18/02/2022 14:27 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Vào thời gian đầu của đại dịch COVID-19, nhiều người đã phải trải qua những trở ngại về sức khỏe tâm thần liên quan đến cách ly, khan hiếm thiết bị bảo hộ, thiếu thông tin và sợ bị lây nhiễm. Hơn 2 năm sau, các thiết bị bảo hộ y tế đã sẵn có hơn, các hạn chế về kiểm dịch đã được nới lỏng và thông tin về dịch bệnh cũng đầy đủ hơn.
Trong khi sự căng thẳng và lo lắng liên quan đến những thách thức ban đầu có thể đã giảm bớt, song nghiên cứu mới đây cho thấy COVID-19 có thể nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần ở những người mắc bệnh này.
Nghiên cứu được thực hiện trong năm 2022 và đăng tải trên tờ British Medical Journal (BMJ). Theo đó, giới khoa học phát hiện rằng những trở ngại về tâm thần như lo âu, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, có ý định tự tử, rối loạn sử dụng chất uống có cồn hay rối loạn sử dụng thuốc giảm đau nhóm opioid lại phổ biến ở những người từng mắc COVID-19. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn tìm hiểu về sự ảnh hưởng của COVID-19 đối với 154.000 cựu chiến binh Mỹ đã từng mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ 1/3/2020 đến hết tháng 15/1/2021 và đây là những người đã khỏi bệnh trong 30 ngày đầu tiên sau khi mắc.
Nhóm này được đem ra so sánh với 2 nhóm đối chứng chưa từng mắc COVID-19: nhóm thứ nhất gồm 5,6 triệu người không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian trên và nhóm thứ hai gồm hơn 5,8 triệu người là những người mắc bệnh khác từ tháng 3/2018 đến hết tháng 1/2019, thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Kết quả cho thấy so với 2 nhóm chưa từng mắc COVID-19, những người nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ bị tâm lý lo âu cao hơn 35%, nguy cơ trầm cảm cao hơn 40%, tỷ lệ có ý định tự tử cao hơn 46% và khả năng nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid cao hơn 34%. Điều này trùng hợp với tỷ lệ sử dụng thuốc chống trầm cảm tăng 55% và tỷ lệ sử dụng thuốc benzodiazepine để điều trị chứng lo âu tăng 65%.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ ở người mắc COVID-19 cao hơn 41%, nguy cơ suy giảm nhận thức thần kinh cao hơn 80%.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Giáo sư Ziyad Al-Aly, cho rằng những người gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần nên tìm kiếm sự giúp đỡ, đồng thời nhấn mạnh đến việc can thiệp sớm để giải quyết tình trạng này. Theo ông, cần hiểu rằng COVID-19 là một yếu tố nguy cơ gây ra những vấn đề này về tâm lý, do vậy, quan trọng nhất là chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị trước khi những triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Để hiểu thêm liệu các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần gia tăng có phải là sự tác động đặc trưng của virus SARS-CoV-2 hay không, các nhà nghiên cứu cũng so sánh bệnh nhân COVID-19 với 72.207 bệnh nhân cúm, bao gồm 11.924 người phải nhập viện, từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2020.
Theo đó, nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 lần lượt cao hơn 27% và 45% so với 2 nhóm trên. Các nhà nghiên cứu cũng so sánh về nguy cơ mắc rối loạn sức khỏe tâm thần ở những bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện trong vòng 30 ngày đầu tiên sau khi mắc và những người phải nhập viện do bệnh khác. Kết quả cho thấy nguy cơ bị các chứng rối loạn tâm thần ở nhóm COVID-19 cao hơn 86% so với nhóm còn lại.
Giáo sư Ziyad Al-Aly nhấn mạnh những phát hiện này cho thấy mối liên hệ cụ thể giữa SARS-Co-V-2 và các rối loạn sức khỏe tâm thần. Các nhà khoa học cũng không loại trừ giả thuyết hàng đầu là virus này có thể xâm nhập vào não và làm rối loạn các con đường tế bào và tế bào thần kinh của người bệnh, dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần. Do vậy, theo ông, cần chú trọng chăm sóc, chẩn đoán và điều tri những người đã khỏi bệnh bị rối loạn sức khỏe tâm thần.
Thanh Hương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất