17/01/2022 08:21 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày ngày 15/1 đến 16 giờ ngày 16/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.684 ca mắc mới, trong đó 41 ca nhập cảnh và 15.643 ca ghi nhận trong nước (giảm 662 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 11.196 ca trong cộng đồng).
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 68 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (27 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (30 ca), Đà Nẵng (3 ca), Thanh Hóa, Khánh Hòa (mỗi địa phương 2 ca), Long An, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng (mỗi địa phương 1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (351 ca), Đắk Lắk (215 ca), Thái Nguyên (80 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (221 ca), Hà Nội (172 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (150 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 9.326 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.727.290 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.113 ca. Ngày 16/1 ghi nhận 129 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 184 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.609 ca, chiếm 1,8% so với tổng số ca mắc.
Hà Nội có trạm y tế online đầu tiên
Ngày 16/1, Hà Nội ghi nhận thêm 2.983 ca F0, phân bố tại 409 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như Đống Đa có 191 ca; Hoàng Mai có 186 ca; Thanh Trì có 156 ca; Đông Anh có 123 ca; Thanh Xuân có 116 ca; Hai Bà Trưng có 135 ca.
Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 91.370 ca. Để truyền tải thông tin tới người bệnh nhanh nhất, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) vừa ra mắt mô hình "Trạm y tế online" (trực tuyến) đầu tiên tiếp nhận thông tin qua Facebook. Đây là mô hình "Trạm y tế online" đầu tiên tại Thủ đô.
Mô hình này áp dụng mạng xã hội Facebook để truyền tải nhanh nhất thông tin y tế đến người dân; đồng thời, fanpage này cũng được kết nối các tài khoản mạng xã hội Zalo từ Ủy ban nhân dân phường đến các tổ dân phố trong công tác phòng, chống dịch. Địa chỉ chính thức của fanpage Facebook: Trạm Y Tế Online - Phường Trúc Bạch.
Chăm sóc sức khỏe người dân hậu mắc COVID-19
Ngày 16/1, tại Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc COVID-19 với Chủ đề “Sức khoẻ nhân dân - Nụ cười thầy thuốc”.
Bác sỹ Huỳnh Nguyễn Lộc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông Y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với phương châm “Sức khoẻ nhân dân - Nụ cười thầy thuốc”, chương trình mong muốn chia sẻ, đem lại niềm vui, những gì tốt nhất có thể cho sức khỏe người dân hậu COVID-19. Chương trình diễn ra từ ngày 16/1 đến ngày 29/4, được chia làm 2 giai đoạn với mục tiêu khám, tầm soát bệnh và sàng lọc, tư vấn tâm lý cho 12.000 người. Trong đó có 6.000 người là đảng viên cao tuổi, các gia đình có công với cách mạng, các lực lượng tuyến đầu; 6.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Đây là chương trình miễn phí các hoạt động khám bệnh tầm soát, sàng lọc, tư vấn tâm lý hậu COVID-19, chụp X-Quang tim phổi, đo điện tim (ECG), siêu âm. Đặc biệt người đến thăm được tặng quà và các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu; được hướng dẫn biện pháp nâng cao thể trạng như tự xoa bóp, dưỡng sinh, ăn uống… và các biện pháp theo dõi sức khỏe, phòng ngừa tái nhiễm.
Theo thống kê của Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, hơn 80% bệnh nhân F0 đều có hội chứng hậu COVID-19. Đặc biệt, một số trường hợp có hiện tượng bị xơ phổi có thể phục hồi được mất dần theo thời gian hoặc kéo dài vài tháng và cũng có thể trở thành xơ hóa vĩnh viễn. Nhìn chung, các hội chứng hậu COVID-19 xuất hiện khi bệnh nhân nằm viện từ 3-6 tháng sau khi bệnh nhân âm tính trở lại, hoặc điều trị tại nhà.
Trong bối cảnh ghi nhận nhiều bệnh nhân có di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần sau khi mắc COVID-19, nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, quận Hoàng Mai, Hà Nội…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.
Vào đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Tình trạng này có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
WHO ước tính 10 - 20% bệnh nhân COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất