15/11/2018 11:08 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Tháng 12 tới đây, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thí điểm đục thông 6 vòm cầu đá đoạn từ phố Hàng Cót đến phố Hàng Giấy (thuộc phố Gầm Cầu) làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng không gian văn hóa, thương mại, du lịch khu vực 131 vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên.
Dù chỉ là bước đi đầu tiên, nhiều người vẫn kỳ vọng khu phố cổ Hà Nội có thêm diện mạo mới, xóa đi những khu vực nhếch nhác không đáng có, bảo tồn được đặc trưng văn hóa tại đây.
Thận trọng những bước đi đầu tiên
Khu vực phố Hàng Cót đến Hàng Giấy hiện nay có đến hàng chục vòm cầu nhưng quận Hoàn Kiếm chỉ lựa chọn 6 vòm cầu mang tính đại diện cho các thể loại vòm để thí điểm đục thông. Bởi tại đây có vòm bịt hai mặt bằng đá nhưng bên trong rỗng, có vòm ở trong đổ cát, có vòm bên trong xây trụ đá… Việc thí điểm các loại vòm cầu sẽ là cơ sở đánh giá, triển khai tiếp các vòm cầu khác. Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm tiến hành giải tỏa một số công trình bám vào các vòm cầu, cải tạo hạ tầng, chỉnh trang dọc tuyến phố để đảm bảo văn minh, hài hòa với một không gian mang tính văn hóa, du lịch.
Việc thí điểm đục 6 vòm cầu tại khu vực này sẽ tạo sự thông thoáng cả con phố vốn được đánh giá chật chội, nhếch nhác và được đa phần người dân ủng hộ. Sau khi hoàn tất đục thông, dự kiến khoảng 3 tháng, việc khai thác như thế nào để đảm bảo mỹ quan và hiệu quả cũng là vấn đề đang được tính đến.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, khu vực này sẽ được tổ chức thành không gian ẩm thực, phù hợp với ngành hàng nhiều hộ dân đang kinh doanh tại đây. Ông Đặng Đình Bằng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, khi xây dựng không gian ẩm thực, quận Hoàn Kiếm đề xuất khu vực này triển khai thành tuyến phố đi bộ, kết nối phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân, không gian bảo tồn cấp 1 với phố bích họa Phùng Hưng.
Tuy vậy, lãnh đạo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho rằng, điều quan trọng khi đục thông các vòm cầu phải gia cố kỹ thuật, đảm bảo an toàn và sau khi đục xong phải kiểm định, đánh giá lại. Nhất là khi phía trên các vòm đá vẫn là đường tàu chạy, công tác an toàn phải đặt lên hàng đầu với những giải pháp tối ưu.
Hiện nay, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đang tiến hành các thủ tục pháp lý để triển khai tiếp. Báo cáo kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt trên cơ sở ý kiến góp ý về phương án thiết kế của ngành đường sắt và chủ đầu tư đang làm thủ tục xin cấp phép tới Cục Đường sắt Việt Nam theo đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Kỳ vọng một không gian văn hóa mới
Cải tạo các vòm cầu đá từ phố Phùng Hưng đến ga Long Biên thành không gian công cộng để tổ chức các hoạt động văn hóa là chủ trương của thành phố Hà Nội vừa đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, vừa phù hợp với nhu cầu phát triển chung. Từ chủ trương này, UBND thành phố Hà Nội giao cho quận Hoàn Kiếm khảo sát, nghiên cứu cải tạo 131 vòm cầu đá.
Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang tiến hành xây dựng đề án Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu, đã xin ý kiến các bộ ngành, cơ quan liên quan như: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để đảm bảo tính khoa học. Các bộ, ngành cơ bản thống nhất chủ trương và ủng hộ việc cải tạo các vòm cầu đá, xây dựng không gian văn hóa. Việc xây dựng phố bích họa Phùng Hưng cũng như việc thí điểm đục thông 6 vòm cầu cũng là cơ sở để hoàn chỉnh đề án, phù hợp với thực tiễn.
Thực tế, sau khi hoàn thành phố bích họa Phùng Hưng, hiệu quả của địa điểm văn hóa này là không thể phủ nhận. Đó cũng là tiền đề tốt để tiến hành tổ chức không gian ẩm thực sau khi đục thông 6 vòm cầu.
Đề án xây dựng không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu chia làm nhiều giai đoạn. Đáng lưu ý, đề án phân ra một số khu vực chức năng sau khi cải tạo như: Khu vực trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ, khu vực tổ chức nghệ thuật công cộng, khu vực giới thiệu văn hóa ẩm thực, khu vực thương mại, khu vực dành cho khởi nghiệp. Sản phẩm trưng bày hoặc các hoạt động được tổ chức sẽ đảm bảo mang dấu ấn của văn hóa phố cổ. Khu vực này cũng sẽ trở thành không gian văn hóa mới thu hút đông khách du lịch.
Quận Hoàn Kiếm và cả đơn vị tư vấn đều chung quan điểm, toàn bộ khu vực 131 vòm cầu sau khi cải tạo cần tạo thành không gian đi bộ, kết nối với các không gian đi bộ hình thành trước đó tạo thành chuỗi không gian đi bộ hoàn chỉnh. Khi đó, giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội không chỉ được bảo tồn mà sẽ tạo ra điểm đến mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đinh Thuận - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất