18/02/2022 14:19 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Quan hệ vốn đã chồng chất căng thẳng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục bị đẩy lên nấc thang mới khi Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ra tuyên bố sẽ triển khai xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng tại Đông Âu.
* Khủng hoảng từ ý thức hệ
Sau khi Liên Xô giải thể năm 1991, theo cương lĩnh của NATO, tổ chức này không còn lý do tồn tại. Tuy nhiên, với tham vọng toàn cầu, Mỹ và các nước phương Tây đã tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của khối này với chiến lược "Đông tiến", mở rộng vùng ảnh hưởng của mình sang phía lãnh địa cũ của khối Xô Viết. Trong vòng 20 năm, Nga đã chứng kiến 14 nước từng trong trường ảnh hưởng của mình nhiều thập kỷ, lần lượt gia nhập NATO ở các mức độ khác nhau.
Với việc mở rộng kết nạp thành viên, NATO đã triển khai các kế hoạch đưa vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự đến các nước ở Đông Âu và thiết lập các cơ sở của Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại các nước Đông Âu giáp biên giới Nga với lý do đối phó với những bất ổn về an ninh ở phía Đông. Kế hoạch mở rộng về phía Đông của NATO bị Nga phản đối coi như một hành động tạo ra "cuộc khủng hoảng sâu sắc và có hệ thống".
Giữa Nga và NATO cũng đã có một lịch sử lâu dài về những cuộc chạm trán trên Biển Baltic và Biển Đen. Trong khi NATO mở các cuộc diễn tập quân sự lớn tại vùng Baltic dưới danh nghĩa hằng năm thì Nga triển khai một lực lượng hải quân đáng kể tại Biển Đen. Ngoài ra, NATO cũng tạo ra một liên minh gây sức ép với Nga bằng các lệnh trừng phạt, thu hẹp ảnh hưởng của Nga ở khu vực.
Quan hệ Nga-NATO rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau sự kiện Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. NATO đã đình chỉ mọi hoạt động hợp tác thiết thực với Moskva từ tháng 4/2014 sau sự kiện trên.
Cũng kể từ năm 2014, đại diện NATO đã không tham dự các hội nghị an ninh quốc tế do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức. Hoạt động của Hội đồng Nga-NATO, cơ chế tham vấn, hợp tác, cùng đưa ra các quyết sách và hành động chung giữa NATO và Nga thành lập từ năm 2002, cũng bị gián đoạn từ tháng 6-2014 trước khi được tái khởi động vào năm 2016.
Hơn nữa, việc Nga cho rằng Ukraine tìm cách và khẳng định nguyện vọng gia nhập liên minh quân sự phương Tây được nêu ra trong Hiến pháp là ưu tiên của quốc gia này là "lằn ranh đỏ" không được phép vượt qua vì điều này đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia Nga.
* Căng thẳng leo thang do vấn đề Ukraine
Căng thẳng trong quan hệ Nga-NATO leo thang trong thời gian gần đây khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Mỹ và các đồng minh NATO đồng loạt cảnh báo rằng nếu Nga sử dụng vũ lực với Ukraine, các nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc nhất khiến Nga phải trả "giá đắt”.
Tuy nhiên, phía Nga luôn bác bỏ và cho rằng đây là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa với bất cứ quốc gia nào. Moskva cũng cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Giữa tháng 12/2021, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố hai bản dự thảo thỏa thuận về bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý với Mỹ và NATO, đặc biệt là về việc không mở rộng NATO và không triển khai vũ khí ở Đông Âu. Ngày 26/1 vừa qua, NATO đã gửi phản hồi chính thức về những đề xuất mà Nga đưa ra về vấn đề đảm bảo an ninh ở châu Âu.
Theo đó NATO đã tìm cách minh bạch về việc triển khai quân ở Đông Âu để “tránh tính toán sai lầm hoặc leo thang và cũng để gửi một thông điệp rất rõ ràng đến Nga rằng NATO sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ”. Phía Nga cho biết phản hồi của NATO đối với các yêu cầu an ninh của Moskva mang lại hy vọng để bắt đầu các cuộc đối thoại nghiêm túc, song chỉ liên quan đến các vấn đề thứ yếu, không phải vấn đề căn bản.
Trong khi đó, việc chuyển quân từ vùng Viễn Đông của Nga sang Belarus không chỉ làm gia tăng đáng kể mối đe dọa sắp xảy ra đối với Ukraine mà còn khiến các thành viên NATO ở Đông Âu ngày càng lo lắng. Trong một động thái nhằm tăng cường lực lượng phòng thủ của khối NATO ở sườn phía Đông, hôm 11/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo triển khai thêm 3.000 binh sĩ đến Đông Âu, gia nhập lực lượng cùng với khoảng 2.000 lính dù khác được công bố triển khai hôm 2/2.
Các đồng minh NATO cũng đặt các lực lượng trong tình trạng trực chiến và tiếp tục củng cố lực lượng ở vùng Đông Âu, điều động thêm các tàu và máy bay chiến đấu đến vùng này. Ngày 16/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các quan sát viên quân sự thuộc các quốc gia thành viên NATO bao gồm Anh và Ba Lan đã có mặt tại thực địa để quan sát các lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành cuộc tập trận ở miền Tây nước này.
Các cuộc diễn tập là một phần của cuộc tập trận quy mô lớn Zametil 2022 (Bão tuyết 2022) được triển khi Ukraine chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra sau khi Nga tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới với nước này.
* NATO triển khai xây dựng kế hoạch tăng cường lực lượng tại Đông Âu
Quan hệ Nga-NATO tiếp tục trở nên căng thẳng khi tại cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO diễn ra trong hai ngày 16 và 17/2 tại thủ đô Brussels (Bỉ), Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cho biết, liên minh này đã yêu cầu các chỉ huy quân sự của mình xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc triển khai những nhóm tác chiến tới sườn Đông Nam của khối để đối phó với việc Nga tăng cường quân sự trên biên giới Ukraine.
Phát biểu với báo chí tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO kéo dài 2 ngày ở Brussels, ông Stoltenberg nói: “Các bộ trưởng đã quyết định phát triển những lựa chọn để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của NATO tại Trung, Đông và Đông Nam châu Âu. Giờ thì các chỉ huy quân sự của chúng tôi sẽ bắt tay vào các nội dung chi tiết và báo cáo lại trong vòng vài tuần tới”.
Các nhà phân tích nhận định, NATO và Nga luôn trong tình trạng dè chừng nhau và cách tiếp cận này đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra những sự cố do tính toán sai lầm và gây ra hậu quả không mong muốn.
Nếu không có đối thoại về cách quản lý giảm leo thang, tình hình hiện nay sẽ giống như thể Nga và NATO đang gặp phải cơn gió mùa nhưng chỉ có những tờ báo giấy để che đầu. Ngoại giao là lựa chọn tốt nhất để giải quyết căng thẳng hiện nay thay vì những lời đe dọa làm gia tăng đối đầu, vì môi trường an ninh ổn định chung có lợi cho tất cả các bên.
Thanh Lâm (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN]
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất