Để 'giấc mơ Nhà hát Lớn' thành hiện thực

12/07/2016 06:58 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Không quá lời khi gọi việc biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một giấc mơ với bất cứ nghệ sĩ nào. Bởi bên cạnh bề dày văn hóa và sự sang trọng từng được mặc định trong lịch sử mức giá thuê khá cao tại đây cũng là một rào cản đặc biệt với họ.

Trong sự khấp khởi của giới nghệ thuật, một thay đổi quan trọng sắp bắt đầu: theo chủ trương của Bộ VH,TT&DL các đơn vị nghệ thuật lớn sẽ được bố trí khai thác địa điểm này một cách thường xuyên và thuận lợi hơn để biểu diễn những tác phẩm có chất lượng.

Chờ “phần hồn” tương xứng

Thực tế, dù vẫn mặc định là “thánh đường” của nghệ thuật cả nước, nhưng Nhà hát Lớn trong thời gian qua vẫn thiếu vắng các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống. Một trong những rào cản quan trọng của tình trạng này nằm ở mức giá thuê Nhà hát khá cao, dao động từ 35- 45 triệu mỗi đêm diễn.

Và điều này cũng đồng nghĩa với một thực tế: những loại hình nghệ thuật được coi là “hàn lâm” như sân khấu, ballet, nhạc cổ điển, nhạc kịch… cũng khó tiếp cận với Nhà hát Lớn nếu thiếu đi những cơ chế hỗ trợ đặc biệt. Bởi trong điều kiện hiện tại, nếu không có những dự án hợp tác về biểu diễn, việc tìm kiếm khán giả cho những loại hình nghệ thuật ấy với một mức giá tương xứng là điều không hề dễ dàng.


Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội được thiết kế hướng tới các chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ điển

Đặc biệt, riêng với sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, việc tìm kiếm một hợp đồng biểu diễn đủ để trang trải mức phí thuê Nhà hát Lớn lại càng vô cùng khó. Ngược lại, vài năm qua, một số ca sĩ nhạc nhẹ từ nước ngoài trở về như Tuấn Vũ, Giao Linh….lại không gặp khó khăn trong việc bước vào Nhà hát Lớn, bởi đêm diễn có mức giá vé khá cao.

Cũng cần nói thêm, khi được người Pháp thiết kế và hoàn thành 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội về bản chất vẫn là công trình hướng tới việc biểu diễn nghệ thuật cổ điển phục vụ công chúng Pháp và một số người Việt có đời sống cao. Và khi tham gia trùng tu công trình này vào thập niên 1990, những KTS tham gia như Hồ Thiệu Trị, Hoàng Đạo Kính cũng đã lên tiếng lưu ý về việc khai thác công năng của nó. Theo đó, với số lượng chỉ 600 chỗ, Nhà hát Lớn không phù hợp với một điểm biểu diễn đại chúng, và cần được tổ chức các hoạt động nghệ thuật hàn lâm để tạo “phần hồn” tương xứng với giá trị kiến trúc của mình.

“Nếu nghĩ một cách nhẹ nhàng, chúng ta hãy coi việc từng tạm sử dụng Nhà hát Lớn cho quá nhiều hoạt động khác nhau là một vấn đề đến từ hoàn cảnh” – nhà sử học Dương Trung Quốc từng chia sẻ với Thể thao &Văn hóa về vấn đề này. “Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế phát triển hơn, việc phân khúc là cần thiết để phù hợp với một di sản đặc biệt của Hà Nội”.

Hãy kiên nhẫn

Được biết, trong thời gian qua, trong những buổi làm việc với lãnh đạo, các nhà hát trực thuộc Bộ VH,TT&DL đã nhắc tới vấn đề này. Và chủ trương tạo cơ chế ưu tiên khai thác Nhà hát Lớn làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, cao, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, đã được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhắc tới trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành văn hóa gần đây.

“Việc này nằm trong thẩm quyền của Bộ. Chúng tôi chủ trương sẽ nỗ lực để chúng ta có thể đưa các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của đất nước vào Nhà hát Lớn mà không gặp trở ngại gì” – Bộ trưởng cho biết.

Bộ VH, TT&DL đã giao Cục nghệ thuật biểu diễn lên kế hoạch làm việc với các đơn vị để chuẩn bị cho kịch mục biểu diễn tại Nhà hát Lớn từ nay tới cuối năm. Trước mắt, các vở diễn từng đoạt Huy chương tại Hội diễn, cũng như gây tiếng vang với dư luận, như Hamlet, Lâu đài cát, Tai biến (Nhà hát kịch Việt Nam), Công lý không gục ngã, Tất cả đều là con tôi (Nhà hát Tuổi trẻ), Vua Phật (Nhà hát Cải lương Việt Nam)… đang được ưu tiên nghiên cứu.

“Không chỉ có chúng tôi, mà chắc chắn rất nhiều Nhà hát khác đều phấn khởi khi nghe tin này. Với rất nhiều nghệ sĩ trẻ, việc một lần trong đời được biểu diễn tại Nhà hát Lớn luôn là giấc mơ với họ. Tất nhiên, để triển khai trên thực tế, sẽ còn rất nhiều vấn đề cần được bàn thảo hoặc hoàn thiện thêm, chẳng hạn như việc xây dựng một cơ chế hỗ trợ và hợp tác thích hợp giữa lãnh đạo Nhà hát Lớn với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn” – ông Trương Nhuận, giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chia sẻ.

Một câu hỏi đang được đặt ra: nếu ngành quản lý bao cấp hoặc cho ưu đãi đặc biệt về mức phí để các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn, việc thu hút khán giả tới rạp liệu có khả thi? Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, cho rằng đó là câu chuyện “khó” trong thời gian đầu. Tuy nhiên, nếu duy trì được một “điểm hẹn” quen thuộc để khán giả Thủ đô và du khách quốc tế tìm đến với nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật truyền thống, cộng cùng việc chú trọng tới quảng bá truyền thông và hợp tác cùng du lịch, mọi thứ sẽ dần có sự chuyển biến tích cực trong tương lai.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm