28/12/2021 23:28 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Theo dõi sát 5 trường hợp cùng chuyến bay với với ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Việt Nam
Chiều 28/12, PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, địa phương đang theo dõi sát sao và tiến hành lấy mẫu 5 trường hợp người Nghệ An cùng chuyến bay với ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Việt Nam.
5 trường hợp này có địa chỉ tại TP Vinh (2 người), 3 người còn lại ở các huyện Hưng Nguyên, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Đây là những công dân từ nước Anh về nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 19/12 và được cách ly tập trung 7 ngày. Sau khi hoàn thành cách ly, có kết quả âm tính, các công dân trở về địa phương vào ngày 26/12.
Hiện, cả 5 trường hợp này có sức khỏe ổn định, đang được theo dõi sức khỏe tại nhà. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục lấy mẫu RT-PCR đối với các trường hợp này.
Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện 108 tiếp nhận trường hợp là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12), hành khách có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện 108 và được cách ly ở phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú.
Với yếu tố dịch tễ trở về từ nước Anh, ngày 20/12, Bệnh viện đã giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới. Kết quả nghi ngờ nhiễm biển chủng Omicron. Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12, bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân.
Kết quả, hành khách đi cùng với 5 người Nghệ An nói trên được xác định mang biến chủng Omicron (B.1.1.529). Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh.
Cập nhật sức khoẻ ca nhiễm Omicron đầu tiên phát hiện ở Việt Nam
Ngày 27/12, Bộ Y tế thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp.
Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận trường hợp là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12), hành khách có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly ở phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú.
Với yếu tố dịch tễ trở về từ Anh, ngày 20/12, Bệnh viện đã giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới. Kết quả nghi ngờ nhiễm biển chủng Omicron. Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12, Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại.
Kết quả được xác định bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529). Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh.
Bộ Y tế cho biết, đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; đồng thời thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.
Trên thế giới, có ít nhất 78 quốc gia ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó có các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan...
Hà Nội thêm gần 2.000 ca mới, 70% F0 điều trị tại nhà
Ngày 28/12, Hà Nội ghi nhận thêm 1.920 ca COVID-19 mới, toàn TP hiện có gần 21.000 F0 đang điều trị, trong đó khoảng 70% ca dương tính điều trị tại nhà.
Sở Y tế Hà Nội tối 28/12 thông báo 24 giờ qua TP ghi nhận 1.920 ca COVID-19 trong đó có 449 ca cộng đồng, 1.360 ca trong khu cách ly và 111 ca tại khu phong tỏa. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Thủ đô ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày trên 1.700 ca.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (249); Nam Từ Liêm (245), Hai Bà Trưng (174), Cầu Giấy (135), Hà Đông (120), Đống Đa (113).
1.920 ca bệnh mới phân bố tại 312 xã phường thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 449 ca cộng đồng ghi nhận tại 187 xã phường thuộc 28/30 quận huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm...
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 43.277 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 15.440 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 27.837 ca.
Sở Y tế cũng cho biết tính đến hết ngày 27/12, thành phố hiện có 20.228 F0 đang điều trị, trong đó có 13.305 F0 đang điều trị tại nhà (chiếm gần 70%); số còn lại điều trị tại bệnh viện, các cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện.
Cụ thể, trong số 20.228 F0 đang điều trị có 101 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, 195 người điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở Hoàng Mai), 2.420 người điều trị tại các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô, 2.369 người điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố, 5.092 người điều trị tại các cơ sở thu dung quận, huyện và 13.305 người điều trị và cách ly tại nhà.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 120 người tử vong do COVID-19.
Có 14.440 ca COVID-19, Hà Nội có 1.920 ca- tròn 10 ngày số mắc nhiều nhất cả nước
Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 28/12 cho biết có 14.440 ca tại 61 tỉnh, thành phố, riêng Hà Nội 1.920 ca. Như vậy đến hôm nay tròn 10 ngày Hà Nội có số mắc nhiều nhất cả nước.
Thông tin về các ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 27/12 đến 16h ngày 28/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.440 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 14.421 ca ghi nhận trong nước (giảm 446 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.305 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.920), Tây Ninh (923), Vĩnh Long (911), Khánh Hòa (790), Cần Thơ (763), TP. Hồ Chí Minh (671), Đồng Tháp (610), Hải Phòng (597), Trà Vinh (585), Bạc Liêu (485), Bình Định (436), Bắc Ninh (434), Lâm Đồng (365), Thừa Thiên Huế (362), Thanh Hóa (346), Bình Thuận (286), Hải Dương (260), Kiên Giang (250), Sóc Trăng (229), Hưng Yên (195), An Giang (191), Tiền Giang (188), Cà Mau (184), Quảng Ninh (182), Hà Giang (140), Quảng Ngãi (140), Đà Nẵng (135), Gia Lai (128), Đồng Nai (124), Bình Dương (109), Vĩnh Phúc (97), Hà Nam (96), Hậu Giang (95), Nam Định (85), Quảng Nam (82), Nghệ An (79), Bến Tre (72), Đắk Lắk (60), Lạng Sơn (59), Thái Bình (59), Phú Thọ (57), Long An (57), Kon Tum (52), Sơn La (51), Quảng Trị (50), Hòa Bình (50), Thái Nguyên (48), Đắk Nông (47), Ninh Thuận (47), Cao Bằng (44), Bắc Giang (43), Tuyên Quang (25), Bình Phước (24), Quảng Bình (23), Lào Cai (18), Yên Bái (18), Phú Yên (15), Lai Châu (12), Hà Tĩnh (8 ), Bắc Kạn (5), Điện Biên (4).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-334), Cà Mau (-249), Bến Tre (-209).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+260), Bình Thuận (+146), TP. Hồ Chí Minh (+111).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.580 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.680.985 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.042 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.675.321 ca, trong đó có 1.261.465 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (501.288), Bình Dương (290.349), Đồng Nai (97.167), Tây Ninh (72.460), Đồng Tháp (42.426).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.668 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.264.282 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.103 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 5.013 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.065 ca
- Thở máy không xâm lấn: 204 ca
- Thở máy xâm lấn: 802 ca
- ECMO: 19 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 27/12 đến 17h30 ngày 28/12 ghi nhận 214 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (35) trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: An Giang (1), Tiền Giang (1), Long An (1), Bình Dương (1), Phú Yên (1), Tây Ninh (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (15), Tây Ninh (15), Vĩnh Long (15), Đồng Tháp (14), Tiền Giang (14), Đồng Nai (13), Kiên Giang (12), Cần Thơ (12), Sóc Trăng (12), Hà Nội (11), Bình Dương (8 ), Long An (7), Bến Tre (7), Bình Phước (4), Bình Thuận (4), Hậu Giang (4), Cà Mau (4), Trà Vinh (4), Hải Phòng (1), Lạng Sơn (1), Khánh Hòa (1), Bạc Liêu (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 227 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.632 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Sơn La ghi nhận 703 F0, điểm du lịch Nông trường Mộc Châu chuyển ‘màu đỏ’
Trong hai ngày qua, tỉnh Sơn La ghi nhận thêm hàng trăm trường hợp dương tính với SASR-CoV-2, trong đó có nhiều ca mắc tại cộng đồng.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Y tế tỉnh Sơn La đã ban hành Thông báo điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.
Cụ thể, tỉnh Sơn La cùng 12 huyện, thành phố và 184 xã, phường, thị trấn ở cấp độ dịch 1. Các xã: Mường Do, Huy Thượng, Tường Phù (huyện Phù Yên), Tú Nang, Chiềng Tương (huyện Yên Châu), Chiềng Hắc, Chiềng Khừa, Đông Sang, thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu), Tạ Bú, Chiềng Hoa (huyện Mường La), Chiềng En (huyện Sông Mã), Lóng Luông, Mường Tè (huyện Vân Hồ) và hai phường của thành phố Sơn La là Chiềng Sinh, Chiềng Cơi ở cấp độ dịch 2.
Hai xã Mường Bang (huyện Phù Yên) và Vân Hồ (huyện Vân Hồ) ở cấp độ dịch 3. Thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu) và xã Nà Bó (huyện Mai Sơn) ở cấp độ dịch 4 (màu đỏ - nguy cơ rất cao).
Theo CDC Sơn La, từ ngày 5/10 đến ngày 28/12, Sơn La đã phát hiện 703 trường hợp dương tính với SASR-CoV-2 là công dân trở về từ các địa phương, lây nhiễm thứ phát và tại cộng đồng; 14.267 người được theo dõi, cách ly, theo dõi sức khỏe.
Đáng chú ý, trong các ngày 26, 27 và 28/12, tỉnh Sơn La ghi nhận thêm hàng trăm trường hợp F0, trong đó có nhiều ca mắc tại cộng đồng.
Để kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các địa phương trong tỉnh Sơn La hiện đang khẩn trương truy vết những trường hợp tiếp xúc gần với các F0; khoanh vùng các địa điểm có nguy cơ cao. Cùng với đó là triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để xác định nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Việt Nam phát hiện ca bệnh COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên
Ngày 27/12, Bộ Y tế thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.
Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức), ngày 19/12/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12/2021), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính.
Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là hành khách trở về từ Anh, ngày 20/12/2021, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12/2021 Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân.
Kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529).
Đây là trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, là người nhập cảnh đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh.
Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 nói chung và khả năng nhiễm biến chủng Omicron nói riêng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng đầy đủ.
Ninh Bình có 17 ổ dịch COVID-19 ở hầu khắp các huyện, thành phố
Chỉ trong vài ngày gần đây, số ca bệnh và ổ dịch trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tăng lên nhanh chóng, với nhiều ổ dịch phức tạp và nguy hiểm, nguy cơ bùng phát trong cộng đồng rất cao.
Theo báo cáo của Sở Y tế Ninh Bình, trong ngày 27/12, số ca bệnh xác định mới ghi nhận lên đến 136 ca, đạt đỉnh từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đến nay.
Trong đó, 105 trường hợp ghi nhận mắc tại cộng đồng ở huyện Kim Sơn; 12 trường hợp ghi nhận là các trường hợp mắc thứ phát tại cộng đồng các huyện (Yên Mô: 10 trường hợp; Kim Sơn: 2 trường hợp); 19 trường hợp là các trường hợp mắc thứ phát và về từ vùng có yếu tố dịch tễ phức tạp được cách ly tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, với việc ghi nhận thêm ổ dịch mới tại xã Kim Đông (huyện Kim Sơn), với 105 ca bệnh, nâng tổng số ổ dịch toàn tỉnh đang hoạt động lên 17 ổ dịch, tại 7/8 huyện, thành phố trong tỉnh, với 424 ca bệnh.
Ngành y tế Ninh Bình nhận định ban đầu về ổ dịch liên quan đến xã Kim Đông có thể nguồn lây từ những người buôn bán thủy hải sản từ nhiều nơi đến và đi tại chợ Kim Đông, sau đó ủ bệnh trong cộng đồng.
Ngày 27/12, 1 giáo viên trường Tiểu học Kim Đông đã có kết quả xét nghiệm ương tính với SARS-Cov-2. Hiện trong số hơn 100 ca bệnh ghi nhận mới tại ổ dịch xã Kim Đông, có trên 90 ca bệnh là học sinh trường Tiểu học Kim Đông. Số ca F0 đã xác định hiện đang được ngành Y tế huyện tạm thời cách ly tại nhà, phân tầng theo dõi sức khỏe, từ đó có phương án điều trị tiếp theo.
Trước thực tế ghi nhận số ca bệnh và ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng đã tăng lên nhanh chóng, với nhiều ổ dịch phức tạp và nguy hiểm, nguy cơ bùng phát trong cộng đồng rất cao, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, hạn chế các hoạt động đi lại và tập trung đông người không cần thiết.
Đồng thời, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tiêm đủ liều vaccine COVID-19 cho người dân, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ cao
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 25/12 đến 16 giờ ngày 26/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.872 ca mắc mới, trong đó 5 ca nhập cảnh; 14.867 ca ghi nhận trong nước (giảm 315 ca so với số ca mắc của ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố; có 10.418 ca trong cộng đồng.
Hà Nội vẫn là địa phương có số mắc cao nhất cả nước với 1.948 ca, tiếp đó đến Tây Ninh (943 ca), Hải Phòng (931 ca), Vĩnh Long (892 ca), Khánh Hòa (791 ca), Cần Thơ (711 ca), Đồng Tháp (701 ca)...
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.666.545 ca mắc, trong đó có 1.259.614 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 31.418 ca tử vong.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.636 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ là 5.378 ca; thở oxy dòng cao HFNC là 1.178 ca; thở máy không xâm lấn là 156 ca; thở máy xâm lấn là 905 ca; dùng ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) là 19 ca.
Tính đến ngày 26/12, đã có tổng số 146.335.052 liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 77.138.616 liều; tiêm mũi 2 là 66.402.056 liều; tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và tiêm mũi 3 của vaccine Abdala) là 2.794.380 liều.
Trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác tiêm chủng
Ngày 27/12, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao, tổ chức lễ mít tinh bằng hình thức trực tuyến, kết nối 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh (27/12) với chủ đề "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ". Sự kiện mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh nói chung và tiêm chủng phòng COVID-19, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát bệnh truyền nhiễm.
“Ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với chiến lược "Chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả"; các hoạt động giám sát, xét nghiệm, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân đã được triển khai hiệu quả với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Đặc biệt đã thực hiện tiếp cận các nguồn vaccine phòng COVID-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao vaccine với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước. Đến ngày 24/12/2021 cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Đến nay tỷ lệ này đã vượt mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. Từ tháng 11/2021, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
"Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12/2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Để tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tốc độ tiêm chủng cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã đạt tới mức độ cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác ngoại giao vaccine và tiếp cận được nhiều vaccine hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021. Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh; đồng thời, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ, tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện. Đến ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.
Giảm nguy cơ bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng và tử vong
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 26/12 đến 18 giờ ngày 27/12, Hà Nội ghi nhận 1.948 ca F0, trong đó 658 ca ghi nhận tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và phong tỏa.
Bệnh nhân phân bố tại 335 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 658 ca cộng đồng ghi nhận tại 210 xã phường thuộc 30/30 quận huyện. Quận Hoàng Mai vẫn là quận ghi nhận nhiều bệnh nhân tại cộng đồng nhất với 117 ca. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/202 đến nay) là 41.357 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 14.991 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 26.366 ca.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có Văn bản số 23401/SYT-NVY chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19. Trong đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định mắc COVID-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống ô xy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp ô xy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.
Trong cuộc họp thông tin phòng, chống dịch COVID-19 định kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/12, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, việc phát hiện kịp thời F0 trong nhóm nguy cơ để can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Do đó, các quận, huyện đang tiếp tục triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ và cung cấp ngay thuốc kháng virus cho F0 thuộc nhóm này.
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên và nhiều nhất cả nước. Đến nay, tổng số mũi vaccine trên địa bàn được triển khai là hơn 14 triệu mũi, trong đó có 7,9 triệu mũi 1 và 6,9 triệu mũi 2 và hơn 438.000 mũi 3 (với 133.000 mũi bổ sung).
Về tiến độ tiêm mũi 3, Bộ Y tế yêu cầu hết quý I/2022, Thành phố hoàn thành tiêm mũi nhắc lại cho người dân 18 tuổi trở lên, tuy nhiên thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành vào tháng 1/2022.
Về phương án xét nghiệm của thành phố, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), từ tháng 9 đến nay, phương án xét nghiệm của Thành phố không thay đổi. Thành phố vẫn thực hiện xét nghiệm tầm soát tại cộng đồng, trường học, doanh nghiệp, bệnh viện. Bên cạnh đó, công tác đánh giá tình hình dịch không phải chỉ dựa trên số ca nhiễm mà còn so sánh số ca nhập viện, chuyển nặng, tử vong.
Tính đến 18 giờ ngày 26/12, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 544 ca mắc COVID-19. Thành phố đang điều trị 7.929 bệnh nhân, trong đó có 241 trẻ em dưới 16 tuổi, 403 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Cùng ngày, ngành Y tế ghi nhận hơn 436 bệnh nhân nhập viện, 543 bệnh nhân xuất viện, 30 trường hợp tử vong. Tổng số tử vong cộng dồn đến nay hơn 19.000 trường hợp. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì dịch ở mức độ 2.
Nỗ lực hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cho người dân
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Đà Nẵng chiều 27/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhận định: Lực lượng y tế đang tổ chức tốt công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhà cho những người chưa thể đi tiêm vì lý do khách quan. Bất chấp thời tiết mưa to, gió lớn, từ ngày 25/12 đến nay, lực lượng y tế thành phố đã tổ chức tiêm vét mũi 1 tại nhà cho khoảng 900 người dân, an toàn, hiệu quả, chưa có trường hợp nào phản ứng bất thường sau tiêm. Dự kiến trong ngày 28/12, Đà Nẵng sẽ hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 tại nhà cho 100% người cao tuổi, người bệnh tật, những người không thể đi tiêm, đạt tiến độ đã đề ra.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng chỉ đạo các sở ngành, địa phương nỗ lực tổ chức tiêm vaccine mũi 3 cho các đối tượng ưu tiên, nhân viên y tế, người có nguy cơ cao, hoàn thành trong tháng 1; đồng thời phải có kế hoạch thông tin, truyền thông cụ thể, rộng rãi, bằng nhiều loại hình cho người dân nắm được thời gian dự kiến tiêm mũi 3 và các diễn biến của biến chủng mới trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 trong nước... Tính đến nay, thành phố đã tiêm 1.921.994 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 971.642 người, mũi 2 cho 949.738 người và mũi 3 cho 614 người.
Ngày 27/12, Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tỉnh Quảng Trị cho biết đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 năm 2021 – 2022.
Theo đó, liều bổ sung vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như cấy ghép tạng, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng. Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V. Tiêm liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Quảng Trị cần 640.855 liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại, trong đó, tiêm mũi bổ sung là 206.120 liều, mũi nhắc lại là 434.735 liều. Thời gian tổ chức tiêm bắt đầu từ cuối tháng 12/2021 và năm 2022, tùy theo nguồn cung ứng vaccine và được triển khai trên quy mô toàn tỉnh, trong đó ưu tiên tiêm chủng vùng đang có dịch, địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, giao lưu đi lại lớn, khu vực đông dân cư.
Trong 5 ngày từ ngày 27-31/12, tỉnh Trà Vinh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho gần 40.000 người trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng được tiêm mũi 3 đợt này là công chức, viên chức toàn ngành Y tế; cán bộ, sỹ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức 3 khối Đảng, Chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, cán bộ không chuyên trách ấp, khóm. Đợt tiêm mũi 3 này bao gồm tiêm liều bổ sung và liều nhắc dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Đối với liều bổ sung, đối tượng được tiêm có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng theo hướng dẫn tại công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 của Bộ Y tế, đảm bảo mũi tiêm này cách mũi 2 ít nhất 28 ngày đến 3 tháng. Với liều nhắc, mũi này đảm bảo nguyên tắc cách mũi 2 trên 3 tháng. Hiện, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 của Trà Vinh đạt 99,03%, mũi 2 đạt 94,9%; trên 83.600 trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 đã được tiêm mũi 1, trong đó, hơn 78.200 em đã được tiêm 2 mũi.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất