21/01/2022 23:15 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hải Dương: Mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca mắc COVID-19, thêm một bệnh nhân 80 tuổi tử vong
Ca bệnh tử vong là bệnh nhân 80 tuổi, trú tại TP. Chí Linh, là F1 của bệnh nhân V.T.G và được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 8/1/2022.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hải Dương ghi nhận hàng trăm ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở các huyện, thị xã, thành phố và chưa có dấu hiệu giảm. Tại mỗi địa phương đều có các ổ dịch, ca mắc trong cộng đồng và sàng lọc cộng đồng.
Riêng ngày hôm nay (21/1), Hải Dương tiếp tục có 341 ca mắc mới ở 9 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố. Trong đó, 203 trường hợp là F1, 44 bệnh nhân ho sốt cộng đồng, 79 trường hợp cộng đồng và 15 ca về từ các tỉnh khác.
Đáng chú ý, trong ngày trên địa bàn có thêm 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong. Trường hợp này là cụ già 80 tuổi, trú tại Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ (TP. Chí Linh), là F1 của bệnh nhân V.T.G và được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 8/1/2022.
Sau đó, trường hợp này được điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh. Đến 14/1, ca bệnh nói trên chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Phổi Hải Dương và vào lúc 12h36 hôm nay, bệnh nhân tử vong tại viện.
Như vậy, đến ngày hôm nay, tỉnh Hải Dương đã có 9 trường hợp mắc COVID-19 tử vong. Gồm: huyện Bình Giang 1 ca, TP. Chí Linh 2 ca, huyện Nam Sách 1 trường hợp, huyện Gia Lộc 3 bệnh nhân và 2 ca tại huyện Thanh Miện.
Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, trong số những ca mắc được ghi nhận trong ngày 21/1, TP. Hải Dương có bệnh nhân nhiều nhất với 75 trường hợp. Cụ thể: 10 ca ho sốt cộng đồng, 19 trường hợp cộng đồng, 4 ca vùng dịch và 42 trường hợp là F1.
Đối với các ổ dịch trên địa bàn: Công ty TNHH thiết bị Liên Đại, KCN Đại An (phường Tứ Minh), công ty Nam Yang Delta – KCN Đại An (phường Tứ Minh), công TNHH PNG Việt Nam – KCN Cẩm Thượng đều ghi nhận ca mắc mới và trong ngày có thêm ổ dịch mới phát sinh tại công ty TNHH may Phương Oanh (xã Ngọc Sơn) với 5 ca mắc.
Tại huyện Bình Giang, ngày hôm nay có thêm 64 ca mắc ở 8 xã và 1 thị trấn. Trong đó có 9 ca ho sốt cộng đồng, 38 bệnh nhân cộng đồng và 17 trường hợp là F1. Riêng ổ dịch Công ty TNHH Vietstar - Bình Minh ghi nhận 43 bệnh nhân và ổ dịch thị trấn Kẻ Sặt có thêm 7 ca mắc mới.
Hà Nam ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất từ đầu năm đến nay
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận từ 50 đến 100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Tối 21/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam công bố thêm 129 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 93 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế; các trường hợp còn lại ghi nhận ở khu cách ly tập trung và tại nhà.
Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận từ 50 đến 100 ca mắc mới (riêng ngày 21/1 ghi nhận số F0 cao nhất). Theo nhận định của CDC Hà Nam, dịp Tết cổ truyền nguy cơ số ca tiếp tục tăng là rất cao do việc giao thương, đi lại tăng, con em từ ngoài tỉnh về quê ăn Tết, gặp gỡ, tiệc tùng…
Luỹ kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 4.297 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.
Trong số đó, 1.578 trường hợp phát hiện ở khu phong tỏa, tại nhà; 1.859 trường hợp qua sàng lọc tại các cơ sở y tế; 805 trường hợp phát hiện tại các khu cách ly và 55 trường hợp tại cộng đồng.
Ông Trần Đức Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, phụ trách Bệnh viện Dã chiến cho biết, số bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội tăng cao nên các bệnh viện điều trị F0 tuyến trung ương rất hạn chế nhận bệnh nhân chuyển tuyến. Là cơ sở điều trị F0 tuyến chuyên môn cao nhất ở tỉnh, Bệnh viện Dã chiến sẵn sàng các điều kiện để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Bệnh viện luôn thực hiện theo dõi sát tình hình bệnh nhân, can thiệp y tế sớm để tránh diễn biến nặng, hạn chế thấp nhất chuyển tuyến.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm túc 5K, ngành y tế tỉnh Hà Nam cũng chủ động các phương án nếu số F0 tăng cao trong dịp Tết. Về việc điều trị F0, tiếp tục triển khai cho F0 thể nhẹ điều trị tại nhà. Những F0 có bệnh nền, cao tuổi, phụ nữ mang thai, chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, F0 có triệu chứng sẽ được đưa đến các cơ sở thu dung, điều trị F0 cấp huyện, thị xã, thành phố, các TTYT hoặc chuyển lên tuyến chuyên môn kỹ thuật cao hơn.
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã cấp cho 6 TTYT tổng số 1.000 túi thuốc để cấp phát cho các F0 điều trị tại nhà và tại cơ sở thu dung, điều trị F0.
Hà Nội: Giảm 4 quận “Vùng cam” về cấp độ dịch
Sáng 21/1, UBND thành phố Hà Nội ban hành thông báo mới đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Thủ đô. Theo đó, UBND thành phố thông báo cấp độ dịch tại thành phố với 2 tiêu chí: Tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vaccin. Theo phân cấp độ dịch mới, thành phố Hà Nội thuộc cấp độ 2.
Thành phố còn 4 quận, huyện ở "vùng cam" gồm: Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Chương Mỹ. Như vậy, so với thông báo trước đây 1 tuần, Hà Nội có thêm huyện Chương Mỹ chuyển từ "vùng vàng" sang "vùng cam", nhưng giảm được 4 quận là Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Long Biên (các quận này sẽ chuyển về "vùng vàng"). Thành phố có 26 quận, huyện, thị xã ở "vùng vàng", không có đơn vị nào thuộc "vùng xanh".
Về cấp xã, phường, thành phố Hà Nội có 43 địa phương "vùng xanh", giảm 11 đơn vị so với thông báo trước; 377 đơn vị ở "vùng vàng", 158 đơn vị ở "vùng cam".
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 20/1 đến 18 giờ ngày 21/1/2021, Hà Nội ghi nhận 2.805 ca F0, phân bố tại 385 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm có 122 ca; Hoàng Mai có 112 ca; Đống Đa có 106 ca…
Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 105.861 ca.
Ngày 21/1: Có 15.935 ca COVID-19, Hà Nội vẫn nhiều nhất; Việt Nam ghi nhận 133 ca nhiễm Omicron
Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 21/1 cho biết có 15.935 ca mắc COVID-19 tại 62 tỉnh, thành phố; Hà Nội vẫn tiếp tục nhiều nhất; Đến nay, Việt Nam ghi nhận 133 ca COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 20/01 đến 16h ngày 21/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.935 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 15.901 ca ghi nhận trong nước (giảm 736 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.912 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.805), Đà Nẵng (964), Hải Phòng (796), Hưng Yên (685), Bến Tre (618), Thanh Hóa (509), Quảng Ngãi (482), Bình Phước (475), Bình Định (420), Bắc Ninh (418), Quảng Ninh (369), Khánh Hòa (346), Quảng Nam (344), Hải Dương (341), Cà Mau (319), Bắc Giang (299), Vĩnh Phúc (280), Thừa Thiên Huế (280), Thái Nguyên (268), Vĩnh Long (263), Trà Vinh (240), Tây Ninh (237), Nghệ An (233), Lâm Đồng (231), TP. Hồ Chí Minh (227), Nam Định (223), Phú Thọ (209), Hòa Bình (208), Thái Bình (187), Ninh Bình (151), Lào Cai (134), Tuyên Quang (129), Hà Nam (128), Bà Rịa - Vũng Tàu (127), Điện Biên (115), Bạc Liêu (113), Lạng Sơn (112), Đắk Nông (101), Gia Lai (99), Sơn La (99), Hà Giang (99), Bình Dương (95), Quảng Bình (90), Hậu Giang (87), Phú Yên (84), Yên Bái (84), Đồng Tháp (81), Kon Tum (73), Kiên Giang (72), Bình Thuận (71), Cần Thơ (61), Quảng Trị (56), Sóc Trăng (55), Hà Tĩnh (52), Đồng Nai (51), Cao Bằng (51), An Giang (39), Ninh Thuận (31), Tiền Giang (28), Long An (22), Lai Châu (22), Bắc Kạn (13).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Khánh Hòa (-233), Bình Định (-101), Trà Vinh (-92).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hưng Yên (+56), Hải Phòng (+50), Phú Thọ (+45).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 133 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (12), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (65), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.110.737 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.386 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.104.196 ca, trong đó có 1.794.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (512.422), Bình Dương (292.400), Hà Nội (102.715), Đồng Nai (99.581), Tây Ninh (86.790).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.256 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.797.180 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.567 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.082 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 739 ca
- Thở máy không xâm lấn: 132 ca
- Thở máy xâm lấn: 594 ca
- ECMO: 20 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 20/01 đến 17h30 ngày 21/01 ghi nhận 177 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (8 ) trong đó có 1 ca từ Long An chuyển đến.
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (33 ca trong 02 ngày), Đồng Nai (21 ca trong 02 ngày), Sóc Trăng (14 ca trong 02 ngày), Vĩnh Long (13), Đồng Tháp (9), Kiên Giang (8 ), Cần Thơ (8 ), Huế (7), An Giang (7), Tiền Giang (7), Hải Phòng (6 ca trong 02 ngày), Bến Tre (4), Hậu Giang (4), Bình Phước (3), Tây Ninh (3), Bình Dương (3), Bạc Liêu (3), Cà Mau (3), Bình Định (2), Lâm Đồng (2), Ninh Bình (2), Bắc Ninh (1), Quảng Ninh (1), Trà Vinh (1), Hải Dương (1), Hà Giang (1), Đà Nẵng (1), Bình Thuận (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 157 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.443 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.776.560 mẫu tương đương 76.629.452 lượt người, tăng 56.954 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 20/01 có 1.151.381 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 173.708.365 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.752.251 liều, tiêm mũi 2 là 73.571.085 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 21.385.029 liều.
Hà Nội: 2.805 ca mới, hơn 65.000 F0 đang điều trị
Bản tin COVID-19 Hà Nội ngày 21/1 do Sở Y tế phát đi tối nay cho thấy 24 giờ qua TP ghi nhận 2.805 ca bệnh mới, trong đó có 622 ca cộng đồng. Toàn thành phố có hơn 65.000 F0 đang điều trị.
Hơn 2.800 ca COVID-19 mới ở Hà Nội phân bố tại 385 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (122); Hoàng Mai (112); Đống Đa (106); Thanh Trì (98); Bắc Từ Liêm (95); Nam Từ Liêm (93).
Từ 29/4 đến nay Hà Nội ghi nhận 105.861 ca với 425 ca tử vong. 3 ngày gần đây, số ca tử vong do COVID-19 ở Hà Nội ghi nhận 16-23 ca/ngày.
Hiện toàn thành phố có 65.185 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (138 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.443).
Ngoài ra, các cơ sở thu dung điều trị thành phố và cơ sở thu dung quận, huyện có khảong 6.500 ca, gần 55.000 F0 theo dõi cách ly tại nhà.
Hiện TP đã tiêm 233.858 mũi vaccine bổ sung và 1.716.454 mũi nhắc lại cho người dân trên địa bàn.
Đà Nẵng: Thêm 964 ca Covid-19, có 101 ca cộng đồng là tiểu thương
Chiều 21/1, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận 964 ca Covid-19. Trong đó có 611 ca cộng đồng, 333 ca cách ly tại nhà, 16 ca trong khu phong tỏa và 4 ca đã cách ly tập trung.
Cụ thể, 611 ca cộng đồng gồm: 331 ca tự đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm; 124 ca tự test nhanh dương tính được các trạm y tế lấy mẫu; 31 ca có triệu chứng được trạm y tế lấy mẫu; 11 ca xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; 13 ca về từ các tỉnh.
Đáng chú ý, qua lấy mẫu tiểu thương các chợ trên địa bàn gồm: chợ Cẩm Lệ, chợ Mới, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Miếu Bông, chợ Quang Thành - phát hiện tổng cộng 101 ca cộng đồng. Trong đó, chợ Cẩm Lệ có 58 ca, chợ Hàn 15 ca, chợ đầu mối Hòa Cường 10 ca.
Quận Cẩm Lệ là địa phương ghi nhận số ca Covid-19 nhiều nhất với 244 ca, tiếp đó là quận Liên Chiểu 194 ca. Quận Sơn Trà 151 ca, quận Thanh Khê 137 ca, quận Hải Châu 119 ca, quận Ngũ Hành Sơn 58 ca, huyện Hòa Vang 47 ca. Ngành y tế nhận định, 835/964 ca có khả năng lây lan cho cộng đồng.
Cộng dồn từ ngày 1/1 đến nay, TP Đà Nẵng ghi nhận 12.039 ca Covid-19.
Liều tiêm thứ 3 của vaccine Moderna bằng nửa liều cơ bản
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharma Việt Nam về việc tiêm liều vaccine Spikevax (tên khác: COVID-19 vaccine Moderna).
Tại văn bản này, Cục Quản lý Dược cho biết đã nhận được văn bản và hồ sơ, tài liệu kèm theo của Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharm Việt Nam về việc đề nghị tiêm liều tăng cường (liều thứ 3) của vaccine Spikevax.
Căn cứ kết luận của Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý Dược có ý kiến đồng ý với đề nghị của chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharm Việt Nam về việc đề nghị tiêm liều tăng cường (liều thứ 3) của vaccine Spikevax theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất vaccine.
Hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine Spikevax cho biết, đối với liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên, vaccine này được sử dụng theo liệu trình gồm 2 liều 100mcg (mỗi liều 0,5ml), khuyến cáo tiêm liều thứ hai, 28 ngày sau liều đầu tiên.
Đối với liều thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, một liều bổ sung (0,25ml, chứa 50mcg mNRA, bằng một nửa liều cơ bản) của Spikevax.
Cục Quản lý Dược nêu rõ chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharm Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, an toàn đối với vaccine Spikevax lưu hành trên thị trường và có trách nhiệm thông báo ngay sự thay đổi đến Cục Quản lý Dược và các đơn vị có liên quan.
Liên quan đến vaccine Moderna, trước đó, ngày 12/12/2021, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn hướng dẫn mới nhất nêu rõ: Để sử dụng vaccine hợp lý, an toàn và hiệu quả vaccine do Moderna sản xuất, tiếp theo công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 và công văn số 7548/BYT-DP ngày 10/9/2021, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó.
Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Pfizer hoặc Astrazeneca sản xuất. Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vaccine do Pfizer sản xuất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách sau mũi 1 vaccine do Astrazeneca sản xuất theo công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế, cho đến nay, tổng số vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận 209,6 triệu liều từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ; đạt mục tiêu của Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine năm 2021. Bộ đã phân bổ 187,6 triệu liều; còn khoảng 22 triệu liều mới được tiếp nhận cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vaccine.
Bộ đã kịp thời phân bổ vaccine theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch...; ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động.
Sơn La chủ động ứng phó với biến chủng Omicron
Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND về ứng phó với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập và phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm tại tỉnh.
Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn, tỉnh Sơn La tăng cường giám sát kiểm dịch tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở và đối với các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu, đặc biệt tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới; siết chặt kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. Tỉnh tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc COVID-19 trước đó) và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Ngoài ra, tỉnh đẩy nhanh tiến độ vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại; tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn cho các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh sản xuất và khu vực tập trung đông người…
Từ ngày 5/10/2021 đến 7 giờ ngày 21/1, Sơn La đã phát hiện 2.796 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là công dân trở về từ các tỉnh đang có dịch, lây nhiễm thứ phát và tại cộng đồng; có 14.873 người đang theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe cộng đồng. Tỉnh đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 được 1.536.107 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên và 259.766 mũi cho trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 ngày một tăng, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương truy vết những trường hợp tiếp xúc gần (F1) để quản lý, cách ly và tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; đồng thời, khoanh vùng các địa điểm có nguy cơ cao và đánh giá cấp độ dịch tại địa phương để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt kịp thời tình hình dịch và thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch COVID -19, đặc biệt là nhóm các công dân đi làm ăn xa trở về địa phương...
Cứu sống bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 kèm vỡ túi phình mạch máu não nguy kịch
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa can thiệp nội mạch, cứu sống bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 kèm vỡ túi phình mạch máu não nguy kịch.
Theo đó, bệnh nhân nữ N.T.K.T (sinh năm 1983, ngụ tại Hậu Giang) nhập viện ngày 5/1 trong tình trạng huyết áp tăng cao, đau đầu nhiều, dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não ghi nhận bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện và túi phình động mạch thông trước, kích thước 4x4mm. Bệnh nhân còn có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị. Các bác sĩ tiến hành hồi sức nội khoa tích cực, ổn định huyết áp.
Ngày 14/1, bệnh nhân được chỉ định chụp và nút phình động mạch số xóa nền. Các bác sĩ đã thả 3 vòng xoắn kim loại (coil) bít hoàn toàn túi phình. Kỹ thuật diễn ra thành công sau 1 giờ can thiệp. Một tuần sau điều trị, hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không yếu liệt chi, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đồng thời quá trình điều trị COVID-19 đang tiến triển thuận lợi, được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Đột quỵ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hà Tấn Đức - Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Túi phình mạch máu não là hậu quả của quá trình suy yếu các lớp của thành mạch máu, dẫn đến hình thành phình mạch não. Biến chứng nguy hiểm của túi phình mạch não là vỡ túi phình gây xuất huyết dưới nhện với tỉ lệ tử vong lên đến 45-65%. Trong đó, khoảng 12% trường hợp tử vong ngay lập tức, khoảng 20% người còn sống vẫn phải cần sự trợ giúp của người khác trong các hoạt động thường ngày.
Vỡ phình động mạch não là một cấp cứu nội khoa với phương pháp điều trị tốt nhất là can thiệp nội mạch. Mục đích của can thiệp là thả coil vào túi phình, loại bỏ phình mạch ngăn chặn chảy máu tái phát do vỡ lại.
Trên một bệnh nhân mắc COVID-19, việc chẩn đoán và điều trị vỡ phình mạch não trở nên khó khăn hơn do các triệu chứng của vỡ phình mạch có thể bị che lấp bởi các triệu chứng của COVID-19. Bản thân việc mắc COVID-19 cũng làm xấu hơn tổng trạng của bệnh nhân, từ đó khiến tiên lượng khi vỡ phình mạch não của người bệnh xấu hơn những người không mắc COVID-19.
Việc phải đảm bảo điều trị nhanh chóng và chính xác phình mạch não để cứu sống người bệnh vừa phải đảm bảo công tác an toàn dịch tễ phòng, chống dịch COVID-19 đặt ra nhiều thử thách cho nhân viên y tế.
Tiếp tục thực hiện chế độ “trực chiến”, sẵn sàng cho mọi tình huống
Từ 16 giờ ngày 19/1 đến 16 giờ ngày 20/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.715 ca mắc mới, trong đó 78 ca nhập cảnh và 16.637 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 11.796 ca trong cộng đồng).
Ngành Y tế sẵn sàng cho mọi tình huống
Ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Gợi mở một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà ngành Y tế cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngành Y tế cần tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện chế độ “trực chiến”, sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện hiệu quả Kết luận 25 của Bộ Chính trị; triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá.
Tiếp tục triển khai “thần tốc, thần tốc hơn nữa” thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường; có phương án an toàn, hiệu quả mở cửa trường học trở lại; hoàn thành các mục tiêu được giao.
Tăng cường tự chủ trước hết là về thuốc, vaccine, các loại vật tư thiết yếu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước; nhanh chóng xem xét, công nhận vaccine, thuốc sản xuất trong nước đảm bảo nguyên tắc khoa học, an toàn, hiệu quả. Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong.
Có phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các địa bàn diễn biến phức tạp. Tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị F0; bảo đảm tất cả mọi người mắc COVID-19 đều được quản lý, theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp. Dự báo về các biến chủng mới của SARS-CoV-2 và sự xâm nhập vào Việt Nam. “Các biện pháp phòng, chống dịch phải thống nhất trên toàn quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ghi nhận 108 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 108 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (68 ca), Quảng Nam (27 ca), Đà Nẵng (3 ca), Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh (mỗi địa phương 2 ca), Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Hà Nội (mỗi địa phương 1 ca).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh trong số 68 ca mắc Omicron có 65 ca nhập cảnh và 3 ca cộng đồng. Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã rất trách nhiệm trong việc phát hiện, tổ chức truy vết các ca mắc Omicron cộng đồng. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện hoạt động phòng, chống dịch đã kích hoạt; truy vết, khoanh vùng dập dịch với trường hợp nhiễm mới; rà soát, sàng lọc đối tượng có nguy cơ và khi nghi ngờ cần giải mã trình tự gene để phát hiện sớm.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới, hoạt động phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được duy trì, tăng cường, đặc biệt là trong dịp lễ hội. Các bệnh viện dã chiến tại Thành phố đang tạm ngưng sẽ được tái kích hoạt ngay sau 24 giờ khi cần.
Đặc biệt, khu vực y tế ở sân bay Tân Sơn Nhất và Bệnh viện dã chiến số 12 – nơi thu dung, điều trị các trường hợp nghi ngờ và xác định nhiễm biến chủng Omicron sẽ hoạt động xuyên Tết, sẵn sàng ứng phó tình huống bùng dịch. Trong những ngày nghỉ Tết, Sở Y tế Thành phố điều phối nhân sự từ các bệnh viện khác tới hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 12.
Bên cạnh đó, quy trình giám sát chặt chẽ nguồn lây từ cửa khẩu nhập cảnh cho đến cộng đồng sẽ được tiếp tục duy trì trong dịp Tết nguyên đán. Theo đó, hành khách bắt buộc phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh, đồng thời phải xét nghiệm nhanh hai lần trước khi lên và xuống máy bay. Hành khách test nhanh tại sân bay có kết quả dương tính SARS-CoV-2 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gene virus.
Tại Ninh Thuận, mặc dù hiện nay toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron nhưng ngành Y tế tỉnh đã khẩn trương triển khai biện pháp giám sát, xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến chủng Omicron trên địa bàn; đồng thời phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang thực hiện giải trình tự gen trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đã xây dựng kịch bản ứng phó với biến chủng mới Omicron rất cụ thể gồm: trường hợp địa phương chưa có ca nhiễm, có ca nhiễm và trường hợp có từ 100 - 1.000 ca nhiễm trong cộng đồng.
Nếu trường hợp có ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, Ninh Thuận quyết liệt thực hiện kiểm soát, giám sát phòng chống dịch ngay từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa bàn dân cư. Đặc biệt, điều tra, truy vết tất cả trường hợp xác định hoặc nghi nhiễm và có tiếp xúc nguồn lây nhiễm biến chủng Omicron; thực hiện cách ly, giám sát đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, không để lây nhiễm chéo, lây lan trong cộng đồng...
Hà Nội vẫn là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước trong nhiều ngày qua với 2.884 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 103.056 ca.
Hiện Hà Nội đang nỗ lực triển khai tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi có bệnh nền, giảm từ con số 110.000 trường hợp chưa tiêm xuống còn trên 1.000 người.
Hà Nội đã triển khai tăng cường cho y tế cơ sở, thành lập các Trạm Y tế lưu động theo quy mô dân số, lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là “trung tâm". Trong công tác phòng chống dịch, Hà Nội tập trung vào "3 không": không nhiễm, không chuyển nặng, không tử vong, chủ động kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống.
Trong ngày, cả nước có 5.736 ca được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.794.924 ca. 4.591 bệnh nhân nặng đang điều trị.
152 ca tử vong đã được ghi nhận trong ngày, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam lên 36.266 ca, chiếm 1,7% so với tổng số ca mắc.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất