02/02/2022 07:30 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Trong năm qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các thầy cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn hàng ngày, hàng giờ nỗ lực đưa tri thức đến với học sinh, bằng nhiều cách thức khác nhau để việc học không bị gián đoạn.
Nhân dịp đầu Xuân năm mới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, chia sẻ về những việc đã làm được trong năm 2021 cũng như kỳ vọng về một năm mới dịch bệnh qua nhanh để các hoạt động giáo dục trở lại bình thường. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
* Phóng viên: Năm 2021 là năm ngành Giáo dục gặp vô vàn khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhìn lại một năm qua, Bộ trưởng có thể khái quát về những việc đã làm được của ngành và những điều còn “tiếc nuối”?
* Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn và thử thách với ngành giáo dục khi triển khai nhiệm vụ trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Trong bối cảnh ấy, ngành giáo dục vừa phải hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm học, vừa phải triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến ngành.
Các nhiệm vụ cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đề ra và đảm bảo yêu cầu về chất lượng giảng dạy và học tập. Những quyết sách của ngành nhằm triển khai kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng với dịch bệnh, đồng thời, trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch và hoạt động dạy học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm, trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về kiến thức, kỹ năng mà người học cần phải đạt được. Ngành Giáo dục đã triển khai linh hoạt, đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid -19; chủ động các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục cũng như điều kiện thực tế của học sinh.
Trong đó, có thể kể đến một số kết quả như: Ban hành các chính sách chỉ đạo, hướng dẫn ứng phó với dịch bệnh; hướng dẫn triển khai năm học đảm bảo chất lượng và an toàn; triển khai dạy và học thích ứng với điều kiện dịch bệnh; triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6, chuẩn bị điều kiện triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; tổ chức các đoàn học sinh tham dự Olympic quốc tế và khu vực;… đều đã hoàn thành với kết quả tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh vừa phải ứng phó với dịch bệnh, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ năm học đặt ra, các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo và đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả trên cơ sở bám sát văn bản đề nghị, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Rất nhiều các thầy cô giáo đã chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, tích cực phối hợp hiệu quả với gia đình và học sinh để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học.
Những thành quả đáng ghi nhận trong năm học vừa qua có được là sự nỗ lực của từng học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành của các bậc phụ huynh và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và trong một năm khó khăn của giáo dục nói riêng. Những nỗ lực, hỗ trợ, đồng hành này là rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, năm 2021 công tác xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao vẫn còn những bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa bám sát điều kiện và khả năng thực hiện. Một số hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến; hoạt động học trực tuyến, dạy học qua sóng truyền hình đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp nhiều khó khăn. Tự chủ đại học còn chưa thống nhất và đồng bộ dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng… Bên cạnh đó, không ít việc mà ngành Giáo dục mong muốn làm nhưng điều kiện khách quan chưa làm được hoặc kết quả chưa như kỳ vọng. Ngoài ra, cũng còn những việc là nhiệm vụ lâu dài, không thể giải quyết trong một năm. Vì vậy, ngành Giáo dục còn nhiều việc phải làm trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
* Phóng viên: Có thể thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của một bộ phận giáo viên? Trong năm mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất gì nhằm hỗ trợ giáo viên yên tâm công tác, thưa Bộ trưởng?
* Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh khó khăn về dạy và học, những khó khăn về tài chính, thu nhập, mất việc… cũng đang tác động rất nặng nề đến hệ thống giáo dục cả công lập và tư thục. Riêng hệ thống giáo dục mầm non tư thục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ sở phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều lao động mất việc làm và có khoảng 1,2 triệu cháu nguy cơ không có chỗ học.
Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị, đề xuất tới Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục và giáo viên. Trong đó, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ người lao động và cơ sở giáo dục, với trị giá hơn 800 tỷ đồng.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung theo quy định của Chính phủ, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ tài chính đặc thù cho ngành Giáo dục. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét, bố trí nguồn kinh phí để ngành Giáo dục chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học.
* Phóng viên: Vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ một số nhiệm vụ ưu tiên của ngành giáo dục trong năm 2022?
* Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2022, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, ưu tiên triển khai một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo ứng phó với dịch Covid-19, củng cố chất lượng, khắc phục các tác động của dịch bệnh đối với ngành giáo dục. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; rà soát Luật Giáo dục đại học.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, đảm bảo ổn định, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục đại học.
Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt.
Tiếp tục triển khai thực hiện tự chủ đại học; tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến.
Trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.
Ngành Giáo dục cũng sẽ quan tâm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên.
* Phóng viên: Nhân dịp đón Xuân mới Nhâm Dần, Bộ trưởng có điều gì muốn nhắn nhủ với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước?
* Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Điều kỳ vọng, mong mỏi lớn nhất của tôi và cũng là của toàn ngành ở thời điểm này là dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để học sinh sớm được trở lại trường học, các hoạt động giáo dục sớm trở lại bình thường.
Năm 2022 là một năm có nhiều nhiệm vụ đặt ra với ngành và sẽ tiếp tục là một năm nhiều khó khăn và thử thách. Tôi mong rằng, các thầy cô giáo, các em học sinh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đồng thời ứng phó và thích nghi an toàn trước dịch bệnh.
Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần, tôi xin gửi tới các thầy cô giáo, các cán bộ, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên lời chúc mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc và thành công!
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Việt Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất