Nelson Mandela - Biểu tượng vĩ đại trong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc

17/07/2018 13:21 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Thường được người dân gọi bằng cái tên trìu mến là "Tata" hay "Cha", cựu Tổng thống Nelson Mandela không chỉ được thế giới ngưỡng mộ bởi ông là tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi sau hơn 3 thế kỷ cầm quyền của người da trắng, là người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà còn là biểu tượng quốc tế cho tinh thần tự do, đoàn kết dân tộc và lòng vị tha.

Con đường trở thành huyền thoại của Nelson Mandela

Sinh ngày 18-7-1918 tại một ngôi làng nhỏ ở phía đông Nam Phi, ông N.Mandela là một trong số 13 người con của một lãnh đạo bộ tộc Tembu.

Những ngày tháng của thời niên thiếu, Nelson Mandela thường được nghe về các sự tích anh hùng của nhân dân Châu Phi chống lại sự xâm lược của người da trắng. Đây chính là động lực thôi thúc ông đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng người da màu.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Fort Hare và Đại học Witwatersrand chuyên ngành Luật, ông N.Mandela đã tham gia Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943 và sau đó thành lập Liên đoàn thanh niên của ANC. Năm 1948, khi Đảng Dân tộc, với đa số là người Nam Phi gốc châu Âu, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông N.Mandela bắt đầu tham gia phong trào chống chính sách phân biệt chủng tộc của đảng này. Trong cuộc đấu tranh, ông luôn bị nhà đương cục người da trắng tra xét, giam cầm, đe dọa.

Chú thích ảnh
Cố Tổng thống Nelson Mandela tại London (Anh) ngày 28/8/2007. Ảnh: AFP-TTXVN

Trong khoảng thời gian từ giữa những năm 50 đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, N.Mandela cùng 150 nhà hoạt động khác bị bắt, bị đưa ra xét xử vì tội phản quốc nhưng được tha bổng. Năm 1960, cục diện chính trị Nam Phi ngày càng phức tạp. Khi tổ chức ANC bị chính quyền da trắng cấm hoạt động, Mandela đã chuyển vào hoạt động ngầm, thành lập và lãnh đạo cánh vũ trang của ANC có tên gọi "Umkhonto we Sizw" (tạm dịch: Ngọn giáo của quốc gia) chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài.

Đầu năm 1962, ông bí mật đi thăm các nước châu Phi và sang Anh, tranh thủ sự giúp đỡ của họ để huấn luyện quân du kích. Tháng 7-1962, ông trở về nước thì bị bắt và bị kết án 5 năm tù giam. Năm 1964, tình hình càng trở nên tồi tệ khi ông cùng một số lãnh tụ của ANC bị kết án tù chung thân về tội phản quốc và bị giam trong xà lim của  nhà tù đảo Robben ngoài khơi Cape Town. Tại đây, Mandela đã trở nên nổi tiếng và là biểu tượng mạnh mẽ của phong trào chống phân biệt chủng tộc.

Trong suốt những năm của thập kỷ 80 của thế kỉ XX, các chiến dịch quốc tế kêu gọi trả tự do cho N.Mandela giành được sự ủng hộ rộng rãi và cuối cùng áp lực đã khiến chính phủ Nam Phi phải thả ông vào ngày 11-2-1990, kết thúc cuộc sống 27 năm tù đầy và trở về với nhân dân. Vào cuối năm đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch ANC. Tháng 7-1991, diễn ra Đại hội đầu tiên của ANC sau khi giành được quyền hợp pháp và Nelson Mandela được bầu làm Chủ tịch ANC.

Ngày 27-4-1994, một cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ được tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi. Lần đầu tiên một người da đen, ông Nelson Mandela  đã lên làm Tổng thống trong lịch sử nước này. Bằng sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột.

Ngày 19-12-1994, Đại hội lần thứ 49 Đại hội dân tộc Phi đã bầu lại Nelson Mandela là Chủ tịch. Năm 1997, Nelson Mandela từ chức Chủ tịch ANC. Tháng 7- 1999, ông rời bỏ hoạt động chính trị sau khi hết nhiệm kỳ Tổng thống và trở về sống ở Transkei.

Rạng sáng ngày 6-12-2013 (theo giờ Việt Nam), ông đã trút hơi thở cuối cùng tại thành phố Johannesburg, hưởng thọ 95 tuổi.

Ra đi, Nelson Mandela đã để lại một di sản khổng lồ và nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng người dân Nam Phi và bạn bè quốc tế. Ông đã có 67 năm đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp của hòa bình, nhân đạo, công bằng xã hội và hòa giải dân tộc. Đánh giá cao những cống hiến của ông, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 18-7 hàng năm (là ngày sinh của ông) làm “Ngày Quốc tế Mandela”, nhằm tập hợp tình đoàn kết của cộng đồng thế giới trong việc gìn giữ các giá trị của tự do và công lý mà tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã đấu tranh.

Tượng đài về tự do và bình đẳng

“Tôi đã chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng, và tôi cũng chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi trân trọng lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, trong đó mọi người sống với nhau hòa thuận và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi luôn hy vọng để sống vì nó và đạt được nó. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó.”

Câu nói của  nhà chính trị vĩ đại Nelson Mandela đã trở thành biểu tượng của tự do và bình đẳng. Ông vĩ đại không chỉ bởi quá trình đấu tranh, những năm tháng bất khuất trong chốn lao tù, hành trình xóa bỏ chế độ Apartheid hay nỗ lực hòa giải dân tộc. Ông còn bất tử bởi đã xây dựng những nền móng vững chắc cho nền dân chủ ở Nam Phi.

Nụ cười rộng mở và ánh mắt hiền hòa, Nelson Mandela đã đi vào tâm trí nhân dân Nam Phi và thế giới như một tượng đài về lòng yêu thương con người và tinh thần tự do, hòa giải dân tộc. Mặc dù là người lãnh đạo phong trào đấu tranh vũ trang của ANC, nhưng ông lại là một người tin tưởng và ủng hộ thuyết phản kháng bất bạo động của Mahatma Gandhi. Ông khẳng định đấu tranh vũ trang chỉ là hành động tự vệ và là biện pháp cuối cùng để đạt được kết quả. Mỗi sinh mạng đối với ông đều vô cùng trân quý. Bởi thế, hiếm có con người nào giành được sự yêu mến của những người da đen và cả lòng kính trọng của những người mang mọi màu da trên khắp thế giới như Nelson Mandela.

Sau khi trở thành Tổng thống, Mandela đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân ổn định đời sống và áp dụng các chính sách xã hội tiến bộ ít thấy tại châu Phi. Mandela gọi tên đất nước mình là “Quốc gia cầu vồng” để nhắc đến sự đa dạng văn hóa sau khi tư tưởng phân biệt chủng tộc aparthied bị bãi bỏ. Ông cũng thuyết phục thành công các công ty đa quốc gia tiếp tục ở lại đầu tư và tích cực gây dựng hình ảnh đất nước Nam Phi với thế giới. Những nỗ lực này đã góp phần giúp Nam Phi giữ vững vị trí là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất châu Phi, cũng là đất nước dân chủ, tiến bộ bậc nhất lục địa này.

Tháng 7- 1999, ông rời bỏ hoạt động chính trị sau khi hết nhiệm kỳ Tổng thống và trở về sống ở Transkei. Đây cũng là sự kiện hiếm hoi tại châu Phi khi một nhà lãnh đạo tự nguyện từ bỏ quyền lực. Sau khi nghỉ hưu, Mandela tiếp tục hoạt động không ngừng nghỉ cho các hoạt động thúc đẩy hòa bình, dân chủ tại châu Phi. Ông cũng dành phần lớn thời gian để tuyên truyền về đại dịch AIDS nhằm thúc giục người dân Nam Phi thay đổi suy nghĩ về đại dịch này “như một căn bệnh thông thường”.

Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh: "Tổng thống N.Mandela là biểu tượng vĩ đại của công lý, là cảm hứng của nhân loại. Ông đã cống hiến cả cuộc đời vì nhân dân Nam Phi và nhân loại. Cuộc đời đó là một sự hy sinh lớn cho cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc trên thế giới".

Những đóng góp to lớn của ông trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, chống đói nghèo, bất bình đẳng đã được đất nước Nam Phi cùng nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới vinh danh bằng rất nhiều giải thưởng, tiêu biểu là giải thưởng Nobel hòa bình năm 1993, giải thưởng Lenin của Liên Xô và giải thưởng Tự do của Mỹ. Đặc biệt, tháng 11-2009, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 64 đã thống nhất lấy ngày 18-7 là “Ngày quốc tế Nelson Mandela”.

Nam Phi giờ đây đã trở thành một đất nước đa chủng tộc. Các quyền con người được pháp luật bảo vệ. Tự do ngôn luận đã gần như tuyệt đối. Đây là những thành tựu dân chủ có được nhờ sự đóng góp lớn lao của Nelson Mandela- người anh hùng huyền thoại của đất nước Nam Phi.

Con gái Tổng thống Nelson Mandela hé lộ những ngày cuối của cha: Người ra đi chính là giải thoát

Con gái Tổng thống Nelson Mandela hé lộ những ngày cuối của cha: Người ra đi chính là giải thoát

“Khoảnh khắc trái tim ông ngừng đập cũng là lúc ông được giải thoát khỏi những đau đớn”

TTXVN/Hồng Anh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm