06/11/2016 11:52 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Leila Slimani (35 tuổi), nhà văn Pháp gốc Morocco, đã đoạt giải Goncourt2016, giải thưởng văn học hàng đầu của Pháp với cuốn tiểu thuyết Chanson Douce (Ca khúc ngọt ngào).
Chanson Douce là câu chuyện gay cấn được mở đầu với câu nói: "Đứa trẻ chết rồi", sau khi người giúp việc trong gia đình đã ra tay giết chết hai đứa trẻ mà cô ta chăm sóc trong một gia đình ở Paris.
Giải thưởng được dự báo
Trước khi công bố giải Goncourt năm nay, nhiều nhà bình luận đã tiên đoán Slimani sẽ giành chiến thắng. Cuốn tiểu thuyết Chanson Douce, được mô tả là một sự bình luận về nỗi đau đớn xã hội, là một tác phẩm best-seller ở Pháp, đã tiêu thụ được hơn 76.000 cuốn. Bản thân Slimani từng là một nhà báo có tiếng tại Jeune Afrique, tạp chí tiếng Pháp chuyên đưa tin về các vấn đề châu Phi.
"Slimani là một phụ nữ trẻ, tài năng, bởi vậy cô giành chiến thắng theo đúng tinh thần của giải Goncourt. Đây là cuốn tiểu thuyết về sự đấu tranh giai cấp trong một gia đình trưởng giả, mô tả về sự chiếm hữu tình yêu của những đứa con" - Bernard Pivot, Chủ tịch Viện Hàn lâm Goncourt, nói trong cuộc phỏng vấn được tờ Le Figaro của Pháp tường thuật trực tiếp trên Facebook hôm 3/10.
Nữ văn sĩ Pháp gốc Morocco Leila Slimani và tiểu thuyết đoạt giải Goncourt 2016
Slimani rời Morocco tới Pháp năm 17 tuổi. Slimani cho biết cô tới Pháp vì nhận thấy cô ấy không thể hạnh phúc ở Morocco, nơi phụ nữ "buộc phải sống trong dối trá". Còn ở Paris, tôi không sợ khi mặc váy trên đường phố, ngồi một mình trong taxi hoặc hút thuốc trong tháng Ramadan".
Slimani đã tốt nghiệp trường Học viện Chính trị ở Paris, một trong những trường đại học danh giá nhất nước Pháp. Slimani bắt đầu xuất hiện trên văn đàn từ năm 2014 với tiểu thuyết được nhiều lời ca ngợi Dans le Jardin de l’Ogre (Trong vườn của Ogre). Cuốn tiểu thuyết này là cái nhìn vào cuộc đời của một người phụ nữ nghiện sex ở một trong những khu phố sang trọng nhất Paris. Tiểu thuyết đã nhận được nhiều lời ca ngợi của giới phê bình và đã đoạt giải văn học Flore của Pháp năm 2014.
Cảm hứng từ trải nghiệm bản thân
Chanson Douce kể về một cặp vợ chồng trung lưu ở Paris thiết tha mong muốn có một cuộc sống giàu có và thoải mái. Louise, một vú em trẻ trung và tinh vi, là người đã làm xáo trộn cuộc sống trong gia đình họ.
"Đề tài trong cuốn tiểu thuyết này được lấy cảm hứng từ thực tế của bản thân tôi. Tôi cũng từng có vú em khi lớn lên ở Morocco. Năm 7-8 tuổi, tôi đã rất nhạy cảm với từng vị trí lạ lẫm trong nhà. Vú em là những người phụ nữ mà chúng ta vừa yêu thương như mẹ mình song vừa là những người lạ. Tôi luôn cảm động trước những tình thế khó khăn của họ, nhiều khi họ phải vượt qua những sự nhục mạ để sống và làm việc" – Slimani nói và cho biết cô đã phát hiện ra những "kiểu vú em mới" khi tới Paris và nhận thấy "họ là những nhân vật cũng rất lãng mạn".
Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết mang nhiều chi tiết từ câu chuyện có thực về một vú em ở Cộng hòa Dominica, người đã bị cáo buộc giết hai đứa trẻ mà cô chăm sóc ở New York hồi năm 2012. Kết nối những sự kiện tách rời nhau, Slimani đã tạo nên câu chuyện khiến độc giả thấy kinh hãi, như trải qua cơn ác mộng.
Xuất hiện tại cuộc họp báo được tổ chức tại nhà hàng Drouant, nơi công bố giải Goncourt, Slimani cho biết: "Thật khó có thể nói về văn học trong tình trạng mất trí (vì quá vui sướng sau khi đoạt giải) này. Nhưng tôi muốn dành tặng giải thưởng này cho cha mẹ, đặc biệt là cha tôi, người đã qua đời cách đây 10 năm.
Ý tưởng phải trả tiền cho một ai đó để họ yêu thương con cái mình đã lôi cuốn tôi. Thuê người chăm sóc các con mình dẫn đến một mối quan hệ rất mơ hồ... Chúng ta thường sợ những người vú em sẽ đánh cắp chỗ đứng của mình trong trái tim các con".
Dù Slimani chỉ nhận được 10 euro (11 USD) tiền thưởng, song giải Goncourt luôn được xem là "cú hích" lớn về lượng sách bán ra (lượng phát hành có thể lên tới 450.000 cuốn hoặc hơn) và nhanh chóng đưa tác phẩm đoạt giải lọt vào danh sách các tác phẩm best-seller của năm.
Vài nét về giải Goncourt Goncourt là giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp. Giải được sáng lập theo di chúc của đại văn hào Edmond de Goncourt vào năm 1896, và trao giải lần đầu năm 1903, với mục tiêu vinh danh "tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm". Giải được trao cho các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp, song tác giả không nhất thiết phải là người Pháp. Trong số 114 nhà văn được trao giải Goncourt (1903-2016), có đến 89,5% là nam. Leïla Slimani là người phụ nữ thứ 12 đoạt giải Goncourt bên cạnh 102 nhà văn nam được vinh danh. Đoạt giải thưởng năm nay, Slimani đã vượt qua nhà văn khác, gồm Catherine Cusset với tiểu thuyết The Other We Loved, là sự tưởng nhớ sâu sắc về một người bạn đã tự kết liễu đời mình; Regis Jauffret với Cannibals, cuốn tiểu thuyết được viết với văn phong tinh tế song đầy tàn nhẫn và nhà văn Pháp gốc Rwanda Gael Faye với tiểu thuyết Little Country. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất