến binh có tên gọi Rayat al Tawheed, có liên kết chặt chẽ với Nhà nước Hồi giáo Syria và Levant (Isil).

Rayat al Tawheed tuyên bố lực lượng này có bốn chiến binh Anh và hai trong số đó luôn xuất hiện trong các video của chúng. Cả hai đều đội mũ bịt mặt balaclava và đeo đồng hồ đen.

ICSR cũng cho rằng trong video được đăng tải vào tháng 5, người đàn ông dùng khẩu súng trường tự động bắn vào thi thể binh sĩ quân đội Syria có những đặc điểm nổi bật giống như trong các video khác của Rayat al Tawheed. Tuy nhiên, trên tài khoản Twitter của mình, Rayat al Tawheed đã phủ nhận việc chúng biết danh tính của kẻ giết Foley: “Gửi tới tất cả các nhà báo, chúng tôi không biết ai là người đàn ông đeo mặt nạ chặt đầu Foley. Cảm ơn vì đã hiểu giúp”.

Hải Yến (Theo New York Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm