Hà Giang ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong trường học

09/11/2021 10:00 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với số lượng ca mắc trong trường học ở mức cao, ngành giáo dục-đào tạo tỉnh Hà Giang đang khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch. 

Bộ Y tế hướng dẫn mua thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Y tế hướng dẫn mua thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn Sở Y tế tỉnh, thành phố về việc mua thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc đàm phán giá.

(Tiếp tục cập nhật)

Năm học 2021-2022, Hà Giang có 629 cơ sở giáo dục với 251.115 học sinh. Trong đó có 13 trường nội trú, 152 trường bán trú, với 62.061 học sinh ăn, ở bán trú, nội trú. Từ khi thành phố Hà Giang ghi nhận ca mắc đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 25/20, đến nay tỉnh đã có 43 cán bộ, thầy cô giáo và 272 học sinh dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm RT-PCR. Dịch COVID-19 đã có ở 62 trường học của 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gồm Bắc Quang, Yên Minh, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Mê, Đồng Văn và 7 trường Trung học Phổ thông trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bà Trương Thị Xuyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, cho biết trường có 30 giáo viên và 526 học sinh. Tối 27/10, trường đã có học sinh mắc COVID-19 đầu tiên. Nhà trường đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với ngành y tế phát hiện sớm các trường hợp F0, tuy nhiên vẫn tiếp tục ghi nhận ca mắc mới. Hiện nhà trường có 75 học sinh và 10 giáo viên dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm RT-PCR.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng và Kỹ thuật công nghệ tỉnh Hà Giang chia sẻ, trường có hơn 500 học sinh, sinh viên ở ký túc xá, trong đó gần 400 học sinh hệ trung cấp chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 nên công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Trường đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh test nhanh cho tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Khi phát hiện F0 nhà trường đề nghị với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho các em đi cách ly ngay. Đến nay, qua xét nghiệm RT-PCR, đã có gần 200 học sinh, sinh viên của trường dương tính với SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm RT-PCR được các y bác sỹ đưa đi cách ly tập trung

Dịch COVID-19 đã lan đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) với 49 học sinh (trong đó 33 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm PCR; 16 trường hợp dương tính qua test nhanh).

Theo ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, khi xuất hiện F0 trong các cơ sở giáo dục, ngành triển khai ngay các biện pháp phòng, chống với quyết tâm cao nhất, sớm khống chế các ổ dịch. Đặc biệt, khi dịch có hiện tượng lây lan trên diện rộng, ngành đã tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 1/11 đến 13/11. Riêng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh, mặc dù chưa xuất hiện ca mắc, nhưng Sở đã tham mưu quyết định để toàn bộ học sinh được tổ chức quản lý, chăm sóc tại trường.

Chú thích ảnh
Chốt phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Giang

 Bộ Y tế đang hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 7/11 đến 16 giờ ngày 8/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.988 ca mắc mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 7.954 ca được ghi nhận trong nước (tăng 323 ca so với số ca mắc của ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố; có 2.237 ca trong cộng đồng.

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với số ca mắc của ngày trước đó: Bạc Liêu (giảm 69 ca), Tây Ninh (giảm 39 ca), Kiên Giang (giảm 35 ca). Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với số ca mắc của ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (tăng 307 ca), Tiền Giang (tăng 159 ca), An Giang (tăng 104 ca).

Trung bình mỗi ngày nước ta ghi nhận 6.988 ca trong 7 ngày qua. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 976.672 ca mắc, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi về tỷ lệ ca mắc tính theo 1 triệu dân thì nước ta đứng thứ 151 (bình quân cứ 1 triệu người có 9.915 ca mắc).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay) số ca mắc mới được ghi nhận trong nước là 971.711 ca, trong đó có 838.658 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 1.073 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày hôm nay. Tổng số ca được điều trị khỏi là 841.475 ca.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Có 3.390 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó: thở oxy qua mặt nạ: 2.379 ca; thở oxy dòng cao HFNC: 573 ca; thở máy không xâm lấn: 119 ca; thở máy xâm lấn: 306 ca; ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể): 13 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 7/11 đến 17 giờ 30 phút ngày 8/11 nước ta ghi nhận 67 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh có 35 ca, Đồng Nai (11 ca), Bình Dương (8 ca), Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang (mỗi địa phương 2 ca), Khánh Hòa, Bình Phước, Cần Thơ, Hậu Giang, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Bạc Liêu (mỗi địa phương 1 ca). Trung bình mỗi ngày có 67 ca tử vong trong 7 ngày qua. Tính đến nay, nước ta có 22.598 ca tử vong do COVID-19, chiếm 2,4% so với tổng số ca mắc.

Dành nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế dự phòng

Dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội... Đây là đề xuất được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra tại Phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV ngày 8/11.

Chú thích ảnh
Thiết bị y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, có đại biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “không có COVID”. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với COVID-19. Vì vậy, đại biểu cho rằng trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời cần khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, cần thực hiện 6 mục tiêu lớn gồm: 1 tăng - 2 giảm - 3 bảo đảm, cụ thể đó là: tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, giảm tỷ lệ người mắc COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19; bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe, tinh thần của người dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn.

Cho ý kiến Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, nhiều ý kiến đại biểu phân tích những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Về chiến lược vaccine, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, chủ động nguồn cung và tự chủ vaccine để đảm bảo cung cấp cho người dân trong nước; chỉ đạo triển khai hiệu quả chiến lược, chiến dịch tiêm chủng vaccine đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Chú thích ảnh
Nghiên cứu vaccine COVID-19 tại Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Thanh Vân - TTXVN

Nhấn mạnh việc đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 để đề ra những giải pháp trong những năm tiếp theo, đại biểu đề nghị tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tại các địa phương; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo công bằng, không để sót và lọt đối tượng.

Liên quan đến vấn đề thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT để tổ chức triển khai thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19. Việc triển khai này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản, đồng bộ. Các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện, ngành y tế sẽ nỗ lực, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trước mắt tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch...

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm