25/01/2022 08:00 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Chiều 24/1, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 20 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì Hội thảo cùng với ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế. Theo đó, để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch quốc tế trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và từng bước mở cửa nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã có những đóng góp và sự phát triển chung theo hướng bền vững. Tỉ lệ đóng góp của ngành du lịch chiếm 10% trong tổng số GDP của cả nước và là ngành kinh tế được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, trong đà phát triển đó, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, không chỉ Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị thiệt hại, tổn thất. Du lịch được xác định là ngành kinh tế bị tổn thất nặng nề. Nhiều cơ quan truyền thông gọi là "đóng băng, xuống đáy"… và du lịch Việt Nam không nằm ngoài xu thế bị tác động tiêu cực. Nhưng với nỗ lực cao, quyết tâm lớn, cùng với việc tìm kiếm những giải pháp có tính khả thi để du lịch trở lại hoạt động bình thường, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các địa phương đã nỗ lực cố gắng tìm hướng đi một cách thích hợp. Thời gian vừa qua được hiểu như một chiếc lò xo nén, tích cực chuẩn bị để khi có cơ hội thuận lợi sẽ bật lên thúc đẩy nền kinh tế đi nhanh hơn, vượt trội hơn.
* Đề xuất từ 1/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế
Báo cáo về kết quả triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL ngày 5/11/2021 của Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến ngày 23/1/2022, đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam.
Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.
Về doanh nghiệp đăng ký tham gia đón khách, đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.
Trong quá trình triển khai Chương trình thí điểm, đã có tổng cộng 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó 17 trường hợp tại Phú Quốc (Kiên Giang) và 10 trường hợp tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, chỉ có 1 trường hợp phải điều trị tại cơ sở y tế tại Rạch Giá (Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày. Tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 đều được xử lý theo đúng các quy định về hướng dẫn phòng chống dịch, đảm bảo không làm lây lan ra cộng đồng, khách du lịch sau khi điều trị đã được bố trí về nước an toàn.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm: Khách du lịch quốc tế tham gia Chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi được trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí sôi động, hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.
Nhằm góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.
Cụ thể, từ nay đến 30/4/2022, tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2.
Từ 1/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
* Ông Vũ Thế Bình: Cần có "lò xo" tạo sự thúc đẩy du lịch
Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao chủ trương hết sức kịp thời của Bộ VHTTDL. "Chúng ta bị thiệt hại vô cùng to lớn do ảnh hưởng của dịch trong thời gian vừa qua. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề hơn là vì du lịch là khởi đầu của hàng loạt ngành kinh tế khác. Du lịch tan vỡ là các ngành khác tan vỡ theo nên du lịch cần được đặt lên hàng đầu" - ông Bình nhấn mạnh.
Ông cũng đặt câu hỏi: Tại sao trong thời gian thí điểm vừa rồi chúng ta chỉ đón được 8.500 khách? Người ta khao khát vào Việt Nam nhưng chúng ta không có “lò xo” tạo sự thúc đẩy. Chúng ta phải có hoạt động mới có khởi động.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu vấn đề: Thứ nhất, cần đánh giá thí điểm giai đoạn 1 thành công hay không, từ đó rút kinh nghiệm. Chúng ta thành công là chỗ từ nơi tê liệt về du lịch đã bước đầu mở cửa. Số lượng khách vừa rồi thể hiện niềm tin của khách du lịch với chúng ta nhưng tại sao họ chưa sang nhiều? Có thể vì họ băn khoăn là khi sang có bị cách ly hay không. Chúng ta phải đánh giá đúng sự nguy hiểm của Covid -19, nhưng không có nghĩa là sợ. Tôi sang các nước họ đi rất đông, đeo khẩu trang, vào cửa hàng có mã QR code. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng là thái độ của chúng ta với đại dịch như thế nào? Riêng với du lịch, người làm du lịch cần mạnh mẽ hơn quyết liệt hơn. Cần nhất bây giờ là visa. Trước 2020, chúng ta miễn visa đơn phương với mấy nước. Người dân họ nghĩ việc tôn trọng nước họ, cho họ vào. Giờ lại không nữa, thì họ nghĩ vào Việt Nam bằng cách nào, có cấp visa cho tôi không? Rõ ràng visa là vấn đề vô dùng có khó khăn mà doanh nghiệp không thực hiện được nếu chúng ta vẫn giữ như hiện nay.
Thứ hai là xét nghiệm PCR 72 tiếng trước khi nhập cảnh. Các nước quy định thời gian này là trước khi lên máy bay. Quy định 72 tiếng trước khi nhập cảnh ở Việt Nam tôi nghĩ là không hợp lí. Tôi nghĩ chúng ta nên như các nước quy định là 72 tiếng khi bước chân lên máy bay đến Việt Nam. Chúng ta đã làm chương trình thí điểm rất tuyệt vời, rõ ràng nhưng đến giờ sau 2,3 tháng tình thế khác rồi, việc chống Covid -19 tốt hơn nhiều, niềm tin lớn rồi nên tôi nghĩ chúng ta cần mở cửa, không thí điểm nữa mà chính thức mở cửa.
Về visa chúng tôi đề xuất khôi phục miễn visa cho khách du lịch vào Việt Nam trước năm 2020. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp làm du lịch, vừa rồi có quy định tạm thời phù hợp với bối cảnh hồi tháng 11 nhưng đến giờ không còn phù hợp nữa, đủ điều kiện được đón khách. Nhưng phải kiểm tra các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đăng ký lại với Tổng cục Du lịch để đón khách. Doanh nghiệp nào còn đủ tiền ký quỹ thì đăng ký lại để đón khách. Tôi nghĩ có lẽ ngay lập tức có 7.800 doanh nghiệp sẵn sàng đón khách. Bộ Y tế trình Chính phủ về việc cách ly ở các địa phương để khách đến biết được rõ ràng. Đề nghị các địa phương nếu có gì thay đổi chính sách dành thời gian báo trước cho doanh nghiệp để họ thay đổi.
Thứ ba, thực ra chúng ta mở cửa có khách hay không? Chúng ta mở cửa sẽ có 1 số khách Việt Nam về nhưng sau khi hết khách rồi ai sẽ bay nên phải có chiến lược xúc tiến du lịch. Chúng ta đẩy mạnh công nghệ thông tin, mạng xã hội… nhưng với doanh nghiệp du lịch việc tiếp xúc trực tiếp quan trọng hơn. Ngoài việc làm marketing số ra là cần tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch thì mới có khách. Đó là việc vô cùng cấp bách. Chúng tôi đề nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch triển khai chương trình xúc tiến mạnh mẽ trong nước, ngoài nước. Đồng thời đề nghị Nhà nước xúc tiến điểm đến, doanh nghiệp xúc tiiến sản phẩm, Bộ có thể hỗ trợ doanh nghiệp một phần để doanh nghiệp tổ chức một số sự kiện xúc tiến, kết quả là xem có tăng lượng khách hay không chứ không thể để như vậy.
* "Không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội..."
Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV - cho ý kiến: Suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, Hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi, mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc xin, mở cửa du lịch cũng không giảm tỉ lệ tiêm vắc xin. Thứ hai không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Không mở thì thế nào, ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành Du lịch? Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là làm sao? Như doanh nghiệp FPT của chúng tôi, nhiều khách hàng rất muốn vào làm phần mềm nhưng không thể vào Việt Nam vì dịch bệnh. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, cả lực lượng vật chất kỹ thuật như khách sạn, máy bay, bao tiền đầu tư giờ không có khách. Vô lý nếu không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội.
Bài toán đặt ra là mở thế nào? Tôi nghĩ rằng cần mở theo thông lệ quốc tế. Việt Nam không kém gì các nước, mình đã đồng ý hộ chiếu vắc xin, mình cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi du khách đến Việt Nam, những gì người Việt được làm thì khách du lịch cũng phải cho họ làm như vậy. Mình cũng đã tiêm đủ vắc xin phòng COVID -19, du khách cũng vậy. Trước chúng ta mở visa cho nhiều nước, sao giờ không mở thêm. Chúng ta hãy làm việc đơn giản và cẩn trọng vì quyền lợi của người dân và đất nước.
* TS.Bác sĩ Nguyễn Thu Anh: Ngành du lịch có thể mở sớm hơn 30/4
TS.Bác sĩ Nguyễn Thu Anh - chuyên gia nghiên cứu độc lập đưa ra dự báo tình hình dịch và giải pháp chính: Chúng ta đều biết, khi Omicron xuất hiện, các ca bệnh tăng nhanh, dự báo có thể lên 400 nghìn ca/ngày. Tuy nhiều nhưng ca bệnh lại nhẹ hơn. Thế giới thống kê, tỉ lệ bệnh nặng và tử vong ít hơn chủng Delta. Chúng ta không nên lo lắng vì tỉ lệ tiêm của chúng ta cao.
Giải pháp do chúng tôi tìm hiểu: 1. Đảm bảo cho người dân được tiêm vắc xin. 2. Thế giới đã chuyển giãn cách rộng sang hẹp, nghĩa là chúng ta ngồi trong 1 phòng thì đeo khẩu trang. 3. Năng lực điều trị bệnh tốt. Cần truyền thông về việc người dân bị dương tính thì nên làm gì; Y tế tư nhân điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có thu phí.
Các giải pháp trên không có giải pháp nào là đóng cửa du lịch. Đóng cửa không giảm được lây lan. Đóng cửa để Omicron không vào Việt Nam nhưng Omicron đã vào. Vậy đóng làm gì? Đóng chờ cái gì? Chờ vắc xin chống Omicron thì 2-3 năm chắc có lẽ xóa sổ ngành du lịch. Điều này không ai mong muốn.
Làm gì để du lịch có thể mở cửa? Có thể mở từ hôm nay nếu đảm bảo an toàn: 1. Khách du lịch được tiêm đầy đủ xắc xin; Có giấy xét nghiệm âm tính trước khi bay. 2. Các chuyến bây quốc tế không yêu cầu khách mặc bảo hộ màu xanh, chỉ cần đeo khẩu trang. Khi vào Việt Nam thì hãy ứng xử như khách nội địa, không cách ly. Nhưng cần thông báo nếu họ có triệu chứng thì nên báo cáo để xử lý. Cho y tế tư nhân tham gia điều trị có thu phí; Ưu tiên điều trị ở nơi thông thoáng.
Như vậy, ngành du lịch có thể mở sớm hơn 30/4 và không thí điểm nữa mà mở luôn.
* Bộ Y tế: Sẽ có hướng dẫn phù hợp nhất với xu thế
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ: Đối với các vấn đề về mở cửa du lịch, về phía Bộ Y tế, chúng tôi không thể nói là mở ngay bây giờ hay về sau vì nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao đảm bảo được các biện pháp an toàn, thích ứng với dịch bệnh. Chúng ta biết là từ năm ngoái đến nay, dịch bệnh diễn biến bùng phát nhanh, kéo dài. Từ năm ngoái đến nay liên tục xuất hiện biến chủng mới mà không biết bao giờ mới dừng lại nên phải có những phương án linh hoạt an toàn, đáp ứng yêu cầu.
Trong 3 năm qua, chúng ta đã thay đổi khá nhiều phương án ứng phó với đại dịch, thời gian đầu, chúng ta khép chặt hơn, sau đó, lại có thêm biện pháp khác như thông điệp 5K, xét nghiệm, nghiên cứu cụ thể hơn để có thể đáp ứng linh hoạt hơn. Bên cạnh đó là tiêm vaccine để miễn dịch.
Ở đây, chúng ta không nên chỉ nói về mở cửa hay đóng cửa, đi lại hay không mà chúng ta phải tiếp cận ở hướng là phòng chống dịch như thế nào như điều trị, tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách rộng hay nhỏ hẹp với phạm vi ít... Việc đáp ứng còn phụ thuộc là không chỉ diễn biến ở một quốc gia mà là khả năng phòng, chống dịch mỗi nước.
Việt Nam là nước tiêm chủng đứng top đầu trên thế giới. Việc tiêm vaccine có đặc điểm là dù tiêm nhưng không đảm bảo 100% không mắc, chỉ giảm nguy cơ tử vong, bệnh nặng, trong cộng đồng chúng ta vẫn có người chưa được tiêm. Chúng ta tiêm vẫn phải có biện pháp phòng tránh cẩn thận... Tuy nhiên, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ xem xét, rà soát để có hướng dẫn đồng bộ nhất quán đáp ứng được tình hình dịch cho người nhập cảnh.
Về đề nghị của Bộ VHTTDL với Bộ Y tế về tiếp tục triển khai tiêm vaccine, chúng tôi vẫn đang tích cực triển khai. Hiện chúng ta đã có gần 100% tiêm mũi 1 và mũi 2 là 95%, hiện đang tiêm cho người từ 12 tuổi và nghiên cứu tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn công nhận giữa các nước về chứng nhận tiêm chủng. Chúng tôi có xem bản báo cáo chương trình đón khách, so với thời gian thực hiện thí điểm thì hướng dẫn của Bộ Y tế có sự mở hơn. Đối với chương trình của hội thảo hôm nay, về khía của Bộ Y tế, chúng tôi xin ghi nhận thông tin và sẽ rà soát để cập nhật thường xuyên hướng dẫn phù hợp nhất với xu thế, từng bước một mở cửa.
* "Nên bãi bỏ những quy định không phù hợp để doanh nghiệp du lịch phục hồi sớm nhất"
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch nêu 3 vấn đề để phục hồi du lịch. Thứ nhất cũng là vấn đề khó nhất đó là quy định về đi lại. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm có tỉnh không, rồi yêu cầu cách ly hay không cách ly… Đây là hạn chế lớn nhất cho du lịch.
Thứ hai là hiện nay có nhiều điều kiện hạn chế khiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành. Chính vì vậy, chúng ta nên tham mưu để bãi bỏ những quy định không phù hợp. Chúng ta cần xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất.
Thứ ba, con số gần 8.000 khách vừa qua rất nhỏ, trước đây ta đón gần 2 triệu khách/1 tháng. Có thể thấy, do quy định về phòng dịch hiện hành khách rất ngại vào Việt Nam. Tại sao chúng ta không bỏ các quy định đó đi để tạo điều kiện cho khách du lịch có thể đến Việt Nam. Tôi cũng không hiểu, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam thì chúng ta yêu cầu cần bảo hiểm để làm gì? Tại sao chúng ta không mở rộng miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc mở càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cần có thời gian để việc mở cửa được an toàn và cần tạo mọi điều kiện để đưa du khách đến Việt Nam. Tinh thần là sớm hơn so với dự kiến là 30/4/2022.
* Nhiều ý kiến đề xuất mở sớm hơn lộ trình
Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định: Thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc. Chưa bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như bây giờ.
Phó Tổng GĐ Vietnam Airlines đề nghị: Việc thực hiện cấp visa như năm 2019. Cùng với đó, chúng ta tuyên bố đón khách ngay từ 1/2/2022 để các thị trường chuẩn bị. Không thực hiện cách ly tại Hà Nội, nếu không sẽ không có khách. Cần có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch bị F0. Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu khách du lịch. Khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng xin phép Thủ tướng mở cửa du lịch từ 1/2/2022.
Giám đốc Sở du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, sử dụng hộ chiếu Vaccine. Đến nay, Kiên Giang đã tổ chức đón tổng cộng hơn 10 chuyến bay với hơn 1.200 khách quốc tế. Trong đó có 1 chuyến bay từ Hàn Quốc, 1 chuyến từ Thái Lan, 3 chuyên cơ khác đến từ Lào, 4 chuyến từ Uzbekistan, 1 chuyến Kazakhstan.
Theo kế hoạch đón khách từ các doanh nghiệp lữ hành thì trong tháng 1/2022 còn 6 chuyến bay đến từ Singapore, Malaysia, Mông Cổ, Dubai với hơn 1.200 khách. Vào tháng 2 có 5 chuyến đến Phú Quốc khoảng 1.000 khách.
Về việc mở cửa đón khách quốc tế không chỉ Kiên Giang mà các tỉnh đều mong đợi Kiên Giang có khách từ hơn 100 quốc gia và lãnh thổ như năm 2019. Đến nay, với kinh nghiệm phòng chống dịch cùng phương châm sống chung với dịch, việc mở cửa là phù hợp với tình hình thế giới. Kiên Giang thống nhất cao việc mở lại thị trưởng quốc tế từ tháng 4/2022.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết: Các hoạt động của Hà Nội trong năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19 khiến các chỉ tiêu trong 2021 hầu như không đạt kết quả, giảm sâu. Chúng tôi đồng tình với báo cáo của ông Nguyễn Trùng Khánh Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã trình bày. Về tỉ lệ tiêm vaccine của thành phố với những người trên 18 tuổi thì mũi 1 đạt tỉ lệ 99,7%, mũi 2 đạt 99,4% mũi 3 là 44%. Đây là cơ sở để thành phố thích ứng với du lịch.
Trên cơ sở Hội thảo này: TP. Hà Nội đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ mở cửa chính thức hoàn toàn trong đó có mở cửa du lịch nội địa và quốc tế
"Theo dự thảo của Bộ VHTTDL đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, chúng tôi xin phép mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022. Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm…. để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cũng như các hoạt động thể thao như SEAGames 31. Đề nghị các Bộ ngành đề xuất với Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi COVID-19 trong thời gian 6 tháng" - ông Quyền nêu ý kiến.
* "Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết"
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vui mừng khi Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, cộng đồng làm du lịch. Thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã có nhiều hội thảo, cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, các cơ quan, nhằm tìm kiếm cơ hội mở cửa du lịch.
"Ngoài phân tích khó khăn, hạn chế, chúng ta kỳ vọng vào sự phát triển của ngành. Đi sâu vào những vấn đề ở góc độ khác, tiếp cận là điểm đến du lịch, khả năng thích ứng. Hôm nay, chúng ta nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý, các Bộ, ngành liên quan vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. 14 ý kiến tại Hội thảo, sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí cho thấy Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, cộng đồng làm du lịch" - ông Hùng phát biểu.
"Chúng ta đồng tình với nhau nhiều phương diện, đi đến khẳng định những cơ hội và chỉ rõ thách thức, rào cản để khắc phục. Về cơ hội: Các ý kiến không chỉ là tâm huyết, trăn trở mà chỉ rõ những cơ hội, từ đó thống nhất: một là thấy rõ hơn tiềm năng của du lịch Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà quốc tế bình chọn trao cho chúng ta những danh hiệu. Đó là cách cộng đồng quốc tế tôn vinh chúng ta là điểm đến an toàn, bên cạnh nhu cầu tìm hiểu văn hóa. Hai là, việc thí điểm đón khách quốc tế ở một số địa bàn cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý. Chúng ta có cách nhìn về thị trường khách để tính toán. Ba là sự sẵn sàng của chính quyền địa phương, sự quyết liệt của các doanh nghiệp, sẵn sàng hành động, sẵn sàng làm. Trong đó có doanh nghiệp lữ hành, vận tải, lưu trú. Bốn là, khi chúng ta mở cửa du lịch thì Đảng, Nhà nước đã cho mở cửa bầu trời. Có thị trường đã có 14 chuyến bay/tuần. Đó là sự thuận lợi. Cuối cùng, chúng ta đặt an toàn của Nhân dân là trên hết, trước hết. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiêm vắc xin cho toàn dân. Đây chính là những thế mạnh, cơ hội mà chúng ta có được. Sâu xa hơn, từ Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chúng ta có cơ sở về chính trị, thực tiễn, pháp lý để đề xuất với Chính phủ.
Nhưng thực tế chúng ta phải thừa nhận, khó khăn: Do dịch bệnh, công tác điều nghiên khả năng thích ứng còn khó khăn. Có bao nhiêu thị trường sẵn sàng đến Việt Nam? Có bao nhiêu còn do dự? Vì vậy, các doanh nghiệp cần khẩn trương điều nghiên để có chính sách phù hợp. Tiếp đến, phòng chống dịch bệnh nhất quán từ Trung ương đến địa phương, không có sự cát cứ, khác biệt giữa các địa phương. Đây là vấn đề cần khắc phục. Sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đuối sức. Liệu khi mở cửa, các doanh nghiệp có đủ nhân lực để thực hiện không? Cần thu hút lại để đào tạo. Doanh nghiệp sau một thời gian cần tìm hướng mới, trước đây là đông, quy mô lớn, rầm rộ. Hiện nay phải theo quy mô nhỏ, đi thẳng đến nhu cầu của du khách. Doanh nghiệp cần làm gì? Phải tính toán để phù hợp hơn. Nhận rõ thuận lợi và thách thức, chúng ta có cách nhìn tổng thể.
Từ đây, chúng ta kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Một là: Cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế; Hai là: Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết; từ nay đến thời điểm đó chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ. Ba là: Chúng ta có thông điệp rõ ràng, quyết tâm cao. Bộ trân trọng các ý kiến, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng. Mong các cơ quan ban ngành cùng góp tiếng nói để Thủ tướng có quyết định trong phiên họp Chính phủ sắp tới, hướng tới sự phục hồi du lịch và nền kinh tế Việt Nam, ngành du lịch tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn.
(Còn tiếp)
Hoàng Lê (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất