15/01/2014 10:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Tháng 6 năm 323 trước Công nguyên, Alexander Đại đế qua đời ở tuổi 32. Lúc đó, ông đã chế ngự một đế chế trải dài từ Albania tới Đông Pakistan. Trong hàng thiên niên kỷ, nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông đã luôn là bí ẩn lớn thu hút sự chú ý của dư luận và giới nghiên cứu.
Tuy nhiên, giờ đây bí ẩn này có vẻ đã được giải mã, nhờ một cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học ở New Zealand thực hiện.
12 ngày cuối đời cực kỳ đau đớn
Alexander III của Macedon, được biết rộng rãi với tên Alexander Đại đế, sinh năm 356 trước Công nguyên ở Pella và được Aristotle dạy dỗ đến năm 16 tuổi.
Ông trở thành vua của Macedon, một vương quốc ở miền Bắc Hy Lạp cổ đại và đến năm 30 tuổi đã tạo nên một trong những đế chế lớn nhất trong thế giới cổ đại, trải dài từ biển Ionia (thuộc Địa Trung Hải) tới dãy Himalaya.
Bất bại trong tất cả các trận đánh, Alexander được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử. Ông đã chinh phục được toàn bộ đế chế Ba Tư, nhưng chưa dừng lại ở đó. Là một chiến binh hoài bão, ông tìm cách tới được “những nơi tận cùng của thế giới”, chinh phạt Ấn Độ vào năm 326 trước Công nguyên rồi quay trở lại quê hương.
Ông đã sáng lập khoảng 20 thành phố mang tên mình, trong đó có thành phố Alexandria ở Ai Cập cổ đại và truyền bá văn hóa Hy Lạp tới phương Đông. Tuy nhiên, trước khi hoàn tất kế hoạch xâm chiếm Arab, Alexander Đại đế đã qua đời một cách bí ẩn.
Theo tư liệu lịch sử, Alexander đã cho tổ chức một bữa tiệc tưởng nhớ cái chết của một người bạn thân. Nhưng đến giữa buổi tiệc, ông bỗng đau đớn dữ dội rồi ngã gục xuống. Ông được đưa về phòng ngủ và tại đây đã bộc lộ các triệu chứng gồm lo âu, rùng mình, cứng cổ và bị những cơn đau dữ dội ở vùng bụng. Ông khát nước, bị sốt cao, co giật và mê sảng suốt đêm. Những ngày sau, bệnh tình ngày càng trở nên nặng hơn. Trong giai đoạn cuối, Alexander bị cấm khẩu, dù vẫn có thể cử động được đầu và tay. Cuối cùng sau 12 ngày chịu đau đớn, ông thở khó và qua đời.
Hiện có 4 giả thuyết về cái chết của ông: sốt rét, bệnh thương hàn, ngộ độc rượu hoặc bị một kẻ kình địch cố tình đầu độc. Trong đó có 3 giả thuyết không được coi là thuyết phục. Bệnh sốt rét thường chỉ nảy sinh ở các vùng nhiệt đới, do muỗi đốt và ít khi xuất hiện tại các vùng sa mạc như miền Trung Iraq ngày nay, nơi Alexander qua đời.
Bệnh thương hàn do lây nhiễm virus qua thức ăn hoặc nước uống và thường lan truyền thành dịch chứ không thể chỉ có một cá nhân mắc bệnh. Trong tư liệu lịch sử không có bất cứ chi tiết nào đề cập tới việc Babylon bị dịch thương hàn, vào thời điểm Alaxander qua đời.
Vô tình uống phải rượu độc?
Giả thuyết Alexander chết do ngộ độc rượu được các chuyên gia bàn cãi nhiều nhất. Tuy nhiên, cũng không có bất cứ tư liệu lịch sử nào cho thấy Alexander thể hiện triệu chứng nôn mửa, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của ngộ độc rượu.
Rốt cục chỉ còn nguyên nhân đầu độc là hợp lý nhất. Theo sử sách, 6 ngày sau khi qua đời, thi hài của Alexander không hề bị phân hủy, mặc dù được quàn ở một nơi rất nóng nực, oi bức. Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, trong cơ thể Alexander có một lượng độc tố chết người, lan tỏa khắp nơi và chính độc tố đã làm giảm tốc độ phân hủy.
Gần đây, tiến sĩ Leo Schep thuộc Trung tâm Chất độc Quốc gia ở New Zealand đã tổ chức nghiên cứu và khẳng định Alexander chết do uống phải rượu độc từ một loại thực vật đặc biệt. Tiến sĩ Schep đã nghiên cứu về loại gây độc này suốt 1 thập kỷ và chứng cứ về việc sử dụng nó trong lịch sử. Ông đánh giá một số giả thuyết nói Alexander bị đầu độc bằng thạch tín và cây mã tiền sẽ không thể khiến nạn nhân chết nhanh như vậy.
Tiến sĩ Schep tuyên bố “thủ phạm” gây nên cái chết của Alexander Đại đế là veratum album, hay còn gọi là cây lê tư trắng. Loài cây này có độc chất tập trung nhiều ở phần rễ và hạt, với tính năng gây tê liệt hệ thần kinh, khiến người ta nhanh chóng bỏ mạng nếu ăn chúng.
Theo ông, Alexander đã uống loại rượu có chứa cây này trước khi qua đời. Cây veratum album khi lên men có vị hơi đắng nhưng kèm cả vị ngọt và Alexander Đại đế đã uống say tại bữa tiệc mà không biết tính mạng mình đang bị đe dọa. Ông cho biết các triệu chứng ngộ độc do loại cây này gây ra cũng trùng khớp với mô tả về triệu chứng mà Alexander thể hiện, 12 ngày trước khi chết.
Có thể thấy Alexander Đại đế đã bị đầu độc, nhưng vì nguyên nhân gì và ai là kẻ đứng sau âm mưu ám hại ông? Không có chứng cứ nào cho thấy ông bị những viên tướng dưới quyền âm mưu giết hại. Tuy nhiên, do cây veratum album có bề ngoài rất giống cây gentiana lutea chuyên dùng để làm rượu, không ngoại trừ khả năng có ai đó đã dùng nhầm chúng khi chế rượu và gây hại Alexander.
Thực tế cho thấy đã có những trường hợp người ta vô tình tự đầu độc mình bằng veratum album. Năm 2010, tạp chí y học Clinical Toxicology có đăng bài viết về 4 người ở Trung Âu đã ăn loại cây này bởi tưởng đó là cây tỏi dại. Trong vòng 30 phút sau khi ăn, họ đã đau đớn khắp người, mắt mờ đi và nói năng không kiểm soát. Song không bất hạnh như Alexander Đại đế, họ đã được y học hiện đại cứu mạng.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất