10/10/2019 07:39 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - The Testaments của Margaret Atwood (Canada) là cuốn tiểu thuyết được mong đợi nhất năm 2019 với hoạt động ra mắt rầm rộ có lẽ chỉ thua tập cuối Harry Potter cách đây một thập kỷ. Người hâm mộ mặc trang phục tùy nữ diễu hành khắp nơi, các cửa hàng sách mở cửa thâu đêm, trò chuyện của Atwood về cuốn sách được phát trực tiếp tới 1.000 rạp chiếu phim và cuốn sách lọt chung khảo giải Man Booker từ trước khi phát hành.
Thế nhưng, liệu bản thân nó có đáp ứng được những kỳ vọng của giới hâm mộ, cũng như làm nên thành tích tại giải Man Booker (dự kiến sẽ công bố vào ngày 14/10 tới)?
Bối cảnh của The Testaments diễn ra 15 năm sau các sự kiện trong The Handmaid’s Tale (tựa Việt "Chuyện người tùy nữ"). Nó không hoàn toàn là ác mộng và chứa rất ít sự sợ hãi ngột ngạt mà tác giả Atwood rất giỏi dựng lên ở tập đầu. Ngược lại, nó tràn đầy hi vọng, rằng Gilead - một chế độ thần quyền hư cấu, được dựng lên trong tương lai tương ứng với vị trí của nước Mỹ, nơi phụ nữ có rất ít quyền lợi, thường bị coi là vật sinh sản và không được phép đọc, viết - sẽ bị hủy diệt bởi những cá nhân phi thường. Một cuốn sách hay, nhưng có lẽ không thể trở thành “huyền thoại” như The Handmaid’s Tale.
Đổi hướng so với "Chuyện người tỳ nữ"
Khi Margaret Atwood viết The Handmaid’s Tale vào năm 1984, bà cảm thấy tiền đề truyện có vẻ “khá bạo tàn”. Bà tự hỏi: “Liệu tôi có thể thuyết phục được độc giả rằng, Mỹ sẽ chịu một cuộc đảo chính khiến nền tự do dân chủ bị biến thành chế độ độc tài thần quyền theo nghĩa đen không?”
Thời thế đã thay đổi. Ngoài đời thực, hình ảnh trang phục đỏ-trắng của người tùy nữ giờ đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống lại việc hạn chế quyền sinh sản của phụ nữ và khai thác tình dục họ.
Thành công của The Handmaid’s Tale một phần cũng là nhờ loạttruyền hình đình đám, vừa kết thúc mùa 3, chuyển thể trực tiếp từ cuốn sách. Thế nhưng, trong series kéo dài đã hơn hai năm này, cuộc đời của nhân vật chính Offred đã vượt ra ngoài kết thúc mơ hồ mà Atwood tưởng tượng cho cô. Tuy vậy, với phần tiếp theo, The Testaments (Tạm dịch: Những chúc thư), Atwood đã không đi tiếp câu chuyện về Offred mà bất ngờ rẽ sang một hướng khác hẳn.
Thay vì Offred, truyện là sự kết hợp của ba người kể chuyện. Đó là Dì Lydia - người có địa vị cao cấp nhất trong các Dì ở chế độ Gilead, đã được khắc họa rõ nét trong tập đầu - và hai cô gái trẻ.
Thân thế của hai cô gái này cho thấy điểm giao thoa giữa Atwood và những tình tiết mới trong series truyền hình, dù bà nhiều lần tuyên bố hai thứ hoàn toàn tách bạch. Hóa ra cả hai đều là con gái của Offred. Một, Agnes, là cô con gái mà Offred bị cướp đi khi đảo chính mới diễn ra. Người kia, Nicole, là đứa bé cô có lẽ đã mang thai ở cuối tiểu thuyết và sinh ra ở mùa hai series truyền hình.
Thế hệ tiếp theo
Agnes, được nuôi dưỡng như một báu vật của chế độ Gilead, đang đấu tranh chống lại cuộc hôn nhân với một Chủ soái có quyền lực mà cha mẹ nuôi sắp đặt. Nicole - có tên và số phận nhiều nét tương đồng với bé Nichole trong series truyền hình - được tổ chức Mayday đưa ra khỏi Gilead và hiện sống với cha mẹ nuôi, những người bao bọc cô quá kỹ, ở Canada.
Cách lựa chọn người kể chuyện cũng như thời gian cho phép Atwood trình bày một số điểm thú vị. Bà đã đi sâu vào ý nghĩa về một người mẹ. Chế độ Gilead phải lưu trữ hồ sơ huyết thống để tránh các vấn đề di truyền hay loạn luân. Thông tin phả hệ này được các Dì ghi chép trong các tập hồ sơ theo tên người đàn ông chủ gia đình, dù quan hệ huyết thống cha con luôn không chắc chắn bằng mẹ con. Độc giả không bao giờ biết được ai là cha thật sự của Nicole, dù đã có nhiều ẩn ý.
Nhưng nhìn rộng hơn, quan hệ mẹ con cũng chưa chắc là đứng vững. Khi Agnes phát hiện ra người cô tưởng là mẹ mình hóa ra không phải mẹ ruột, một Marthas (tầng lớp giúp việc trong chế độ Gilead) đã nói: “Nó còn tùy thuộc vào việc cháu nghĩ mẹ là ai… Là người sinh ra cháu hay người yêu thương cháu nhất?” Phải định nghĩa người mẹ thế nào khi cấu trúc gia đình bị phá vỡ?
Tạo nên sự khác biệt
Sự tương tác giữa câu chuyện của ba người phụ nữ cũng cho phép độc giả so sánh cách các cá nhân đưa ra quyết định về những gì cấu thành nên hành vi đạo đức trong chế độ Gilead. Trong thế giới của The Testaments, không như The Handmaid’s Tale, Gilead đang phải vật lộn kiểm soát biên giới có khe hở và ngay trong nội bộ các Chủ soái cũng có sự đấu đá, phản bội.
Những đứa trẻ khiếm khuyết (và sẽ bị loại bỏ) vẫn tiếp tục được sinh ra và kháng cự trước điều này ngày một gia tăng. Lydia bắt đầu vạch ra kế hoạch kéo sụp Gilead. Khi nhìn lại hợp tác triệt để với chế độ của bà trước đây, phải chăng nỗ lực tiêu diệt Gilead là để chuộc tội? Nhưng liệu công cụ của chủ nhân có thể phá hủy ngôi nhà của chủ nhân?
Thương vong trong kháng chiến là vô kể. Becka - một người bạn của Agnes và là nạn nhân của lạm dụng tình dục trẻ nhỏ - đã hi sinh bản thân vì những lợi ích mà cô tin là giúp thanh lọc và đổi mới (chứ không phải hủy diệt) Gilead. Nicole (người tham gia hoạt động bí mật ở Gilead) nói rằng cô “bằng cách nào đó, đã đồng ý đến Gilead mà không thật sự chắc chắn”. Ở đây, cuốn sách đòi hỏi độc giả xem xét phạm vi mà chủ nghĩa lý tưởng và sự ngây ngô ảnh hưởng tới kết thúc của Gilead.
Nhiều yếu tố phi thường
The Testaments kết thúc bằng Hội nghị Chuyên đề thứ 13 nghiên cứu về Gilead - một hội nghị học thuật diễn ra nhiều năm sau sự sụp đổ của chế độ Gilead. Như vậy, nó tương tự với The Handmaid’s Tale - kết thúc bằng Hội nghị chuyên đề thứ 12 - nhưng mang sắc thái khác nhau. Trong cuốn sách In Other Worlds, Atwood nói rằng lời bạt cuối sách của cuốn tiểu thuyết đầu là nhằm cung cấp “một chút không tưởng trong thế giới phản địa đàng Handmaid’s Tale”.
Nhưng, với hầu hết độc giả, lời bạt này lại mang tới sự lạc quan. Nó làm suy giảm cảm xúc đau đớn về câu chuyện của Offred, khi các nhà sử học tranh luận về việc liệu câu chuyện này có “xác thực” và một giáo sư cảnh báo độc giả rằng “chúng ta cần cẩn trọng khi đưa ra phán xét đạo đức về Gilead”.
Các nhà sử học cũng đưa ra bình luận tương tự trong Hội nghị chuyên đề thứ 13, nhưng ở đây, về cơ bản, họ tin vào tính xác thực của tài liệu. Sự không chắc chắn, như là đặc trưng trong lối kể chuyện những năm 1980, khiến câu chuyện của Offred có phần lung lay.Tuy nhiên, giờ đây, vào năm 2019, Atwood có thể thay sự hoài nghi đó bằng cảm giác chắc chắn hơn nhiều về tính hợp lý trong câu chuyện của những người phụ nữ. Sự thay đổi này nhiều khả năng liên quan tới những biến động đời thực xảy ra trong thời gian gần đây.
Thế nhưng, xét về mặt văn học, The Testaments lại thiếu tính thuyết phục với độc giả. Ở The Handmaid’s Tale, đó là một người phụ nữ bình thường, không cố làm gì vĩ đại để sống sót, người phá tan ảo tưởng về siêu anh hùng và chính sự tầm thường này mang tới trọng lượng cho cuốn sách. Ngược lại, ở The Testaments có nhiều yếu tố phi thường, như thể Atwood đơn giản là quyết định thời của Gilead đã chấm dứt, hoặc có lẽ bởi bà quá mức yêu thích các nhân vật của mình đến mức không thể từ chối hạnh phúc của họ.
Một cuốn sách đẹp, vui vẻ khi đọc nhưng mang cảm giác ít trung thực hơn The Handmaid’s Tale. Và vì lý do này, khó mà tưởng tượng là nó sẽ sở hữu di sản đồ sộ như “tiền bối”.
The Testaments của Margaret Atwood cùng 5 tác phẩm khác đã lọt vào vòng chung khảogiải Man Booker 2019. Kết quả Giải thưởng sẽ được công bố vào ngày 14/10 tới tại London. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất