Điền kinh Nga sau bê bối doping: Đứng dậy, hay sụp ngã tiếp?

25/07/2016 05:36 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Lệnh cấm không cho các VĐV điền kinh Nga tham dự Olympic Rio 2016 tại Brazil đã được tuyên giữ nguyên ngày thứ Năm sau những cáo buộc Nga đã thực hiện một chương trình sử dụng và bao che cho việc sử dụng chất bị cấm quy mô lớn với sự hỗ trợ từ chính quyền.

Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) phán quyết giữ nguyên lệnh cấm của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) trước đó với các VĐV điền kinh. Sự vắng mặt ở sân chơi đẳng cấp toàn cầu này tất nhiên là một bước lùi lớn với bất cứ nền thể thao nào, nhưng cái giá thực tế là gì, và liệu nền thể thao hàng đầu thế giới Nga có thể đứng lên được từ cú sốc này hay không?

Vận rủi của các nhà vô địch

Một trong những ngôi sao thể thao lớn nhất của nước Nga mất cơ hội tranh tài ở Olympic năm nay là nhà VĐTG môn nhảy sào Yelena Isinbayeva, người 2 lần giành HCV Olympic và hiện giữ kỷ lục thế giới nhảy sào nữ.

Isinbayeva được công nhận rộng rãi là nữ VĐV nhảy sào vĩ đại nhất mọi thời. Cô đã chỉ trích dữ dội lệnh cấm của IOC với Nga. Ở tuổi 34, Rio 2016 nhiều khả năng là Thế vận hội cuối cùng của cô. Isinbayeva là 1 trong 68 VĐV Nga bị IOC cấm thi đấu theo phán quyết của CAS, dù cô khẳng định mình hoàn toàn trong sạch. Isinbayeva bình luận trên hãng tin nhà nước Nga Tass rằng phán quyết của CAS là “tang lễ cho điền kinh”, và là một “quyết định hoàn toàn mang tính chính trị”.

Một gương mặt đang nổi lên hy vọng sẽ có huy chương ở Rio 2016 là Sergey Shubenkov, người đã giành HCV nội dung 110 mét rào ở Giải VĐTG Bắc Kinh 2015. Lệnh cấm này xảy ra đúng vào đỉnh cao sự nghiệp thể thao của anh, một sự nghiệp trước giờ không dính líu gì tới doping. Ngay cả ở các giải quốc nội trong mùa giải điền kinh này, Shubenkov cũng đã cho thấy thành tích tốt hơn hẳn đối thủ chính của anh cho tấm HCV Olympic, Orlando Ortega của Cuba.

Tuy nhiên, một số VĐV Nga có thể thi đấu dưới lá cờ trung lập của IOC nếu họ đáp ứng được một số đòi hỏi nhất định, chẳng hạn như được xét nghiệm liên tục âm tính ở nước ngoài. VĐV chạy 800 mét Yuliya Stepanova, cũng nổi tiếng vì lên tiếng chỉ trích chính các VĐV Nga là gian dối trong xét nghiệm chất cấm, và VĐV nhảy xa xinh đẹp Darya Klishina, hiện đang sống ở Mỹ.

Ảnh hưởng với các hợp đồng tài trợ

Các ngôi sao điền kinh có thể mất rất nhiều về mặt tài chính vì lệnh cấm của IOC. Không được tranh tài ở Olympic Rio có thể khiến họ mất các khoản thu nhập từ nhà tài trợ, hay tệ hơn, bị cắt hợp đồng hoàn toàn. Alun James, một chuyên gia về tài trợ thể thao và giám đốc công ty tư vấn Four Communications, đã phân tích tỉ mỉ các hợp đồng và cho biết, “Một số VĐV có thể có những điều khoản giảm bớt thu nhập của họ nếu không tranh tài ở Olympic, và khiến họ khó có cơ hội xuất hiện trên những nội dung có tính chất quảng cáo hơn. Các VĐV cũng mất tiền vì không được nhận những khoản thưởng theo thành tích ở Olympic”.

Tuy nhiên, thể thao Nga cũng được nhà nước đầu tư rất mạnh tay, và điều này nhiều khả năng không thay đổi bất chấp vụ bê bối doping. Giáo sư David Carter, chuyên gia về kinh doanh thể thao ở Đại học Southern California đã vạch ra tương lai của những hợp đồng tài trợ thương mại với thể thao Nga, “Một số nhà tài trợ cụ thể, như các thương hiệu thể thao, đòi hỏi rất cao tính chính đáng và tin cậy của các VĐV, nhưng những nhà tài trợ như công ty xe hơi hay hãng tài chính ít quan tâm hơn”.

Adidas, công ty thể thao, và Nestle, các sản phẩm sữa và hóa-thực phẩm, đã chấm dứt các thỏa thuận của họ với Liên đoàn Điền kinh Quốc tế trong năm nay do những vụ bê bối doping. Có lẽ vấn đề lớn nhất là tổn thất uy tín. Không tranh tài ở Rio 2016, theo Carter, là “một tổn thất lớn” có thể khiến sự nghiệp nhiều VĐV Nga chựng lại. Tuy nhiên, lệnh cấm có lẽ sẽ không ảnh hưởng tới những thế hệ VĐV Nga trẻ tuổi hơn. James giải thích, “Vụ bê bối doping là một đòn đau với thể thao Nga. Nhưng với mức độ liên hệ giữa thể thao với chủ nghĩa dân tộc ở Nga, điều đó sẽ không thể làm nản chí những VĐV trẻ”.

Carter thậm chí còn cho rằng lệnh cấm sẽ khiến thể thao Nga quyết tâm hơn. “Nhiều VĐV sẽ nghĩ nước Nga bị đối xử bất công”, Carter giải thích. “Họ sẽ muốn chiến thắng ở những sân chơi mang tính toàn cầu, và muốn chứng tỏ họ không dễ để người khác bắt nạt”.

Bóng ma doping ở TVH

2 kỳ Olympic mùa Hè gần đây nhất, ở Bắc Kinh 2008 và London 2012, cũng là 2 đại hội mà IOC phát hiện nhiều vụ vi phạm doping nhất. Cụ thể:

London 2012 47 vụ

Bắc Kinh 2008 79

Athens 2004 26

Sydney 2000 11

Atlanta 1996 2

Barcelona 1992 5

Seoul 1988 10

Los Angeles 1984 12

Moskva 1980 0

Montreal 1976 11

Munich 1972 7

Mexico City 1968 1


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm