Tìm thấy hóa thạch khủng long lớn nhất thế giới ở Argentina

06/09/2014 07:18 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Bộ khung xương của một con khủng long Dreadnoughtus (loài to nhất trên cạn) cao khoảng 10 mét, nặng khoảng 65 tấn đã vừa được tìm thấy tại vùng Patagonia thuộc Argentina.

Theo báo cáo của các nhà khoa học hôm 4/9, đây là khung xương đầy đủ nhất từng được tìm thấy trong nhóm khủng long titanosaurs (loài khủng long khổng lồ). Kenneth J. Lacovara, nhà cổ sinh vật học thuộc đại học Drexel-Philadelphia dẫn đầu một đội tìm kiếm đã miêu tả về hóa thạch này trên Tạp chí Khoa học.


Các nhà khoa học đang khai quật khung xương khủng long Dreadnoughtus 

“Chúng tôi chắc chắn đây là loài thú trên cạn lớn nhất, và có thể đưa ra số liệu chính xác” - tiến sĩ Lacovara nói - "Nó khổng lồ ngay cả khi chỉ còn lại bộ xương. Hiện chúng tôi đang giữ 16 tấn xương trong phòng thí nghiệm”. Ông nói thêm rằng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hơn 200 xương của con khủng long, tức khoảng 45% khung xương hoàn chỉnh và 70% xương sau đầu. “Đây là một bộ khung khá hoàn chỉnh” - Patrick O’Connor, một chuyên gia giải phẫu của đại học Ohio cho biết.

Con Dreadnoughtus hóa thạch đang ở độ tuổi phát triển. Từ cấu trúc xương, các nhà nghiên cứu kết luận rằng nó vẫn chưa đạt đến khối lượng tối đa khi chết vào khoảng 84 đến 66 triệu năm trước.

Khung xương hiện phủ gần kín phòng thí nghiệm của tiến sĩ Dr. Lacovara tại Drexel. Phần xương đuôi nằm dọc hết một mặt tường trước khi gập cong và kéo dài tới cuối mặt tường tiếp theo. Tiến sĩ Lacovara nói rằng các xương được nối với nhau bởi cơ  và “lượng cơ có thể nhiều hơn chúng ta tưởng tượng”.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một chiếc răng dài hình trụ dài gần 3cm. Dreadnoughtus có 1 hàng răng như vậy để gặm những cây dương xỉ và các loại thực vật khác, nuốt chúng mà không cần nhai.

Tiến sĩ Lacovara nói thêm rằng: “Dạ dày của nó to bằng một con ngựa nên có thể giữ thức ăn rất lâu, thậm chí qua hàng tháng trời.”

Tiến sĩ Lacovara đã tìm ra hóa thạch này năm 2005, cùng các nhà khoa học Matthew C. Lamanna thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên Carnegie tại Pittsburgh và Lucio M. Ibiricu thuộc Trung tâm quốc gia Patagónico tại Argentina. Cả đội đã mất 4 năm sau để khai quật khung xương và thêm vài năm nữa để chuẩn bị công tác nghiên cứu.

Hóa thạch hiện vẫn đang được bảo quản bởi tiến sĩ Lacovara dự kiến sẽ được gửi về Argentina vào năm sau. Tên đầy đủ của loài khủng long kể trên là Dreadnoughtus schrani - bắt nguồn từ chữ Dreadnought là  loại tàu chiến bất khả chiến bại thời thế chiến I và tên ông Adam Schran, một doanh đã đầu tư để nghiên cứu loài này.

Trước đó loài khủng long khổng lồ Brachiosaurus vẫn được người ta biết đến nhiều hơn, dù nặng chỉ khoảng 37 tấn. Để tiện so sánh, một chiếc máy bay Boeing 737-900 rỗng nặng khoảng 46 tấn. Một con voi đực châu Phi, loài thú trên cạn lớn nhất ngày nay, nặng khoảng 7 tấn. Tuy nhiên so với cá voi xanh, những con khủng long này chỉ là loại "tép riu". Một con cá voi xanh trưởng thành có thể nặng tới 150 tấn.
Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm