17/11/2021 13:20 GMT+7 | Hồ sơ - Tư liệu
(lienminhbng.org) - Sau khi vượt qua được hai viện của Quốc hội Mỹ, dự luật về phát triển cơ sở hạ tầng với ngân sách trị giá 1.200 tỷ USD đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật.
Đạo luật mang đến hy vọng nâng cấp cơ sở hạ tầng của nước Mỹ và là “cú huých” thúc đẩy kế hoạch xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn, nhất là trong bối cảnh lạm phát gia tăng và năng lực kinh tế đang đối mặt với nhiều rủi ro vì COVID-19.
“Cú huých” 1.200 tỷ USD
Gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vốn là một trong những cam kết tranh cử chính của ông Biden. Khi đó, Tổng thống Biden tham vọng sẽ thực hiện trong gần 10 năm, với các hạng mục chính là nâng cấp hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay, phương tiện công cộng, mạng lưới điện; mở rộng truy cập băng thông rộng; xây dựng và cải tạo nhà ở xã hội; tăng đầu tư cho trường học, đào tạo nghề, hoạt động nghiên cứu phát triển...
Một số mục tiêu cụ thể đã được nêu trong kế hoạch, như hiện đại hóa 20.000 dặm đường giao thông, 10.000 cây cầu, hay xây 500.000 nhà cho người thu nhập thấp... Ước tính, với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, hàng triệu việc làm mới, mang lại thu nhập tốt cho người Mỹ sẽ được tạo ra.
Từ đầu tháng 11/2021, dự luật về phát triển cơ sở hạ tầng với ngân sách trị giá 1.200 tỷ USD đã đạt được bước tiến lớn khi được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ phiếu 228 phiếu thuận-206 phiếu chống sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng. Trước đó dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào tháng 8.
Sau khi vượt qua hai viện của Quốc hội Mỹ, dự luật đã trình lên và được Tổng thống Joe Biden ký thông qua thành luật. Phát biểu tại lễ ký được tổ chức tại Nhà Trắng ngày 15/11, Tổng thống Biden đã ca ngợi các nhà lập pháp lưỡng đảng, từ Quốc hội tới các chính quyền bang và địa phương, đã giúp thông qua dự luật trị giá 1.200 tỷ USD mà ông khẳng định là những cách thức chuyển đổi giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày cho nhiều người dân Mỹ.
Tuyên bố thắng lợi sau nhiều tháng thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng này, Tổng thống Biden cam kết, chính quyền Mỹ sẽ có trách nhiệm bảo đảm để ngân sách được chi tiêu đúng mục đích.
Theo đó, gói ngân sách 1.200 tỷ USD này sẽ bao gồm khoảng 550 tỷ USD tài trợ mới, sẽ được đầu tư vào đường bộ, cầu và đường sắt trên khắp đất nước. Bên cạnh đó, khoản ngân sách trên cũng được sử dụng để thay thế đường ống dẫn nước bằng chì để cung cấp nước sạch cho các cộng đồng dân cư và thiết lập mạng lưới các trạm sạc xe điện và mở rộng truy cập Internet băng thông rộng. Đây là khoản đầu tư đáng kể nhất của chính phủ kể từ khi thành lập mạng lưới đường cao tốc quốc gia vào những năm 1950.
Luật phát triển cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ giúp cho việc di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa được thuận tiện hơn. Đồng thời, với gói chi tiêu khổng lồ này cũng giúp tăng năng suất lao động, cải thiện mức sống cho người dân Mỹ. Ước tính trong 10 năm tới, luật này góp phần tăng năng suất lao động của Mỹ thêm 0,03% mỗi năm. Bởi vậy, các nghị sĩ Mỹ đã gọi đạo luật về phát triển cơ sở hạ tầng mới là kế hoạch chi tiêu xã hội mang lại hiệu quả nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ðại diện các nhóm doanh nghiệp Mỹ cũng hoan nghênh và tin tưởng kế hoạch mang đến những khoản đầu tư dài hạn, tạo nhiều việc làm hơn.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 của một loạt hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tại Mỹ tăng cao nhất trong 30 năm qua. Phần lớn lạm phát do giá cả tăng mạnh ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 cũng như tình trạng thiếu nguồn cung, nhất là trong các ngành năng lượng và thực phẩm.
Chính quyền Tổng thống Biden tin rằng, kế hoạch xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn có thể góp phần giảm lạm phát, bởi các khoản đầu tư vào an sinh xã hội và phát triển lực lượng lao động giúp hàng triệu người trở lại làm việc. Tháng 9 vừa qua, số người lao động tại Mỹ chuyển đổi công việc đã đạt mức cao kỷ lục. Ðây là chỉ dấu cho thấy thị trường việc làm dần phục hồi khi người lao động có thêm cơ hội tìm công việc với mức lương cao hơn.
Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ đến bang New Hampshire và Michigan vào ngày 16 và 17/11 để làm rõ các dự án cụ thể có thể hưởng lợi từ luật trị giá 1.200 tỷ này.
Tiếp tục theo đuổi dự án 1.750 tỷ USD
Bên cạnh luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD vừa mới được ký ban hành, Tổng thống Biden hiện còn theo đuổi một kế hoạch chi tiêu trị giá 1.750 tỷ USD, với tham vọng mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và thúc đẩy chống biến đổi khí hậu của Mỹ.
Ban đầu, ông Biden đề xuất trị giá gói chi tiêu thúc đẩy an sinh xã hội và thúc đẩy chống biến đổi khí hậu là 3.500 tỷ USD, nhưng do các nghị sĩ khác cho rằng mức chi hợp lý chỉ là 1.900 tỷ-2.200 tỷ USD nên sau đó ông Biden đã phải cắt giảm đáng kể các ưu tiên trong các lĩnh vực như mở rộng giáo dục miễn phí và năng lượng sạch, xuống còn trị giá 1.750 tỷ USD.
Dự luật về gói chi tiêu thúc đẩy an sinh xã hội mà ông Biden đề xuất bao gồm trợ cấp chăm sóc trẻ em, nhà ở và y tế, miễn học phí các trường cao đẳng cộng đồng và trợ cấp cho năng lượng sạch, những đề xuất mà ông cho là sẽ không làm tăng nợ công do sẽ được tài trợ bằng nguồn thu thuế người giàu và các doanh nghiệp. Để có được nguồn thu thuế người giàu và các doanh nghiệp, chính quyền của Tổng thống Biden nỗ lực đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump về cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp. Theo đó, ông Biden đề xuất tăng tỷ lệ thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức 21% hiện tại, vốn được cựu Tổng thống Trump đặt ra sau khi cải cách luật thuế năm 2017. Theo ông Biden, các khoản đầu tư trên mang tính cấp bách, trong bối cảnh Trung Quốc đã chi cho cơ sở hạ tầng gấp 3 lần so với Mỹ. Các quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ cho rằng, với việc áp thuế các tập đoàn siêu khổng lồ và tăng thuế doanh nghiệp, quốc gia có thể tăng nguồn thu để phục vụ người dân.
Ngày 15/11 vừa qua, sau khi ký ban hành đạo luật 1.200 tỷ USD, Tổng thống Biden cũng đã đề nghị Quốc hội thông qua gói ngân sách trị giá 1.750 tỷ USD vào mạng lưới an toàn xã hội và biến đổi khí hậu. Hạ viện Mỹ đặt mục tiêu sẽ thông qua được dự luật trên trong tuần này. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hiện đang nỗ lực kết nối các kế hoạch ngân sách với nhau chặt chẽ nhất có thể, nhằm đảm bảo nhận được sự ủng hộ của cả nhóm nghị sĩ theo đường lối trung dung và cấp tiến trong đảng Dân chủ.
Ngoài ra, để vực dậy nền kinh tế, chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tích cực giải quyết bất đồng với các đối tác thương mại. Tại hội đàm cấp cao trực tuyến Mỹ-Trung ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về các biện pháp cạnh tranh có trách nhiệm và hợp tác trong một số lĩnh vực phù hợp. Mỹ cũng bắt đầu đàm phán với Nhật Bản về thuế quan đối với thép và nhôm. Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận nới lỏng thuế quan với các sản phẩm thép và nhôm…
Một loạt những động thái tích cực của chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy cải cách trong nước và cải thiện quan hệ với các đối tác, được dư luận kỳ vọng tạo thêm động lực vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới, góp phần tạo đà phục hồi cho kinh tế toàn cầu sau thời gian dài chật vật do dịch bệnh.
An Ngọc (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất